MỤC SƯ LÊ VĂN THÁI – NHÀ TRUYỀN ĐẠO SỐNG THEO KINH THÁNH

3380

NHÀ TRUYỀN ĐẠO SỐNG THEO KINH THÁNH:

MỘT NGHIÊN CỨU VỀ CHỨC VỤ VÀ TÁC PHẨM 

CỦA CỐ MỤC SƯ LÊ VĂN THÁI (1890–1985)

Daniel C. Owens

English Abstract: The Evangelical Christian community in Vietnam does not yet have a large number of Christian thinkers. However, it has a number of leaders. Among those leaders, Pastor Le Van Thai (1890–1985) stands out as a leader known for reading and writing. This paper examines his life and work. His autobiography (Bốn Mươi Sáu Năm Chức Vụ [Saigon, 1971]) and two of his books, Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời and Châu Ngọc Của Thi Thiên provide windows into his thinking. They reveal a man who saw himself as an evangelist who interpreted his life as acting out the biblical story in his own time.

Giới thiệu

      Đạo Tin Lành có nhiều nhà tư tưởng không? Sau hơn 100 năm tồn tại ở Việt Nam, Đạo Tin Lành có không ít người lãnh đạo. Tuy nhiên, số học giả vẫn còn ít ỏi. Mỗi vài năm có thêm một hoặc hai người nhận bằng tiến sĩ trong các chuyên ngành thần học. Tuy nhiên, đa số những người đó là giới trẻ, và họ chưa có ảnh hưởng lớn trên cộng đồng Tin Lành nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Những người có ảnh hưởng lớn nhất là những người làm việc trong hội thánh địa phương và trong giới lãnh đạo của các giáo hội. Họ là người tập trung vào hoạt động mục vụ hơn là nhà nghiên cứu.

    Andrew Walls là nhà thần học đã góp phần vào việc nghiên cứu thần học toàn cầu. Ông cho rằng thần học là một chuyên môn khác với các lĩnh vực khoa học khác. Đa số nhà khoa học nghĩ ra câu hỏi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc trong thư viện. Nhưng chỗ làm việc của nhà thần học là cộng đồng của hội thánh hoặc giáo hội. Thần học xuất phát từ nhu cầu suy nghĩ và làm việc một cách phù hợp với Phúc Âm.1 Khi ông Walls xem lại lịch sử giáo hội, đặc biệt khi Phúc Âm vượt ra ngoài cộng đồng người Do Thái đến với người Hy Lạp, ông thấy quá trình nghiên cứu thần học trải qua hai bước. Các nhà thần học đầu tiên trả lời câu hỏi: “Tôi phải làm gì?”. Mối quan tâm của họ chỉ là thực hành thôi. Tuy nhiên, sau đó, các nhà thần học trong những thế hệ sau bắt đầu đặt câu hỏi, “Tôi phải suy nghĩ như thế nào?”. 2 Tôi tin rằng trong vài thế hệ vừa qua, Đạo Tin Lành ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào câu hỏi, “Tôi phải làm gì để rao giảng Phúc Âm và mở mang hội thánh?”. Còn ngày nay giới trẻ bắt đầu nghĩ đến câu hỏi, “Tôi phải suy nghĩ như thế nào cho phù hợp với Phúc Âm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam?”.

      Trong khi chờ đợi giới trẻ bắt đầu nghiên cứu và viết tác phẩm có ảnh hưởng, chúng ta cần phải nghiên cứu về những vị mục sư có ảnh hưởng. Trong số những vị có ảnh hưởng có thể kể đến vài người như Mục sư Phạm Xuân Tín hoặc Mục sư Lê Hoàng Phu. Tuy nhiên, mục sư đầu tiên chúng ta cần nghiên cứu là Mục sư Lê Văn Thái. Lý do vì ông đã đảm nhiệm chức vụ mục sư hội trưởng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong thời gian rất dài từ năm 1942 đến năm 1960. Ông cũng viết sách khi ông đã rời khỏi chức vụ hội trưởng và tham gia giảng dạy ở Thánh Kinh Thần Học Viện tại Nha Trang.3 Vì vậy, ông có cơ hội ảnh hưởng không những trên chủ trương của giáo hội mà còn trên cuộc sống và mục vụ của thế hệ mục sư hiện đang lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam).

      Trong bài này tôi xin trình bày một ít về đời sống và chức vụ của Mục sư Thái và sau đó mô tả đóng góp của ông qua hai tác phẩm của ông. Qua đó chúng ta biết rằng Mục sư Lê Văn Thái là người truyền đạo luôn có ý thức sống theo Kinh Thánh.

Cuộc đời và Hồi ký

      Khi nghiên cứu cuộc đời của Mục sư Thái, tài liệu quan trọng nhất là hồi ký của ông. 4 Đây là nguồn thông tin quan trọng về cuộc đời, chức vụ, và suy nghĩ của ông. Chính vì vậy các tài liệu khác về chức vụ của Mục sư Thái phụ thuộc vào hồi ký ấy. 5 Thế nhưng đây là hạn chế đối với các học giả muốn nghiên cứu về Mục sư Thái vì chỉ có một quan điểm để tham khảo mà thôi. Ngay cả Mục sư Lê Hoàng Phu trong luận án tiến sĩ ở Trường Đại Học New York đã phụ thuộc vào hồi ký của ông Thái.6 Nói chung những người viết về Mục sư Thái đều tôn trọng ông cho nên rất khó biết quan điểm của những người không đồng ý với ông. Tuy nhiên, qua hồi ký và các tác phẩm của ông, chúng ta vẫn có thể biết nhiều điều về Mục sư Thái, và Mục sư Phu cũng mô tả hoặc ngụ ý một chút về quan điểm của những người không đồng ý với quan điểm của Mục sư Thái.

