Kinh Thánh: I Cô-rinh-tô 9:19-23
Câu Gốc: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào” (câu 22b).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã áp dụng nguyên tắc “trở nên mọi cách cho mọi người” như thế nào? Thích nghi với hoàn cảnh nhưng ông luôn giữ vững điều gì? Chúng ta áp dụng nguyên tắc của Sứ đồ Phao-lô trong công tác chứng đạo ra sao?
Sứ đồ Phao-lô tuyên bố mình là người tự do, không phải là nô lệ của bất cứ ai, nhưng ông tự nguyện làm nô lệ cho mọi người để chinh phục họ (câu 19). Ông đã áp dụng nguyên tắc “trở nên mọi cách cho mọi người” với bốn thành phần cụ thể: Thứ nhất, với người Do Thái, dù ông không coi phép cắt bì là quan trọng cho sự cứu rỗi (Ga-la-ti 6:15) nhưng ông cũng đã làm phép cắt bì cho học trò mình là Ti-mô-thê có cha là người Hy Lạp. Thứ hai, với người dưới quyền luật pháp, ông cũng có lần chấp nhận làm lễ thanh tẩy và cạo đầu theo luật Môi-se (Công Vụ 21:18-26). Thứ ba, với người không luật pháp, tức dân ngoại, ông không ngại ngồi ăn chung với họ tại thành An-ti-ốt (Ga-la-ti 2:11-14). Thứ tư, với những người yếu đuối, là những tín hữu chưa trưởng thành, ông cũng sẵn lòng không ăn những thức ăn họ kiêng cữ để không gây vấp phạm cho lương tâm yếu đuối của họ (I Cô-rinh-tô 8:7-13).
Sứ đồ Phao-lô là người giữ kỷ luật nghiêm khắc đối với bản thân (câu 27). Nhưng với người ngoài, ông uyển chuyển trong cách cư xử để lòng họ mềm mại chịu lắng nghe sứ điệp cứu rỗi ông trình bày. Thích nghi với hoàn cảnh, nhưng ông luôn tuân thủ theo “luật pháp của Đấng Christ” (câu 21). Ông được Chúa dùng rao truyền Danh Chúa cho dân ngoại, thành lập nhiều Hội Thánh khắp nơi trong thế giới cổ đại. Có thể nói ông là một giáo sĩ xuyên văn hóa rất thành công. Một trong những bí quyết thành công của ông là nhạy bén thích ứng với mọi thành phần ông tiếp xúc trong sự khôn ngoan Chúa cho để có thể gần gũi, hòa mình với họ, giúp ông đạt mục đích là cứu được nhiều người trong số họ.
Đại mạng lệnh Chúa Giê-xu truyền cho các môn đệ là hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi dân tộc (Ma-thi-ơ 28:19-20). Nhiều giáo sĩ được sai đi chẳng những phải học ngôn ngữ của người bản xứ mà còn phải tiếp xúc với một nền văn hóa mới, với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng xa lạ. Để chiếm cảm tình của dân địa phương hầu cho họ mở lòng lắng nghe Phúc Âm, các giáo sĩ phải tập hội nhập vào văn hóa địa phương, miễn là những điều này không trái với Lời Chúa dạy. Chúa Giê-xu cũng ví mỗi tín hữu là muối đem vị mặn cho đất, là ánh sáng chiếu ra trước mặt mọi người (Ma-thi-ơ 5:13-16). Chúa muốn chúng ta là công cụ đem Tin Mừng của Ngài cho mọi người chung quanh, vậy điều cần làm là tạo sự thân thiện với họ qua nếp sống và lối cư xử của chúng ta.
Bạn có áp dụng nguyên tắc “trở nên mọi cách cho mọi người” chưa? Kết quả ra sao?
Lạy Chúa, xin cho con noi gương Sứ đồ Phao-lô, biết nhạy bén thích ứng với thân hữu trong sự khôn ngoan Chúa cho để lòng họ mềm mại, lắng nghe và tiếp nhận sứ điệp Phúc Âm cứu rỗi.
Nguồn: httlvn.org