TRUNG TÍN THI HÀNH TRỌNG TRÁCH -4/8/21

668

 

 

Kinh Thánh: Châm Ngôn 4:1-2

Câu gốc: “Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên dạy của một người cha, khá chú ý vào, hầu cho biết sự thông sáng” (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Châm Ngôn chương 4 cho thấy khuôn mẫu của việc dạy dỗ con cái như thế nào? “Người cha” đã đưa ra lời kêu gọi nào cho con mình? Vì sao cha mẹ phải trung tín truyền dạy Lời Chúa cho con cái? Bạn nhận ra trách nhiệm nào của cha mẹ và của con cái?

 Xã hội hiện tại gây nhiều khó khăn cho cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái như cuộc sống bận rộn, khác biệt văn hóa, khoảng cách thế hệ, lối sống, ngôn ngữ… Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh và ngay cả nhiều lãnh đạo nhà thờ có xu hướng chạy theo giới trẻ để đáp ứng đòi hỏi của giới trẻ nhưng không có định hướng giáo dục giới trẻ theo tiêu chuẩn Lời của Đức Chúa Trời.
Châm Ngôn chương 4 đưa ra một khuôn mẫu của việc dạy dỗ con cái trong gia đình, và cũng cho thấy cha mẹ phải trung tín hoàn thành trách nhiệm này, đồng thời con cái cũng phải trung tín trong việc lắng nghe và vâng theo sự dạy dỗ từ cha mẹ. Trong câu 1, trước giả kêu gọi: “Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên dạy của một người cha, khá chú ý vào…” Vì sao “người cha” phải kêu gọi “các con” lắng nghe lời dạy dỗ của mình? Đơn giản là vì người con không chịu lắng nghe! Nếu người con biết lắng nghe chắc hẳn người cha đã không cần thiết phải đưa ra lời kêu gọi này. Trong thực tế, chúng ta thấy rõ ràng Vua Rô-bô-am đã bỏ qua những sự dạy dỗ khôn ngoan của Vua cha là Sa-lô-môn dành cho ông, đặc biệt trong hai sách Châm Ngôn và Truyền Đạo, từ đó dẫn đến sự thất bại trong cả đời sống và việc cai trị đất nước của Vua Rô-bô-am. Tại đây, chúng ta nhận ra rằng cho dù con cái thường tỏ ra chống đối không muốn lắng nghe những lời dạy dỗ của cha mẹ hay những người kính sợ Chúa, nhưng đó không phải là lý do để cha mẹ không trung tín hoàn thành trách nhiệm của mình.
Lời dạy dỗ cho “các con” là từ một “người cha” – một danh xưng bao hàm sự quan tâm, mối liên hệ, sự thân mật, nhưng cũng là một thiên chức và thẩm quyền trên con cái. Những bậc cha mẹ phải ý thức được thẩm quyền này và thực thi cách đúng đắn. Cho dù tại đây không đề cập đến Đức Chúa Trời, nhưng trong Châm Ngôn 3:11-12 đã nói đến việc Đức Chúa Trời kỷ luật như một người cha (xem thêm Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:5), giúp chúng ta hiểu rằng việc duy trì sự dạy dỗ và kỷ luật tiếp nối trong các thế hệ đã khởi đầu từ Đức Chúa Trời, và do đó lời khuyên dạy của “người cha” tại đây chính là sự dạy dỗ Lời Chúa. Nói cách khác, thẩm quyền của cha mẹ là thẩm quyền thuộc linh bày tỏ qua việc kính sợ Chúa và trung tín truyền dạy Lời Chúa cho con cái.

Bạn đang trung tín thực thi thẩm quyền truyền dạy Lời Chúa cho con cái như thế nào?

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì con cái Ngài ban cho con. Xin cho con nhận ra trách nhiệm nuôi dạy con cái theo Lời Chúa và xin giúp con có sự khôn ngoan và sức mạnh để có thể trung tín thực thi trách nhiệm quan trọng này.

Nguồn:httlvn.org

Bài trướcBÀI 1: GIỚI THIỆU ĐỌC HIỂU KINH THÁNH
Bài tiếp theoDấu hiệu của sự sống (5): Trật tự