Nhà truyền giáo của cả ba miền

      Trước hết, Mục sư Thái là nhà truyền giáo. Mặc dù là người miền trung, nhưng ông đã làm việc ở cả ba miền, bao gồm những nơi như: Hội An, Mỹ Tho, Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Lạt, và Nha Trang.7 Ngay từ những trang đầu của Hồi ký, Mục sư Thái đã bày tỏ tấm lòng của ông hướng về việc truyền giáo. Ông giải thích những sự kiện trong cuộc đời mình tương ứng với những câu chuyện Kinh Thánh.

      Chương đầu tiên của Hồi ký là “Từ Tối qua Sáng,” và đây là bằng chứng đầu tiên về hai điều ở trên. Ông dùng câu Kinh Thánh trong Giăng 1:5 để mô tả đời sống trước khi cải đạo là “trong sự TỐI TĂM”. 8 Ông Thái viết rằng hồi trẻ, ông nghĩ mình là người “có nhiệmvụ bảo-vệ những truyền-thống tinh-thần của dân-tộc,” cho nên ông luôn chống lại hoạt động của người rao truyền Cơ đốc giáo. 9 Tuy nhiên, ông nghe một Truyền đạo lý luận rằng: “Ai không theo Tin Lành, khong tin-nhận Đức Chúa Giê-xu, không thờ Đức Chúa Trời là bỏ ông bà.” 10 Nếu không theo, thì người đó mất nguồn gốc của mình, là Đấng Tạo Hóa. 11 Dựa trên khái niệm đó và thực tế ông không biết Tổ thứ mười của mình là ai, trong khi “Đức Chúa Trời là nguồn gốc của muôn loài vạn-vật,” ông đã theo đạo Tin Lành vào năm 1919.12

      Sau khi theo đạo một thời gian ngắn, ông có ước vọng giảng đạo. Ông so sánh ước vọng truyền giáo của ông với câu Kinh Thánh trong 1 Sa-mu-ên 16:7 mô tả sự lựa chọn Đavít làm vua của Y-sơ-ra-ên: “Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng.” 13 Qua câu Kinh thánh này, ông cảm nhận rằng Đức Chúa Trời đã tiếp nhận ước vọng của ông làm nhà truyền giáo.

      Anh trai của ông tham gia lớp dạy Kinh Thánh đầu tiên ở Đà Nẵng vào năm 1920, còn ông vào trường Kinh Thánh năm 1922. 14 Sau hai năm học ở Đà Nẵng, ông lập gia đình và được bổ nhiệm làm truyền đạo ở Hội Thánh Hội An. 15 Ông mô tả công việc mỗi ngày ở đó, bao gồm việc giảng Kinh Thánh và nhóm thờ phượng với tín đồ vào Chủ Nhật và đi chứng đạo vào ngày thứ hai và thứ sáu (cùng với công việc khác). Sau đó ông sử dụng câu Kinh Thánh 1 Ti-mô-thê 4:13–16 để mô tả chức vụ của ông.16 Sau 15 tháng, ông trở về Đà Nẵng để học trường Kinh Thánh. Vào năm 1926 Mục sư Thái vào miền Nam để quản nhiệm Hội thánh Mỹ Tho. 17 Tại đó, ông tiếp xúc với những người vào Hội thánh với ý đồ chính trị, 18 và tôi đoán chắc kinh nghiệm đó ảnh hưởng đến quan điểm của ông cho rằng Hội thánh không nên tham gia hoạt động chính trị. Tuy nhiên, ở Mỹ Tho ông tập trung vào việc giảng Tin Lành, và trong một năm có 565 người chịu phép báp-tem ở đó.19

      Vào năm 1927 ông trở về Đà Nẵng để học xong chương trình ở trường Kinh Thánh. 20 Sau khi tốt nghiệp, có người ở Mỹ Tho muốn ông trở lại. Tuy nhiên, dù ông không muốn đi Hà Nội, nhưng vào năm 1928 Ban Trị Sự của giáo hội bổ nhiệm ông đi Hà Nội. 21 Một lầnnữa, ông giải thích kinh nghiệm của ông vâng phục quyết định của Ban Trị Sự qua câu Kinh Thánh trong 2 Cô-rinh-tô 6:1, “Chúng tôi làm việc với Chúa”. 22 Khi đến Hà Nội vợ chồng ông bà phải tìm nơi ở, và ông giải thích việc này giống như hình ảnh họ là con chim trong đền thờ (Thi Thiên 84:3).23

      Ở Hà Nội, ông bắt đầu chương trình chứng đạo ở Miền Bắc dựa trên nhóm thanh niên. 24 Họ đã qua cầu Long Biên đến làng Gia Thượng. Nhưng trưởng làng phản đối việc ông giảng đạo dựa trên lệnh của Tổng đốc Pháp. Tuy nhiên, ông lý luận rằng lệnh đó chỉ áp dụng cho những người ngoại quốc và dân Bảo hộ, không phải áp dụng cho dân thuộc địa Pháp, và ông Thái là dân thuộc địa Pháp. Trong Hồi ký ông so sánh chuyện này với sự kiện trong Kinh Thánh khi sứ đồ Phao-lô sử dụng quyền công dân lúc bị bắt ở thành Giê-ru-sa-lem. 25 Vào năm 1929 ông hợp tác với bà H. H. Dixon để truyền giáo ở một số nơi xung quanh Hà Nội như Gia-lâm, Bạch-mai, Ô Cầu Giấy, Ô Yên-phụ, Thái Hà-ấp, Ô Cầu Đền, và Hà Nông. 26

