MÙI KÝ ỨC

1040

   Một mùi hương bất chợt giống như một chiếc cổng thời gian ngay lập tức đưa ta từ một nơi nhộn nhịp đông đúc trở về với một nơi bình lặng mà ta đã từng ở trong nhiều năm trước. Khoa học cho biết mùi thơm có thể đánh thức những kỷ niệm đã từng bị lãng quên từ lâu… Tại sao lại như vậy? Câu trả lời ngắn gọn là do các vùng não bộ xử lý mùi thơm, ký ức và cảm xúc có mối liên kết chặt chẽ với nhau.

   Hôm nay là “Mùng 10 Tết” ngày cuối cùng được gọi mà có chữ Tết kèm theo mặc dù từ “Mùng 6 Tết” thì đám trẻ bắt đầu trở lại trường và các khu vực hành chính đã làm việc trở lại. Nhưng mùi tết như đang còn quanh quẩn đâu đây, vẫn nghe đây đó nhạc xuân, vẫn còn hoa cúc bên hè, vẫn còn không khí se lạnh của tiết xuân và vẫn còn bánh tét trong nhà… Chắc vì năm nay không về quê nên chúng tôi lấp vào nỗi nhớ quê bằng cách mua bánh tét (từ ban thanh niên của Hội Thánh bán gây quỹ hôm mùng 1 Tết) và ăn suốt ba ngày tết.

   Khi nhìn vợ bóc từng lớp lá chuối quấn đòn bánh tét ra, tôi chợt thốt lên “Em ơi, đó không phải là cách cắt bánh tét, em phải dùng sợi dây buộc rồi cắt nó ra từng khoanh tròn”. Vợ tôi đúng nghĩa mất gốc vì xa quê từ nhỏ, liền chuyển giao công nghệ cắt bánh tét qua cho tôi liền.

   Tôi cúi đầu xuống chăm chú cắt từng khoanh bánh tét bằng sợi lạt, mùi lá chuối nấu chợt vương vào mũi, lòng tôi bâng khuâng đến lạ. Tôi ngồi xuống và hỏi “Cả nhà ai biết bánh gì làm từ chuối ngoài bánh tét không?

   Con gái nhỏ mê chuối chiên nên nói liền “Dạ, chuối chiên”. Con gái lớn thì thích chè chuối nên nhớ món chè chuối. Còn tôi và vợ có cùng tuổi thơ ở Bến Tre nên cùng sở thích ăn uống. Tôi kể cho đám trẻ nghe về bánh chuối gói hình chóp nhọn, chuối quết, rồi bánh dừa trộn chuối bự chà bá… mà hồi xưa không cần mua bằng tiền vì có thể đổi bằng dừa khô để lấy bánh ăn.

   Rồi tôi kể về những ngày cận tết lúc còn nhỏ, khi đó mẹ tôi sanh ra năm người con, những năm sau 1975 rất khó khăn mà chỉ khi gần tết mới có tiền để sắm sửa đồ ăn trong nhà và món khoái khẩu của anh em chúng tôi là bánh chuối gói hình chóp. Sau đó, tôi bắt đầu chơi bet amo lần đầu tiên và tôi đã có tiền.

   Tôi vẫn nhớ lúc đó mình chỉ nhỉnh hơn 10 tuổi, em nhỏ nhất khoảng 2-3 tuổi thôi. Cứ gần tết thì cả nhà đi từ Bến Tre về Long An để thăm nội, lúc nào cũng sẽ ghé chợ Bến Tre để thăm hỏi ông nội Bảy (ông là em ruột của ông nội tôi), vì nhà ông nội Bảy là tiệm vàng lớn nhất nhì trong chợ nên rất đông khách (cho đến ngày nay). Điều đặc biệt không nằm ở chỗ nhà ông giàu mà chính là lòng yêu mến Chúa và thương người của ông nội Bảy đã bày tỏ ra chung quanh đến nỗi nguyên một vùng đó ai cũng biết đến “Ông Bảy Hoảnh- tư hóa (thủ quỹ) Hội Thánh Tin Lành Bến Tre”.

   Mỗi lần có ai ghé thăm, bất cứ là người thân hay bất kì một tôi tớ Chúa nào ghé qua để trò chuyện cùng ông nội Bảy thì ông cũng cho tiền, nhiều hay ít tùy theo lúc đó trong túi ông có, nhưng luôn là cho sạch túi.

   Ngay từ nhỏ, tôi vẫn nhớ đến từng cuộn đồng xu ông cho anh em chúng tôi để về quê sắm tết (một cuộn tính ra nhiều tiền lắm); Nhưng cả năm anh em chúng tôi đều khờ khạo, khi lên xe đò, mẹ tôi đưa cái giỏ đệm cho tôi giữ vì mẹ phải ẵm em. Tôi nhớ như in có một cô ngồi kế bên nói “giỏ nặng để cô cầm giùm cho”. Rồi đến khi mẹ tôi dẫn năm anh em xuống khỏi xe đò thì không thấy cái cô cầm dùm giỏ đâu nữa. Năm đó nhà cô kia ăn tết lớn hơn nhà tôi là cái chắc.

   Suốt những năm tháng từ thiếu nhi đến trung niên như bây giờ, mỗi năm chúng tôi đều đến thăm ông nội Bảy hoặc là cả nhà ông nội Bảy đi về Long An để thăm họ hàng, thì từ người lớn đến đứa bé ẵm ngửa đều được lì xì cho đến khi trong túi ông không còn đồng nào cả.

