TÔI CHẲNG LÀ GÌ – NHƯNG TÔI LÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ TÔI CÓ

379

“Sự khen ngợi giống như ánh mặt trời sưởi ấm tâm hồn con người; chúng ta không thể nở hoa và lớn lên mà không có nắng. Vậy mà hầu hết chúng ta chỉ chăm chăm thổi luồng gió lạnh phê phán người khác, phải miễn cưỡng lắm chúng ta mới có lời khen bạn mình như một tia nắng ấm.” – Nhà tâm lý học Jess Lair

Chúng tôi dọn lên Buôn Ma Thuột đã 4 tháng rồi. Mỗi ngày vợ chồng tôi phải ở bên chỗ xây dựng để làm việc cùng anh em thợ. Con bé nhỏ phải ở nhờ nhà một nhân sự có một mình vì trên này thời gian trong ngày của người Ê Đê là dành cho ruộng, rẫy. Chúng tôi đã mua cho con gái nhỏ một chú chó con để nó chăm sóc và chơi cùng cho khuây khoả. Tôi để ý thấy dù cho con chó nhỏ có ngứa răng mà gặm tay chân, tóc tai của nó thì nó cũng không đánh mắng gì cả, mà nó ôm con chó vào lòng rồi nói năng rất nhỏ nhẹ dịu dàng, nếu con chó nghe lời thì nó lấy một miếng bánh và cho ăn. Tôi thấy con chó ngoan hẳn, biết ư ử khi muốn đi vệ sinh và khều con bé nhỏ để dẫn nó đi.

Điều đó chẳng có gì mới với các nhà tâm lý học, và các nhà huấn luyện động vật đã sử dụng cùng một kỹ thuật đó hàng thế kỷ nay.

Nhưng con người lại ít quan tâm và ít áp dụng phương pháp khen ngợi nầy, mà thông thường chỉ muốn làm cho mình hả hê khi hạ bệ được người khác.

Cho đến bây giờ cái cảm giác “không dám hát” vẫn đè nặng trong lòng tôi vì tôi là chuyên gia bẻ cong nốt nhạc, cho nên nếu bắt buộc phải đứng lên hát thì thật ra tôi chỉ đứng cho đẹp đội hình và hát thật nhỏ với trái tim run lên bần bật. Cái sự hát rất dở của tôi nó càng nổi bật khi ông xã và hai đứa con gái hát rất hay. Và mỗi khi tôi cất tiếng hát thì cả ba cha con cùng cười. Vậy nên tôi chỉ hát khi có một mình mà thôi.

Tôi đọc và xem rất nhiều tác phẩm của Charles John Huffam Dickens, ông được ca ngợi rất nhiều về khả năng kể chuyện và trí nhớ, được nhiều người ở khắp nơi yêu mến trong suốt quãng đời của ông. Ông là tác giả hiện thực lớn nhất của nước Anh thế kỷ 19. Nhưng rất ít người biết được rằng vào đầu thế kỷ 19, có một thanh niên ở London khao khát muốn trở thành nhà văn; nhưng dường như tất cả đều chống lại anh ta. cả đời anh ta chỉ được đi học có 4 năm. Cha bị cầm tù vì không trả được nợ và chàng thanh niên nầy thường xuyên bị cơn đói hành hạ. Cuối cùng anh ta cũng kiếm được một việc làm là dán nhãn hiệu lên chai mực đen trong một nhà kho đầy chuột, và tối đến ngủ trên một gác xép với hai cậu bé khác, những đứa trẻ cùng đinh trong khu ổ chuột ở London. Anh ta không tự tin vào khả năng viết văn của mình đến nỗi đêm khuya anh ta mới dám lẻn ra ngoài phố để bỏ thư bài viết đầu tiên của mình để không ai nhìn thấy mà chế giễu. Liên tiếp những bài viết của anh đều bị từ chối.

Cuối cùng một ngày vĩ đại đã đến khi có một truyện ngắn được chấp nhận đăng. Đúng ra anh ta không được trả nhuận bút nhưng có một biên tập viên đã khen bài anh ta, đã công nhận khả năng của anh. Anh hồi hộp đến nỗi đã đi lang thang vô định trên các dãy phố với hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.

Lời khen và sự công nhận của một người đã làm thay đổi cuộc đời của Charles Dickens; nếu không có sự động viên đó, chắc có lẽ anh ta đã phải làm việc trong cái nhà kho đầy chuột kia cả cuộc đời.