      Vào năm 1932, Mục sư Thái nhận chức vụ Chủ nhiệm bắc hạt, chăm sóc 30 Hội thánh của vùng đồng bằng sông Hồng.27 Vào năm 1933, ông rời khỏi Hà Nội để giảng Tin Lành và thành lập Hội thánh ở Bắc Giang. Trong ba tháng có 72 người theo Tin Lành. 28 Ngoài ra, ông cũng đóng góp cho công việc thiết lập nhiều hội thánh ở Miền Bắc trong thời chiến tranh. 29 Vào năm 1941, ông đã vào Sầm Sơn để quản lý các hội thánh ở khu vực, nhưng vào năm 1942 khi quân đội Nhật vào Việt Nam, Hội thánh kêu gọi ông ra Hà Nội. Ông đề cập đến một nhân vật khác trong Kinh Thánh để minh họa cho sự kiện này: “Một lần nữa, trong tinh-thần của Áp-ra-ham, chúng tôi đi mà không biết mình đi đâu.”  30 Theo như mô tả trong Hồi ký của Mục sư Thái, trong giai đoạn đầu tiên của chức vụ, ông bận rộn đi truyền giáo, trải nghiệm nhiều sự việc tương tự một số câu chuyện trong Kinh Thánh, như thể chính ông tham gia vào câu chuyện Kinh Thánh trong thế kỷ 20.

Hội trưởng hướng dẫn giáo hội trong tình trạng phức tạp về mặt chính trị

      Vào năm 1942, Mục sư Thái nhận chức vụ Hội trưởng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, làm việc thay cho Mục sư Lê Đình Tươi bị đau nặng. 31 Khi nhận chức vụ Hội trưởng vào năm 1942, Mục sư Thái ở Hà Nội, và ông tiếp tục ở đó cho đến khi quân đội Nhật đầu hàng và cuộc chiến giành độc lập bắt đầu. Khi cuộc chiến tranh chống Pháp diễn ra khiến Hà Nội trở thành nơi không an toàn và nhiều tín hữu di tản sang nơi an toàn hơn, ông Thái cùng giáo sĩ William Cadman đã ở lại Hà Nội để “chăm sóc cơ sở của Hội thánh”. 32 Mặc dù ngày nay Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được chia thành hai giáo hội riêng biệt, Miền Bắc và Miền Nam, nhưng lúc đó chỉ có một giáo hội. Ông làm chức vụ hội trưởng 19 năm, nhưng từ năm 1951, ông chuyển vào ở Đà Lạt, và sau đó ở Nha Trang.

      Nhiều tác giả đồng ý rằng đóng góp quan trọng nhất của Mục sư Thái khi làm Hội Trưởng liên quan đến mối quan hệ giữa Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và chính quyền. Mục sư Phu nói rằng Mục sư Thái đã lãnh đạo giáo hội theo chính sách “không dự vào chính trị với tư cách một tổ chức tôn giáo”. 33 Khi đánh giá ảnh hưởng của Mục sư Thái, một mục sư đã đặc biệt ghi nhận sự khôn ngoan của ông Thái khi lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành trong thời kỳ đầy áp lực về chính trị. 34 Đình Dũng cũng đồng ý rằng:

           Chính sách của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đối với quốc gia có sự đóng góp vô cùng quan trọng của Mục sư Lê Văn Thái. Khi đối diện với bao vấn đề nan giải, đầy biến động những vẫn giữ được nguyên vẹn của tinh thần truyền giảng thuần túy đạo Cứu rỗi của Đấng [Christ], không can dự vào chính trị.35

      Để hiểu chính sách của Mục sư Thái, chúng ta phải xem xét bối cảnh năm 1945. Vào ngày 8-9-1945, Mục sư Thái cùng với Mục sư Trần Văn Đệ đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dịp đó, ông Chủ Tịch đề nghị với Mục sư Thái: “Ông nên lập Tin-lành Cứu-quốc trong Hộithánh.” 36 Mục sư Thái không chấp nhận đề nghị này, nhưng nói:

           “Toàn thể tin-đồ đều hòa mình với dân, họ thuộc đoàn thể nào xin cứ để họ giữ nguyên đoàn thể ấy. Chẳng hạn như thanh niên, lao công, thợ thuyền, công chức, giáo-giới, mỗi tổ-chức đều có đoàn thể cứu quốc riêng. Nếu chúng tôi lập Tin-lành Cứu-quốc, thì phải rút những người tin-đồ trong các giới kia ra, như vậy e có phần xáo trộn và phân tán chăng? Vả lại tôn chỉ của Hôi-thánh Tin-lành Việt-nam là Tin Lành phải thuần túy không có màu sắc chính-trị, không dung nạp chính-trị và không chịu ai tuyên-truyền chính trị.”37

      Khi ông Hồ hỏi lý do, Mục sư Thái trả lời rằng: “Vì lịch sử đã chứng minh, nếu tôn-giáo đi đôi với chính trị, thì khi tôn-giáo mạnh, sẽ chi phối chính-trị và ngược lại, chính-trị mạnh, sẽ chi phối tôn-giáo. Trong hai cái đó, luôn luôn có cái nầy hoặc cái kia chi phối nhau.” 38 Cuối cùng ông Hồ “đồng ý cho Hội-thánh Tin-lành Việt-nam được giữ nguyên tình trạng cũ.” 39 Trong cuộc họp này Mục sư Thái không lý luận dựa trên Kinh Thánh, mặc dù ông cũng có thể đề cập đến một số câu Kinh Thánh liên quan. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc lý luận dựa trên Kinh Thánh trong tình huống này là không phù hợp.

      Khi kể lại về sự kiện này vào năm 1945 và chức vụ ở Mỹ Tho vào năm 1926–1927, Mục sư Thái ngụ ý rằng chính sách Hội thánh không tham gia chính trị đã có trước sự kiện này. Ông không cho biết ai là người khởi xướng chính sách này, nhưng Mục sư Phu và những tác giả khác được ghi ở trên đều cho rằng đây là chính sách mà Mục sư Thái đã đưa ra. Dù quan điểm đó đúng hay không, ai cũng đồng ý rằng việc Hội thánh tránh làm chính trị là chính sách mà Mục sư Thái nhấn mạnh. Có nghĩa là ở dưới chính quyền Cách Mạng, Hội thánh không tham gia Đảng Cộng Sản. Và ngược lại, ở dưới chế độ của Ngô Đình Diệm, Hội thánh cũng không theo đảng của ông Diệm.

