NGƯỜI GIẢI HOÀ -13/8/21

568

Kinh Thánh: Phục Truyền 9:15-21

Câu gốc: “Đoạn, vì cớ các ngươi làm dữ, phạm tội trọng trước mặt Đức Giê-hô-va, chọc cho Ngài giận, nên ta lại sấp mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm như lần trước, không ăn bánh và chẳng uống nước” (câu 18).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi dân Y-sơ-ra-ên phạm tội trọng, Đức Chúa Trời đã tức giận như thế nào? Ông Môi-se đóng vai trò gì giữa dân Chúa với Đức Chúa Trời? Cách hành xử của ông Môi-se thể hiện ông là người như thế nào? Bạn thường hành xử ra sao khi biết anh em mình phạm tội với Chúa?

 Trong phân đoạn Kinh Thánh này, ông Môi-se tường thuật lại sự giận dữ của Đức Chúa Trời khi nhìn thấy dân Ngài phạm tội thờ hình tượng. Vì cớ tội ấy, Đức Chúa Trời đã nổi cơn thịnh nộ đến mức muốn tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên và ông A-rôn, anh trai của ông Môi-se. Bên cạnh hình ảnh giận dữ tột cùng của Đức Chúa Trời là hình ảnh một Môi-se hết lòng vì dân Y-sơ-ra-ên. Hơn ai hết, ông Môi-se biết rõ tính nghiêm trọng và khẩn cấp của vấn đề này. Đây là vấn đề liên quan đến sự sống và cái chết. Khi ông Môi-se nhìn thấy dân Chúa đứng trước nguy cơ bị diệt vong, ông đã chấp nhận đứng mũi chịu sào thay cho dân Chúa. Ông phủ phục trước mặt Chúa bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn bánh cũng chẳng uống nước (câu 18). Không những thế, ông còn giải quyết hình tượng tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên bằng cách đem đốt con bò vàng trong lửa, nghiền nát, rồi đổ bụi ấy vào khe nước từ trên núi chảy xuống (câu 21). Chính bởi sự hết lòng cầu thay của ông cho dân chúng mà Chúa đã nhậm lời tha thứ cho họ (câu 19).
Qua sự việc này chúng ta thấy ông Môi-se không chỉ là tiên tri của Đức Chúa Trời, là lãnh đạo của dân Y-sơ-ra-ên, nhưng ông còn là người giải hòa giữa dân Y-sơ-ra-ên và Đức Chúa Trời. Nhờ đó, tội lỗi của dân Chúa được tha thứ, và mối liên hệ giữa Chúa với họ lại được phục hồi.
Nhiều người trong chúng ta khi biết anh em mình trong Hội Thánh phạm phải những tội nghiêm trọng, thì thường có những phản ứng tiêu cực. Có người thì giữ khoảng cách không giao tiếp, có người thì rỉ tai nhau cho nhiều người khác cùng biết v.v… Nhưng lại ít có ai cảm thấy đau buồn hay thấy mình cần phải cầu thay cho sự yếu đuối của anh em mình. Những phản ứng tiêu cực như vậy không làm cho tình trạng của anh em mình trở nên tốt hơn. Đành rằng tội lỗi anh em mình gây ra không liên quan đến trách nhiệm của mình, nhưng không phải vì thế mà chúng ta lại ngoảnh mặt làm ngơ trước thực trạng đau buồn của họ. Chúng ta hãy học theo gương ông Môi-se, hết lòng cầu thay cho họ, sẵn sàng đứng vào vị trí làm người giải hòa. “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9). Đức Chúa Trời vẫn đang tìm kiếm những con người tận hiến để thực hiện chức vụ giải hòa đó.

Bạn thường hành xử thế nào khi biết anh em mình phạm tội với Chúa?

Lạy Chúa, xin cho con biết thương xót anh em con trước những yếu đuối của họ. Xin giúp con hết lòng cầu thay cho anh em con, sẵn sàng thực hiện chức vụ giải hòa theo gương ông Môi-se đã làm.

Nguồn: httlvn.org

Bài trướcBÀI 16: SÁCH NÊ-HÊ-MI
Bài tiếp theo4 THÀNH PHẦN CHÚ Ý KHI HOẠCH ĐỊNH NGẮN HẠN