Tôi có lẽ cũng đã là một đứa bỏ đi ước mơ viết của mình nếu như không có “Bão Biển” (bút danh của người Mẹ thuộc linh đã quá cố của chúng tôi) khuyến khích mỗi ngày. Tôi không hề nắm được khái niệm sẽ viết như thế nào, ra sao và lỗi chính tả, cách hành văn… cho đến khi được Mẹ chỉ dạy, khích lệ mỗi ngày bằng cách gửi những bài viết liên quan để tôi đọc, rồi viết để Mẹ sửa, sau đó là chỉ gạch dấu đỏ chỗ sai và tôi tự sửa… rồi cũng kiếm tiền được từ câu chữ (viết  theo yêu cầu cho vài nơi); cho đến hôm nay thì ý định in cuốn sách đầu tiên đã được ấp ủ và sẽ sớm trình làng trong những ngày tới (để kiếm tiền xây nhà thuốc và xây dựng các mục vụ liên quan trên vùng cao, nơi mà chúng tôi hứa nguyện phục vụ suốt quãng đời còn lại trong tiếng gọi của Chúa.)

 Lúc thấy mình đã cứng cáp đôi bàn tay thì Mẹ đã yên nghỉ nơi thiên đàng vinh hiển. Nhưng ơn mà Mẹ đã đối cùng chúng tôi với đầy sự ân hậu thì sẽ còn mãi trong trái tim nầy và nó sẽ được truyền lại cho những thế hệ trẻ mà chúng tôi dạy dỗ.

Việc dùng lời khen, khích lệ thay lời phê bình là khái niệm cơ bản trong những lời giáo huấn  của Burrhus Frederic Skinner (nhà tâm lý học hàng đầu trong thế kỷ 20). Qua thí nghiệm trên động vật và trên người đã chứng minh khi phê bình ở mức độ tối thiểu và tăng cường sự khen ngợi, thì những điểm tốt sẽ được làm tốt hơn và những điều xấu sẽ giảm đi đến mức không ai chú ý.

Trước khi học môn Tâm Vấn Cơ Đốc từ TS. Bác Sĩ Hoa (vợ của Mục Sư Hải Đăng) từ Mỹ về dạy, tôi hay quát tháo tụi nhỏ khi bị chúng làm bực mình. Nghĩ lại thấy mình thật sự rất tệ; giờ đây, đối cùng mỗi đứa trẻ, tôi luôn dùng mọi cách khen ngợi và nêu những điểm tốt của chúng, và nếu có chê một cái gì đó thì cũng sẽ nêu được 3 điểm tốt trước rồi mới chê.

Như mới hôm qua, đứa con gái đỡ đầu của chúng tôi đi chích vaccine về, con bé bị chảy máu mũi, rất hoảng sợ. Tôi đã dạy con bé ngồi xuống và bóp phần cánh mũi để máu ngừng chảy, tôi nói rằng “H’gim giỏi, đừng hoảng sợ, chị Bo cũng bị chảy máu mũi, cô Y cũng bị chảy máu mũi, H’gim cũng bị chảy máu mũi, sẽ không sao đâu. Bây giờ mình uống Vitamin C sủi vô rồi sẽ khoẻ nhanh thôi.” Tôi nói và làm đúng như lời đã nói. Pha C sủi rồi uống trước, tới con gái nhỏ (bé bo) rồi H’gim thấy thì cũng uống theo. Con bé chạy nhảy vui chơi và tối thì không bị sốt như những đứa trẻ khác.

Tất cả những việc con trẻ làm và tiến bộ là do kết quả của việc khen ngợi và cách người lớn làm gương và giữ lời với trẻ.

Chúng ta hãy nhớ rằng ai trong chúng ta cũng thích được khen ngợi, được ghi nhận và sẽ làm tất cả để đạt được điều đó. Nhưng kể cả một đứa con nít đi nữa thì nó cũng muốn những gì bạn nói và làm phải xuất phát từ lòng chân thành.  Không ai muốn nịnh bợ cả.

Vậy nên khi nói lên lời khích lệ, hãy chắc chắn đó xuất phát từ trái tim, đừng bao giờ học một bí quyết nào mà nó xuất phát từ sự dối trá.

Con người chúng ta ẩn chứa những tiềm năng đa dạng và phong phú mà thông thường bản thân đã không khai thác hết. Đó là khả năng tuyệt vời để ca ngợi con người và khơi dậy trong họ những khả năng tiềm tàng của bản thân.

Thay vì chán nản héo tàn vì những lời phê bình, con người có thể khoe sắc như những đoá hoa nở rộ vì những lời động viên.

Nguyên tắc nằm ở 2 điều:

  • Hãy khen ngợi cả những thành tích nhỏ nhất và hãy khen ngợi từng sự tiến bộ một.
  • Hãy chân thành khi công nhận và hào phóng trong lời khen.

 Bắt đầu bằng lời khen chẳng khác gì một bác sĩ nha khoa bắt đầu công việc của mình bằng thuốc gây tê. Bệnh nhân vẫn đang được làm răng nhưng chất gây tê đã làm cho bớt đau.

Vậy nên hãy bắt đầu bằng lời khen và lời đánh giá chân thành. Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.

Daklak 15/06/2022

HẢI YẾN

Bài trướcLUẬT NGÀY SA-BÁT-30/7/22
Bài tiếp theoCHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CHÚA (31/7/22)