      Tuy nhiên, vào thời của Ngô Đình Diệm, Mục sư Thái bị thử thách về chính sách này. Lúc đó Nam Việt Nam tổ chức một chiến dịch họ gọi là “Chiến dịch tố cộng.” Trong chiến dịch này có một mục sư trẻ ở Sài Gòn tên là Bùi Trí Hiền thiết lập Ủy ban trung ương của chiến dịch tố cộng. Dựa vào báo cáo của Mục sư Thái về việc gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mục sư Hiền tố cáo Mục sư Thái là người “cảm tình thân cộng.” Tuy nhiên, các Hội thánh địa phương không đồng ý. 40 Mục sư Phu bình luận về việc ông Hiền tố cáo Mục sư Thái (cùng với Mục sư Phó hội trưởng Trần Xuân Hỉ) là “thân cộng” nhằm mục đích thay đổi lãnh đạo của giáo hội theo ý của ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, chủ tọa Hội đồng Tổng liên hội Mục sư Ông Văn Huyên kết luận rằng các lời tố cáo Mục sư Thái là “vu khống và vô căn cứ.” 41 Mục sư Phu kết luận rằng, nếu việc tố cáo Mục sư Thái là âm mưu nhằm mục đích khiến Hội thánh Tin Lành theo định hướng của chính phủ Ngô Đình Diệm, thì họ đã thất bại, và chính sách của Mục sư Thái tránh chính trị đã thành công. 42 Và Mục sư Phu khen “sự lãnh đạo vững chắc và khéo léo” của Mục sư Thái “không dính dáng đến chính trị trong thời kỳ đầu biến cố cho cả quốc gia lẫn Hội thánh này, và duy trì nền độc lập đối với HTG [Hội truyền giáo] cũng như đối với quốc gia.” 43

      Cho đến ngày hôm nay, tôi đã gặp ít người theo đạo Tin Lành mà thích tham gia chính trị. Nói chung các lãnh đạo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, bao gồm giáo hội Miền Nam và giáo hội Miền Bắc đều đã theo chính sách này. Tuy nhiên, vào năm 1972 khi Mục sư Phu bảo vệ luận án tiến sĩ, ông ngụ ý quan điểm ngược lại với chính sách này cũng khá phổ biến. Đối với họ, chính sách này, “đối với nhiều người dường như không thực tiễn, ngây thơ, dù chứng tỏ là khôn ngoan và rất lợi ích cho Hội thánh trong quan điểm lâu dài.” 44 Theo tôi chứng kiến ở Miền Nam, hầu hết các mục sư trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) rất sợ bị xem là “Mục sư nhà nước,” có nghĩa là một mục sư theo sự hướng dẫn của nhà nước. Vì vậy, họ không muốn thân với các cán bộ nhà nước và không muốn tham gia hoạt động chính trị. Có thể đó là một kết quả bắt nguồn từ năm 1955 khi Mục sư Thái bị tố cáo là “thân cộng.” Nhưng đồng thời, các mục sư thường tránh hoạt động chống lại Đảng và chống lại chính quyền. Trong giới trẻ, tôi thấy một số người theo Đạo Tin Lành bắt đầu nói những điều phê bình cán bộ chính trị trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đa số Mục sư không làm việc này. Ngược lại, họ tránh nói đến vấn đề chính trị.

      Mặc dù Mục sư Thái không muốn hội thánh theo một đảng chính trị, nhưng ông đã tiếp xúc với một số nhân vật quan trọng trong giới chính trị của Việt Nam vào thế kỷ 20. Vào năm 1933 khi Mục sư Ông Văn Huyên được mời quản nhiệm Hội thánh Huế, Mục sư Thái đi cùng với Mục sư Huyên để gặp một số nhân vật quan trọng ở Huế. Trong đó có Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu. Mục sư Thái chia sẻ về Tin Lành với cả hai ông này, và ông Phan Bội Châu đọc bài thơ của mình.45 Qua đó chúng ta thấy tinh thần truyền giáo của Mục sư Thái rất mạnh mẽ.

      Đến năm 1945, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mục sư Thái cũng gặp một số lãnh đạo chính trị khác. Lúc đó Mục sư Thái vào Miền Nam để gặp Giáo sĩ E. F. Irwin ở Mỹ Tho trước khi ông Irwin về nước. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã cấp cho Mục sư Thái giấy thông hành từ Bắc vào Nam. 46 Sau khi đến Biên Hòa, vì tình trạng nguy hiểm hồi đó, cho nên người giúp Mục sư Thái đến Mỹ Tho báo ông rằng chỉ có ông Tôn Đức Thắng có thể đem Mục sư Thái đến Mỹ Tho bình an. 47 Sau khi họ đến Mỹ Tho, Mục sư Thái cùng với ông Thắng ở chung một phòng trong khách sạn. Đúng theo tinh thần của nhà truyền giáo, Mục sư Thái chia sẻ về Tin Lành từ Ê-phê-sô 4:1–16. Ông Thắng vui vẻ trả lời: “Trong đời tôi, đêm nay tôi cảm thấy rất vui thỏa và lòng nhẹ-nhàng.” 48 Sáng hôm sau, Mục sư Thái giảng tại Mỹ Tho và sau đó về khách sạn. Ông Tôn Đức Thắng cho biết “ông Chủ-tịch Nam-bộ Phạm-văn-Bạch” mời Mục sư Thái ăn cơm ở khách sạn. Ngoài Phạm-văn-Bạch và Tôn Đức Thắng, cũng có ông Hoàng Quốc Việt ăn cơm với Mục sư Thái và hai Mục sư khác. 49 Họ trao đổi về “vấn đề rao truyền Tin-Lành” vì chính quyền muốn tìm hiểu về Hội thánh. Dịp khác, khi Mục sư Thái đã về Hà Nội, và ông Tôn Đức Thắng ra Bắc, Mục sư Thái và ông Thắng đến ăn cơm cùng Giáo sĩ William Cadman. Họ thảo luận về quan điểm chính trị của Tin Lành, để biết liệu có phải họ theo Việt Minh hay không. Mục sư Thái chia sẻ: “Tôi không là Việt-Minh mà cũng không là Việt-gian, chỉ là người Việt yêu mến Chúa và phục-vụ Chúa mọi nơi mọi cách.” 50 Câu này mô tả chính xác quan điểm của Mục sư Thái. Một lần nữa, ông không đề cập đến Kinh Thánh, nhưng ông chú trọng công việc truyền giáo.

