Kinh Thánh: Công-vụ các Sứ-đồ 16:9-15
Câu gốc: “Người này người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn” (I Phi-e-rơ 4:9)
Câu hỏi suy ngẫm: Đoàn truyền giáo của Sứ đồ Phao-lô đã đi đến đâu và làm gì? Bà Ly-đi đã bày tỏ tinh thần phục vụ như thế nào ngay sau khi tin Chúa? Điều kiện để chúng ta được Chúa dùng phục vụ nhau là gì?
Sau khi nhận được khải tượng về người Ma-xê-đoan, đoàn truyền giáo của Sứ đồ Phao-lô tìm cách sang Châu Âu rao giảng Tin Lành. Họ đến thành Phi-líp, theo thói quen vào ngày Sa-bát họ tìm đến ven sông là nơi người ta thường tụ họp cầu nguyện, và họ rao giảng cho các phụ nữ ở đó. Trong nhóm phụ nữ này có một bà tên Ly-đi chuyên bán vải lụa sắc tía. Bà là người theo Do Thái giáo, vẫn “thờ kính Đức Chúa Trời” (câu 14 BTTHĐ). Sau khi chú ý lắng nghe Sứ đồ Phao-lô rao giảng Phúc Âm, Chúa đã cảm động bà, người nữ tây phương đầu tiên tin Chúa Giê-xu. Sau đó, bà và cả nhà mình đều nhận Báp-têm.
Điểm nổi bật thấy được nơi bà Ly-đi là ngay sau khi tin Chúa, chịu Báp-têm, bà đã nắm bắt cơ hội, mở lòng tiếp đón đoàn truyền giáo ngay. Bởi sự soi sáng của Chúa Thánh Linh, bà cảm nhận được nhu cầu cấp bách của đoàn truyền giáo là nơi ăn chốn ở để rao giảng Phúc Âm, và ngay lập tức bà đề nghị được đảm nhiệm việc lưu trú cho đoàn. Bà nói nếu họ tin bà trung thành với Chúa (Công-vụ các Sứ-đồ 16:15), nghĩa là nếu đã coi bà là một tín hữu của Chúa, thì hãy đến tạm trú tại nhà bà. Đây là một cách mời rất khéo khiến người được mời khó từ chối. Theo văn hóa lúc bấy giờ, người Do Thái không vào nhà người ngoại. Hơn nữa, đây lại là nhà của một phụ nữ ngoại bang, là một rào cản rất lớn. Tuy nhiên, bà Ly-đi nhìn biết giờ đây trong Danh Chúa Giê-xu, bà và đoàn truyền giáo là anh chị em trong đại gia đình thuộc linh. Bà nhận biết ngay mối thông công liên kết những người thuộc về Chúa với nhau nên bà nắm bắt cơ hội để tiếp đãi các sứ đồ ngay tức khắc. Từ chỗ tiếp đón đoàn truyền giáo, nhà bà sau đó đã trở thành một Điểm nhóm thật phước hạnh (Công-vụ các Sứ-đồ 16:40).
Ngày nay có nhiều gia đình đã sẵn lòng cho mượn phòng khách hoặc cả căn nhà của mình làm nơi thờ phượng cho con dân Chúa lúc mới bắt đầu thành lập Điểm nhóm, vì Hội Thánh chưa có nhà thờ chính thức. Đó là tinh thần nắm bắt cơ hội phục vụ vô cùng cao quý. Khi một người sẵn lòng hiến dâng cho công việc Chúa, Ngài sẽ ban ơn phục vụ để người đó sử dụng những gì mình có phục vụ cho công việc Chúa. Điều quan trọng là chúng ta biết quan tâm đến nhu cầu của nhau, rộng mở tấm lòng, sẵn sàng hy sinh thì giờ, tiền bạc, công sức, và nhanh chóng nắm bắt cơ hội để phục vụ. Chúa sẽ ban ơn và vui dùng chúng ta ngày càng hơn trong ân tứ phục vụ.
Bạn có nắm bắt cơ hội phục vụ người khác kịp thời đúng lúc không?
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì nhiều khi con thờ ơ trước nhu cầu của người khác. Xin giúp con luôn nhạy bén nhận biết nhu cầu của người xung quanh, rộng lòng tiếp đãi và giúp đỡ nhau trong tình yêu thương của Chúa.
Nguồn: httlvn.org