Kinh Thánh: Châm Ngôn 4:3-4
Câu gốc: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn đã được ai dạy dỗ và dạy dỗ từ lúc nào? Trách nhiệm của cha và mẹ trong việc dạy con là gì? Trung tín dạy dỗ con cái được lưu truyền qua các thế hệ ra sao? Bạn đang bày tỏ tình yêu trong việc dạy dỗ con cái mình như thế nào?
Nhiều phụ huynh quá bận rộn lo gánh nặng cơm áo gạo tiền nên thường lơ là trong việc dạy con. Nhưng Vua Sa-lô-môn, người khôn ngoan hơn hết (I Các Vua 3:12), đã đề cao việc dạy dỗ Lời Chúa trong gia đình. Ông nói, ngay từ khi còn thơ ấu ông đã nhận được sự dạy dỗ từ cả cha lẫn mẹ mình. Người cha thì đương nhiên, vì phụ nữ thời đó không được học hành và bị đánh giá thấp, tuy nhiên đó không phải là lý do để người mẹ tránh né trách nhiệm dạy con. Nói cách khác, không có bất cứ lý do nào là hợp lý để cha và mẹ từ chối trách nhiệm dạy dỗ con cái.
Cha mẹ cần phải ưu tiên dạy dỗ con cái cách trung tín và phải bắt đầu ngay từ khi con còn ấu thơ. Vì sự dạy dỗ đúng đắn sẽ ảnh hưởng trên cả phần đời còn lại của con cái (Châm-ngôn 22:6), và vì sự dạy dỗ Lời Chúa sẽ khiến con “được sống” (câu 4). Có hai cụm từ khiến chúng ta phải lưu ý trong câu 3b. Thứ nhất là “đứa con một.” Vua Đa-vít và bà Bát-sê-ba có 4 con trai (I Sử-ký 3:5), nhưng tại đây Vua Sa-lô-môn nói ông là “con một”. Thật ra, cho dù có bao nhiêu con đi nữa nhưng trong mắt người mẹ thì mỗi đứa con đều là “con một”. Từ ngữ thứ hai là “yêu mến”. Trong nguyên nghĩa từ ngữ này có nghĩa “yếu đuối”. Nói cách khác, tình yêu khiến cha mẹ luôn nhìn thấy con là yếu đuối cần được bảo bọc và yêu thương. Và tình yêu con cái của cha mẹ được bày tỏ tốt nhất qua sự ân cần, trung tín dạy dỗ cho con mình.
Nhiều cha mẹ ngày nay chăm chú kiếm tiền với mong muốn tiền bạc sẽ giúp con mình được bảo đảm tương lai. Tuy nhiên, tiền bạc là thứ nay còn mai mất và cũng không ai biết tương lai sẽ thế nào khi nương cậy tiền bạc, nhưng trung tín dạy dỗ Lời Chúa và đem con vào sự nhận biết và thờ phượng Chúa là điều không thể nào bị đoạt mất khỏi con cái mình. Ngoài ra, đức tin còn tiếp tục lưu truyền qua các thế hệ đem đến một ảnh hưởng to lớn, như cuộc đời của ông Ti-mô-thê mà Sứ đồ Phao-lô đã nói: “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (II Ti-mô-thê 1:5). Đó là sự bảo đảm vững chắc cho con cái mình “được sống” không những trên đất này mà còn trong cõi vĩnh hằng.
Bạn có đang trung tín trong việc dạy con cái mình từ thuở còn thơ không?
Lạy Chúa, xin cho con nhận biết giá trị của sự dạy dỗ Lời Chúa và gây dựng đời sống thuộc linh cho con cái là vô cùng lớn lao để con trung tín cầu nguyện, dạy Lời Chúa, và làm gương cho con cái.
Nguồn: httlvn.org