Lãnh đạo để lại di sản cho thế hệ sau

      Di sản của lãnh đạo luôn luôn phức tạp. Mục sư Thái đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của Hội thánh Tin Lành. Tôi muốn đề cập đến ba lĩnh vực: công tác từ thiện, thói quen đọc và viết sách, và cách thức ông về hưu. 

      Trong giai đoạn hội thánh chủ yếu tập trung vào công việc được xem là thuộc linh như việc truyền giáo, Mục sư Thái cũng quan tâm đến việc từ thiện. Vì lúc đó có chiến tranh nên nhiều gia đình đã mất bố, mất chồng. Ông không hài lòng với việc các “trẻ thơ vô tội” phải thiếu người chăm sóc. 51 Vì vậy, vào năm 1950, ông đặt vấn đề phải thành lập và xây dựng Cô nhi viện. 52 Vào năm 1953, cơ sở của cô nhi viện và trường tiểu học đã được xây dựng xong tại Nha Trang. Theo Mục sư Phu, việc này đã khiến giới tri thức, chính quyền, và một số cộng đồng nghèo ở Nam Việt Nam chú ý. 53 Tuy nhiên, Mục sư Thái cho rằng lúc đó ông bị người khác trong giáo hội phản đối. Ông giải thích lý do:

          Sở dĩ có sự chống đối như thế buổi đầu giữa Hội-thánh, nguyên do là vì ảnh-hưởng của Hội Truyền-giáo Phước-Âm Liên-Hiệp. Hội Truyền giáo Phước-Âm Liên-Hiệp là hội chuyên rao-giảng Tin-Lành khắp thế-gian mà không lo việc xã-hội và giáo-dục. Giáo-sĩ của Hội nầy không bao giờ đề cập đến những vấn-đề xã-hội và giáo dục.54

      Tôi đoán chắc tình trạng này lúc đó là vì cuộc tranh luận xảy ra ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20 giữa Tin Lành thuần túy (Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã thuộc phái này) và Tin Lành tự do về “Phúc Âm Xã Hội.” Lúc đó, vì điều kiện xã hội trong quá trình công nghiệp hóa rất tệ, Đạo Tin Lành phản ứng bằng hai cách. Một phái (sau này được gọi là quan điểm Tin Lành tự do hoặc Phúc Âm Xã Hội [the social gospel]) cho rằng Hội thánh phải tập trung vào việc từ thiện, không giảng sứ điệp cứu rỗi của cá nhân. Còn phái kia (quan điểm của Tin Lành thuần túy hồi đó) cho rằng giáo sĩ phải tập trung vào việc giảng sứ điệp cứu rỗi để cá nhân được cứu và vì vậy họ không làm việc từ thiện.55 Các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp đã theo quan điểm thứ hai.56 Tuy nhiên, Mục sư Thái nhận biết sai lầm của các giáo sĩ hồi đó là chọn một trong hai công việc.57 Ngoài cô nhi viện và trường tiểu học, Mục sư Thái còn đóng góp cho việc thành lập “chẩn-y-viện” với sự hợp tác của Hội Mennonite Central Committee.58 Đối với ông, việc truyền giáo và việc giúp người khác không mâu thuẫn nhau.

      Thứ hai, Mục sư Thái để lại di sản cho giới tri thức trẻ của cộng đồng Tin Lành. Giống như Mục sư A. W. Tozer của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp ở Mỹ, Mục sư Thái không có học thức cao. Tuy nhiên, ông được biết đến trong cộng đồng Tin Lành như là người đọc nhiều và viết nhiều sách.59 Mục sư Phu cho rằng Mục sư Thái là “một trong số những Mục sư đọc sách nhiều nhất của Việt Nam, và là tác giả viết nhiều sách nhất trong cộng đồng Tin lành.”60 Thế hệ trẻ muốn xây dưng nền tảng thần học Tin Lành ở Việt Nam nên theo tấm gương đơn giản này: đọc và viết sách.

      Cuối cùng, vào năm 1960 khi Mục sư Thái đang có ảnh hưởng lớn nhất trên Hội Thánh, ông đã từ chối tiếp tục làm hội trưởng. Một mục sư đã tường thuật lại lời của Mục sư Thái: “Đã đến lúc Thế hệ đồng vắng nhường chỗ cho Thế hệ Đất Hứa.”61 Ở đây Mục sư Thái ám chỉ đến sự kiện trong Kinh Thánh khi thế hệ đầu tiên của người Y-sơ-ra-ên đã ra khỏi Ai Cập nhưng phải chết trong đồng vắng Si-nai trước khi thế hệ tiếp theo vào xứ Ca-na-an (ngày nay là vùng đất của Y-sơ-ra-ên và Pa-lét-tin). Như vậy, một lần nữa Mục sư Thái giải thích sự kiện trong cuộc đời ông theo câu chuyện Kinh Thánh. Một mục sư cho rằng cách Mục sư Thái về hưu là một trong hai điều quan trọng nhất trong chức vụ của Mục sư Thái.62

Tác phẩm

      Ngoài Hồi ký, một vài tác phẩm của ông Thái được nhắc đến như sau: Chiến Sĩ Thập Tự, Những Tìa Sáng (I và II), Bóng Mát Giữa Sa Mạc, Những Bước Thuộc Linh, Người Truyền Đạo của Đức Chúa Trời, Châu Ngọc của Kinh Thánh.63 Trong danh sách đó tôi chỉtìm thấy được hai quyển. Dựa trên hai quyển này chúng ta có thể tìm hiểu nhiều hơn về tinh thần và suy nghĩ của ông Thái. Qua hai tác phẩm này, chúng ta có thêm kiến thức về quan điểm của ông về Kinh Thánh và công việc của người truyền đạo.

