SỐT SẮNG NHƯNG THIẾU TRÍ KHÔN-3/7/22

434

 

Kinh Thánh: Rô-ma 10:1-4

Câu gốc: “Vì tôi làm chứng cho họ rằng họ có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Rào cản lớn nhất trong sự cứu rỗi của người Do Thái là gì? Đứng trước lòng sốt sắng không theo trí khôn của họ, Sứ đồ Phao-lô vẫn hết lòng làm gì? Noi gương Sứ đồ Phao-lô, chúng ta phải làm gì cho đồng bào?

 Lòng nhiệt thành tôn giáo “không phải theo trí khôn” là rào cản lớn nhất cho người Do Thái trong sự cứu rỗi vì họ “không nhận biết sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công bình riêng của mình” (câu 2-3). Họ không nhận ra rằng để có thể đứng trước Đức Chúa Trời phải có “sự công bình của Đức Chúa Trời”. Đây không chỉ là hoàn thành bổn phận đạo đức mà còn là địa vị pháp lý, mà điều này chỉ có thể tìm thấy trong Chúa Giê-xu “vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình” (câu 4). Câu này bao gồm cả ba nghĩa. Thứ nhất, mục đích cuối cùng của Luật Pháp là Đấng Christ. Luật Pháp không đem đến sự cứu rỗi nhưng khiến con người nhận biết tội lỗi và sự bất lực của mình trong việc tuân giữ, bởi đó dẫn người ta đến với Chúa Giê-xu (Rô-ma 7:25a; Giăng 5:39-40). Thứ hai, Chúa Giê-xu là Đấng hoàn thành Luật Pháp qua chức vụ của Ngài trên đất (Ga-la-ti 4:4; Rô-ma 8:1). Thứ ba, Đấng Christ đã giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của Luật Pháp “đặng xưng mọi kẻ tin là công bình” (câu 4b). Phương thức duy nhất để có thể đáp ứng những đòi hỏi về sự công bình của Đức Chúa Trời là “tin” Chúa Giê-xu (Giăng 14:6).
Dân Do Thái đã không nhận ra vai trò của Đấng Christ là “sự cuối cùng của Luật Pháp” mà chỉ dựa vào lòng sốt sắng của mình. Lòng nhiệt thành không thể thay thế cho việc ăn năn và tin nhận Chúa Giê-xu. Lòng nhiệt thành cần phải được hướng dẫn bởi Lẽ Thật. Một trong những sai lầm phổ biến hiện nay trong nhiều Hội Thánh là tôn vinh lòng nhiệt thành và việc làm, nhưng Hội Thánh phải được gây dựng và đặt nền tảng trên sự giảng dạy Lời Đức Chúa Trời, không phải trên những hoạt động.
Đứng trước lòng sốt sắng không theo trí khôn của dân Do Thái, Sứ đồ Phao-lô vẫn cứ “ước ao trong lòng tôi… ấy là cho họ được cứu” (câu 1). Điều ông vui thích và thỏa lòng chính là sự cứu rỗi của dân tộc ông, và lòng ước ao đó được bày tỏ qua việc ông hằng “cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu”. Dù bị dân Do Thái chống đối và bắt bớ, Sứ đồ Phao-lô vẫn hết lòng rao giảng Phúc Âm cho họ, nhưng ông biết rằng không ai có thể mở lòng tin nhận Phúc Âm nếu không bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chính vì vậy ông dốc lòng cầu nguyện để xin Đức Chúa Trời hành động.
Sứ đồ Phao-lô đã nêu gương kỷ luật tâm linh trong công tác rao truyền Phúc Âm cho chúng ta noi theo trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bạn đang làm gì trước tình trạng mù lòa thuộc linh của nhiều người?

Lạy Chúa, xin cho con noi gương Sứ đồ Phao-lô, hết lòng cầu nguyện và rao giảng Phúc Âm cho đồng bào để nhiều người được cứu trước ngày Chúa trở lại.

Nguồn: httlvn.org

Bài trướcCHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CHÚA (CN-03/7/22)
Bài tiếp theoCHÂN DUNG TÍN HỮU TRONG HỘI THÁNH