Kinh Thánh: Phi-líp 2:1
Câu gốc: “Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót”.
Câu hỏi suy ngẫm: Sự hiệp một của Hội Thánh được đặt trên những nền tảng nào? Như vậy về bản chất, sự hiệp một đến từ đâu? Bạn rút ra những phương cách cần thiết nào để gây dựng sự hiệp một và thông công trong Hội Thánh?
Phi-líp 2:1 cho thấy ba nền tảng của sự hiệp một Cơ Đốc. Thứ nhất, là Chúa Giê-xu Christ – “nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào”. Chữ “nếu” ở đây không chỉ về một điều kiện cần có, nhưng để xác nhận những sự thật mà các tín hữu tại Phi-líp đã nhận được qua Tin Lành. Không một Cơ Đốc nhân nào không nhận được “điều yên ủi nào” và “điều cứu giúp nào” ở trong Đấng Christ. Vì lòng yêu thương, Chúa Giê-xu đã ban “điều cứu giúp” và tiếp tục ban “điều yên ủi” qua ân sủng cứu rỗi lạ lùng trên những tội nhân không xứng đáng. Khi ở trong ân sủng của Chúa, chúng ta đang nợ tình yêu thương Ngài ban. Nhận biết điều đó chúng ta phải yêu thương anh em và gây dựng sự hiệp một trong Hội Thánh. Nền tảng của sự hiệp một là kinh nghiệm tình yêu của Chúa Giê-xu và đáp ứng với tình yêu đó.
Thứ hai, là Đức Thánh Linh – “nếu có sự thông công nơi Thánh Linh”. Công việc của Thánh Linh là tạo mối thông công giữa tín hữu với Đức Chúa Trời và giữa những tín hữu với nhau. Khi tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta được Đức Thánh Linh ngự vào lòng. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang ở trong sự thông công và hiệp một với những anh em cùng niềm tin. Sự hiệp một trong Hội Thánh không do con người tạo nên, nhưng là yếu tố tất yếu do cùng thông công với Thánh Linh. Chúng ta không tạo nên sự hiệp một mà chỉ nhận lấy sự hiệp một, và tiếp tục gây dựng sự hiệp một, để qua đó kinh nghiệm phước hạnh của sự hiệp một.
Thứ ba, là sự đổi mới thuộc linh – “nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót”. “Lòng yêu mến” nhấn mạnh cảm xúc bên trong, còn “lòng thương xót” bày tỏ “lòng yêu mến” cho những người chung quanh. Nền tảng sự hiệp một là kinh nghiệm tình yêu của Chúa và Hội Thánh bày tỏ, cùng việc sở hữu tình yêu đó qua sự đổi mới của Thánh Linh trong đời sống mình.
Như vậy, nền tảng của sự hiệp một là các yếu tố thuộc linh, do đó gây dựng sự hiệp một phải dựa vào sự gây dựng thuộc linh. Các phương pháp thuộc về tổ chức là cần thiết nhưng không phải là mấu chốt. Tập trung vào các hình thức tổ chức, hoặc bắt chước những hình thức bên ngoài sẽ biến Hội Thánh thành một tổ chức xã hội. Chúng ta không thể cạnh tranh với thế gian bằng hình thức mà chỉ có thể thắng hơn nhờ sự sống thuộc linh bên trong mỗi cá nhân và Hội Thánh.
Bạn có dự phần gây dựng sự hiệp một trong Hội Thánh cách đúng đắn chưa?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu con và cho con dự phần trong mối thông công Cơ Đốc. Xin cho con mỗi ngày yêu Chúa và yêu anh chị em con càng hơn.
Nguồn: httlvn.org