Người Truyền Đạo của Đức Chúa Trời (Sài Gòn, 1965)

      Sau khi rời khỏi chức vụ hội trưởng và chuyển đến sống ở Nha Trang, Mục sư Thái đã tham gia dạy sinh viên ở Thánh Kinh Thần Học Viện. Người Truyền Đạo của Đức Chúa Trời là tác phẩm được viết từ những ghi chú giảng dạy mà ông chuẩn bị cho môn “Truyền đạo pháp.”64 Một sinh viên của Mục sư Thái đánh giá sách này là quyển sách cần thiết cho những người suy nghĩ về việc trở thành mục sư.65 Thật ra, tác phẩm này nhằm mục đích hướng dẫn người truyền đạo trẻ tuổi về mục đích và công việc của người truyền đạo. Qua đó chúng ta thấy quan điểm của ông về công việc của mục sư. Trong bài này tôi tập trung vào quan điểm của ông về chức vụ truyền đạo/ mục sư. Trong đó tôi sẽ tập trung vào chủ đề sự kêu gọi của mục sư và mối quan hệ giữa mục sư và Kinh Thánh.

     Mục sư Thái bắt đầu tác phẩm này với chương 1 gọi là “Sự Kêu Gọi và Thiên-Chức của Người Truyền-Đạo.” Sở dĩ tôi tập trung vào chủ đề này là vì tôi thấy chủ đề này rất quan trọng đối với các mục sư của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Tôi không biết có phải đó là quan điểm của chính Mục sư Thái hay là ông chỉ phản chiếu quan điểm của người khác. Tuy nhiên, ông mô tả cách cụ thể và rõ ràng khái niệm cho rằng mục sư phải được Đức Chúa Trời kêu gọi làm mục sư.

      Mục sư Thái mô tả truyền đạo là “một thiên-chức vô-cùng quan-trọng, vì nó đem đạo cứu-rỗi cho đồng-bào, đồng-loại, và hoạt-động cho tương-lai của Nước Đức Chúa Trời.”66 Qua đó ông không chỉ muốn nói rằng chức vụ này là quan trọng. Ông muốn nhấn mạnh tính thiên thượng của chức vụ. Ông cảnh báo các sinh viên vào chức vụ truyền đạo vì muốn có địa vị xã hội hoặc vì đó là công việc phù hợp với sở thích của mình; ông cho rằng đó là những lý do không “có gì từ thiên-thượng.”67 Dựa vào 1 Cô-rinh-tô 9:16, ông cho rằng người truyền đạo “phải cảm thấy rằng ‘có lẽ cần buộc mình’” làm truyền đạo.68

      Làm thế nào để biết mình được kêu gọi? Ông cho rằng Đức Chúa Trời kêu gọi một người làm truyền đạo trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Là học giả Cựu Ước, tôi thấy cách thức ông lý luận rất thú vị. Ông dùng câu chuyện của tiên tri A-mốt, là người chăn chiên nghèo, nghe tiếng phán của Chúa ở ngoài đồng cỏ (A-mốt 7:15).69 Còn Ê-sai, là tiên tri hoạt động cùng một thế kỷ với A-mốt, là người bạn của vua và thấy một khải tượng của Đức Chúa Trời (Ế-sai 6). Rồi Giê-rê-mi đã cảm thấy mình phải nói tiên tri rất lâu nhưng không được dẫn dắt cách rõ ràng trước khi nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 1).70 Trưng dẫn ba cách thức khác nhau mà những nhà tiên tri được kêu gọi, ông Thái kết luận rằng: “Vậy, chúng ta không thể nói sự kêu gọi sẽ đến với mình thể nào.”71

      Tuy nhiên, dù cách thức Chúa kêu gọi là đa dạng, nhưng kết quả giống nhau: người truyền đạo có “sự cảm biết mình được Đức Chúa Trời phong chức.”72 Khi nhìn xem ví dụ của sứ đồ Phao-lô, Mục sư Thái cho rằng sự kêu gọi này có tính thiên thượng và mang lại thái độ kính sợ. Sự kính sợ khiến người truyền đạo có thể vượt qua nhiều khó khăn và thử thách. Ngoài ra, trong sự kêu gọi này “có sự ngạc-nhiên thiêng-liêng” bao gồm “sự tự-hào thánhkhiết … cùng sự khiêm-nhường kinh-dị vì đã được Đức Chúa Trời kêu-gọi”.73 Cách đáp ứng sự kêu gọi này là “dâng trọn mình” cho Chúa, “không còn giữ lại một ý riêng nào của mình.”74

      Công việc thiên thượng này là như thế nào? Mục sư Thái cho rằng công việc của mục sư khi ở trên tòa giảng là “dắt-đem những người nam, nữ đang mòn-mỏi hoặc cố-chấp, hớnhở hoặc sầu-thảm, nhiệt-thành hoặc lãnh-đạm, vào ‘nơi kín-đáo của Đấng Chí-cao’” (trích dẫn Thi Thiên 91:1). Cùng trang, ông trích dẫn Xuất Ê-díp-tô Ký 36:4 75 để so sánh công việc trên tòa giảng với “công việc của nơi thánh” của các thầy tế lễ vào thời Cựu Ước.76 Mục sư Thái cho rằng nhiệm vụ chính của mục sư không phải nằm trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, giáo dục, hoặc khoa học mà là “đào sâu vào những mỏ báu vô-giá của sự cứu chuộc, là chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus-Christ và Đức Chúa Jêsus-Christ bị đóng đinh trên Thập-tự-giá’” (trích dẫn 1 Cô 2:2).77 Quan điểm của ông về công việc của người truyền đạo phù hợp với quan điểm của ông về mối quan hệ giữa Hội thánh và chính trị.