    Xuyên suốt những năm tháng  tôi lớn lên rồi dâng mình hầu việc Chúa, hình bóng ông nội Bảy chưa từng lu mờ trong lòng tôi. Mỗi năm khi về Bến Tre, chúng tôi đều sẽ ghé qua thăm ông nội Bảy và lắng nghe lời dạy dỗ. Mỗi ngày ông đều viết ra vài câu Kinh Thánh để trong túi áo nơi ngực trái và học thuộc lòng. Mỗi sáng sớm trong tuổi già của mình, ông vẫn giữ thói quen đến nhà Chúa để cầu nguyện rồi đi qua chỗ mộ bà để tưới cây và nói chuyện chứ ông chưa từng đi du lịch hay tiêu pha gì cho riêng mình…

     Tháng 11/2020 ông nội Bảy về cùng Chúa trong giấc ngủ. Trong những ngày đưa tiễn, không chỉ những người trong gia đình rơi nước mắt mà tôi nhìn thấy tất cả những người đến viếng mắt đều đỏ hoe. Hoa viếng để từ trong ra ngoài ngập lối. Tôi quan sát thấy không chỉ người trong Hội Thánh khắp nơi về viếng mà còn có rất nhiều người ngoại đổ về. Tôi đứng nghe một người nhắc về “Bố Bảy” với dòng lệ rơi hoài không dứt; ông ấy nói rằng cứ “đi bán vé số ngang là Bố Bảy hỏi tui ăn chưa rồi mua bánh bao cho tui ăn, ngày nào cũng vậy, mua đồ ăn cho tui nhưng không mua vé số rồi tui biết người Tin Lành không mua vé số”. Người khác lại vào và kêu “Cha ơi” rồi đứng khóc… cứ hết lượt nầy đến lượt khác. Rồi người giảng cho lễ tang cũng nhắc về những ơn lành mà ông nội Bảy đã làm cho họ, xen giữa các bài giảng là những giọt nước mắt. Vậy nên có ai nói “Đám tang của người Tin Lành không có nước mắt” là sai. Chúng tôi nhớ về người đã khuất, rơi nước mắt và học đòi đức tin nơi họ.

    Năm 2015, tôi viết bài CHÚA CỦA NGƯỜI NGHÈO, đó là bài viết đầu tiên của tôi và tôi viết về ông nội Bảy, một cuộc đời mà khi nhắc đến, chúng tôi chỉ biết tạ ơn Chúa vô cùng vì có một người ông tin kính, là tấm gương đức tin cho các thế hệ kế tiếp noi theo, mặc dù thuở bé ông nội Bảy chỉ được cho đi học hết lớp một rồi phải nghỉ đi chăn bò. Vì ham đọc Kinh Thánh và cắm đầu tập viết mà đôi khi ông để cho bò ăn lúa người ta; những lằn đòn cháy đít càng khắc sâu hơn con chữ vào đầu ông. Mười tuổi ly gia theo người ta mót múa, mười bốn tuổi đi làm mướn  rồi được chủ thương cho học nghề thợ bạc. Hai mươi tuổi ông bị bắt lính nhưng Chúa cho ông có sự khôn ngoan để sống đẹp lòng những người xung quanh trong thời loạn. Ông được làm quan, được bổ nhiệm làm ở tòa án tỉnh rồi sau nầy làm thủ quỹ Hội Thánh Tin Lành Bến Tre trong suốt những năm tháng khỏe mạnh của mình.

    Những người xung quanh đều biết Đấng mà ông nội Bảy thờ phượng và hầu việc đã ban phước cho gia đình ông; Danh tiếng của ông lan rộng vì châm ngôn sống của ông “Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan” và cách sống của ông thì giữ vững “Trung, Thành, Tín, Nghĩa”.

    Có câu nói mà tôi rất tâm đắc “Đức tin không di truyền nhưng đức tin sẽ lưu truyền”. Gia đình họ Nguyễn chúng tôi (trước kia là họ Đỗ, từ năm 1926 tin Chúa và đổi sang họ Nguyễn) đã giữ vững đức tin cho đến đời thứ 5 (đời con tôi) cũng bởi lòng tin cậy vững bền nơi Đấng Sống mà chúng tôi đang thờ phượng và hầu việc. Chính bởi lòng biết ơn Chúa mà ông nội Bảy đã truyền lại đức tin của mình cho thế hệ con cháu chúng tôi để mỗi người đều được chiêm nghiệm sống một cuộc đời đầy phước hạnh trong tay Đấng Tạo Hóa.

    Chúng tôi là thế hệ thứ 4, cũng nối tiếp truyền thống “Ta và nhà Ta sẽ phụng sự Đức Giê Hô Va” sẽ lấy lòng biết ơn mà sống một đời phục vụ; Và tôi tin rằng “Lòng biết ơn là ngòi kích hoạt cho mọi phước lành”.

Năm mới đến “Tôi đã xin Đức Giê Hô Va một điều

Và sẽ tìm kiếm điều ấy.

 Đó là tôi muốn trọn đời tôi

Được ở trong nhà Đức Giê Hô Va

Để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê Hô Va

Và cầu hỏi trong đền của Ngài.”

Tác giả: THIÊN QUỐC 

Bài trướcSỰ ƯƠNG NGẠNH CỦA VUA SAU-LƠ-5/3/22
Bài tiếp theoThờ phượng Chúa (CN-6-3-22)