      Quan điểm này về sự kêu gọi và chức vụ mục sư rất phổ biến trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Thật ra, quan điểm này cũng không xa lạ đối với người Mỹ.78 Tuy nhiên, khi mới đến Việt Nam, tôi cảm thấy ngạc nhiên vì khoảng cách xã hội rất lớn giữa tín hữu và mục sư Việt Nam. Về một phương diện, đó là do nền văn hóa Mỹ và nền văn hóa Việt Nam khác nhau.79 Tuy nhiên, trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng thêm khái niệm về chức vụ mục sư là “thiên chức.” Quan điểm này phân biệt rõ ràng giữa công việc của mục sư (là thiên chức) và công việc thông thường của tín hữu. Sách của ông Thái mô tả quan điểm này rất rõ ràng.

      Vấn đề thứ hai tôi muốn đề cập đến là mối quan hệ giữa mục sư và Kinh Thánh. Trong Hồi ký, Mục sư Thái đã mô tả kinh nghiệm của ông như thể chính ông tham gia vàocâu chuyện Kinh Thánh trong thế kỷ 20. Trong quyển này, ông cũng khuyên các truyền đạo hãy tưởng tượng mình sống vào thời của Kinh Thánh. Ông hỏi: “Chúng ta làm thể nào mà giảng về A-mốt được, nếu không cùng sống với ông trên đồi-núi miền Thê-cô-a, và thấy hoàn cảnh của ông, dường như là một phần hoàn-cảnh của chính mình?”.80 Trước khi giảng, người truyền đạo phải xem phần Kinh Thánh mình giảng là lời liên quan đến chính mình.81 Ngoài ra, Mục sư Thái chia sẻ về một thói quen của ông khi chuẩn bị giảng. Ông hình dung một nhóm mười người có những hoàn cảnh khác nhau để luôn chuẩn bị bài giảng đáp ứng nhu cầu của từng lứa tuổi, giai cấp và mức độ trưởng thành trong đức tin.82 Đó là thói quen hướng đến áp dụng cho tín hữu nhiều hơn là áp dụng cho đời sống của mục sư. Tuy nhiên, đó là thói quen hoàn toàn phù hợp với cách giải nghĩa Kinh Thánh của ông.

Châu Ngọc Của Thi Thiên (Sài Gòn, 1970)

      Sau khi Mục sư Thái xuất bản quyển Người Truyền Đạo của Đức Chúa Trời, ông tiếp tục xuất bản sách giải nghĩa Thi Thiên, là một trong những sách Cưu Ước dài nhất. Sách giải nghĩa này bao gồm hai tập và theo mô hình của sách giải nghĩa Kinh Thánh ở phương tây. Sau vài trang về “Địa-vị Quan-trọng của Thi-Thiên,” “Nguồn gốc của Thi-Thiên,” “Trước-giả Các Thi-Thiên và Sắp-xếp,” và “Văn-chương của Thi-Thiên,” ông Thái đi vào phần chính của “Châu Ngọc của Thi-Thiên.” Theo từng thi thiên, ông trích dẫn bản văn Kinh Thánh tiếng Việt và có lời giải nghĩa bao gồm năm phần: Tác giả, chủ đích, chủ đề, bố cục, và lược giải.

      Xem qua hai tập này, mặc dù ông không có nhiều sách tham khảo, nhưng theo tôi, là một học giả chuyên về sách Thi Thiên, Mục sư Thái đã viết một sách giải nghĩa khá tốt. Đối với thời điểm của ông, ông đã viết cẩn thận, giải nghĩa cách hợp lý. Ví dụ, ông đề cập đến giá trị của tài liệu được khám phá tại Ras Shamra, Sy-ri, cho việc tìm hiểu văn chương của sách Thi Thiên. Đây là một trong những khám phá quan trọng của thế kỷ 20.83 Ngoài ra, ông đề cập đến bản Vulgata84 và một số tác giả nổi tiếng trong lịch sử hội thánh như Martin Luther 85 và Jean Calvin. Hình như sách tham khảo hiện đại quan trọng nhất của Mục sư Thái là sách giải nghĩa Kinh Thánh của Alexander Maclaren (1906).86

      Nói chung ông giải nghĩa các thi thiên theo quan điểm khách quan. Trong đó ông bày tỏ một ý thức về khía cạnh văn chương. Ví dụ, khi giải nghĩa Thi Thiên 1:1, ông quan sát quá trình của người không yêu mến Lời Chúa là: “từ bước ‘đi’ họ tiến đến chỗ ‘đứng’ rồi ‘ngồi’, ‘ngồi’ khiến chúng ta liên-tưởng đến cái gì vĩnh-viễn và hưởng-thụ lâu dài.”87 Cũng vậy, khi chia Thi Thiên 23 thành tiểu đoạn, ông quan sát có hai hình ảnh chính chỉ về Đức Chúa Trời, là Đấng Chăn chiên Thiên thượng (c. 1–4) và Chủ nhà (c. 5–6).88 Ngoài ra, ông giải nghĩa “nhà Đức Giê-hô-va” là sự hiện diện của Đức Chúa Trời.89 Những ví dụ này chứng tỏ Mục sư Thái giải nghĩa sách Thi Thiên với sự hiểu biết văn chương và thần học của Thi Thiên.

      Vì Mục sư Thái thuộc dòng truyền thống Tin Lành thuần túy giữa thế kỷ 20, nên không phải ngẫu nhiên mà ông không nói nhiều về phương pháp phê bình hình thức của Hermann Gunkel.90 Ngược lại, ông theo quan điểm của các học giả thế kỷ 19 nhấn mạnh bối cảnh lịch sử của từng thi thiên. Ví dụ, ông cho rằng việc Thi Thiên 13 được viết bởi vua Đavít khi ông chạy trốn vua Sau-lơ là điều hiển nhiên,91 mặc dù thi thiên này không cho biết chi tiết nào có thể ủng hộ quan điểm đó. Cũng vậy, vì Thi Thiên 90 được bản gốc gán cho Môise, nên ông Thái giải thích Môi-se đã viết thi thiên này sau 40 năm ở sa mạc, là thời kỳ ông sáng tác Phục Truyền 32–33.92 Tuy nhiên, khi giải nghĩa Thi Thiên 2, Mục sư Thái từ chối gán thi thiên này cho Sa-lô-môn hoặc Đa-vít vì “khung cảnh quá uy-nghiêm, quá bao-la, không thể giới-hạn vào bất cứ vương-quốc trần-gian nào.”93

      Trong sách giải nghĩa này, Mục sư Thái mô tả ý nghĩa nguyên thủy hơn là áp dụng cho đời sống của tín hữu ngày nay. Tuy nhiên, ông cũng không bỏ qua việc áp dụng. Chúng ta thấy điều này qua hai việc. Thứ nhất, ông thoải mái áp dụng một số thi thiên cho Chúa Giê- xu và Hội thánh. Ví dụ, ông áp dụng Thi Thiên 2 cho Chúa Giê-xu. Mặc dù “Phi-lát, Hê-rốt và các quan trưởng Do -thái” sống vào thời kỳ của Chúa Giê-xu, không phải vào thời kỳ sách Thi Thiên được viết, nhưng ông mô tả họ như kẻ thù của Đức Gia-vê trong Thi Thiên 2:1–3.94 Ông cũng nói có thể Thi Thiên 13 là tiếng kêu của hội thánh trong Khải Huyền 6:10.95 Cách giải nghĩa các thi thiên liên quan đến Chúa Giê-xu phù hợp với truyền thống của Hội Thánh qua nhiều thế kỷ.

      Thứ hai, ông cũng đề cập đến một số vấn đề áp dụng vào ngày nay. Ví dụ, liên quan đến Thi Thiên 23, ông khuyên độc giả không chống lại cảm xúc, vì đó là “những điều [dạy] dỗ bởi ơn” của Chúa.96 Liên quan đến Thi Thiên 90:1, ông nói về Chúa là “nhà chúng ta” và liên hệ đến 1 Giăng 4:16 để nói rằng: “Sa-tan không thể xâm-nhập để phá chúng ta.”97

      Một trong những vấn đề khó giải nghĩa nhất của sách Thi Thiên là các thi thiên nguyền rủa, xin Chúa phạt những người độc ác. Cách giải nghĩa của Mục sư Thái rất thú vị. Hình như ông không chấp nhận những lời nguyền rủa. Ví dụ, trong bối cảnh người Y-sơ-ra-ên bị đem đến Ba-by-lôn, trong Thi Thiên 137:8–9 có người kêu lên:

         Hỡi con gái Ba-by-lôn, kẻ phải bị hủy diệt!

         Phước cho kẻ báo trả ngươi.

         Tùy theo điều ác mà ngươi đã làm cho chúng ta! 

         Phước cho người bắt con nhỏ ngươi,

         Và đập nát chúng trên đá!

      Mục sư Thái gọi hai câu này (cùng với c.7) là “Lòng con người xác thịt căm hờn nguyền rủa Ê-đôm và Ba-by-lôn.”98 Ông gọi thi thiên này là thi thiên “cảm động nhất.”99 Và ông thông cảm với tác giả. Tuy nhiên, ông không chấp nhận tinh thần này vì “đó là tinh thần của luật pháp cũ chứ không phải là luật pháp mới (Ma-thi-ơ 5:43–48).100 Đây có phải là ảnh hưởng của Martin Luther không? Mục sư Thái không cho biết, nhưng vì ông trích dẫn Martin Luther nhiều hơn mọi nhà thần học khác, rất có thể Mục sư Thái chịu ảnh hưởng của Luther ở điểm này.

Kết luận

      Mặc dù Mục sư Thái đã rời chức vụ hội trưởng vào năm 1960, ông vẫn tiếp tục làm giám đốc của cô nhi viện ở Nha Trang đến năm 1968. Rồi vào năm 1975, các con cháu của Mục sư Thái đem ông sang Mỹ. Ông qua đời ở tuổi 95, vào năm 1985 tại San Gabriel, bang California.101 Ảnh hưởng của Mục sư Thái trên cộng đồng Tin Lành ở Việt Nam rất sâu đậm. Ông góp phần bao nhiêu trong việc hình thành Hội Thánh Tin Lành Việt Nam là vấn đề các nhà sử học có thể tranh cãi. Tuy nhiên, điều chắc chắc là ông được yêu mến và tôn trọng bởi nhiều tín hữu và mục sư ở Việt Nam vì ông là một nhà truyền đạo sống theo Kinh Thánh.


1 Andrew Walls, “The Rise of Global Theologies”, trong Global Theology in Evangelical    Perspective: Exploring the Contextual Nature of Theology and Mission, b.t Jeffrey P.   Greenman và Gene L. Green, Kindle Edition (Downers Grove, IL: IVP Academic,     2012), Kindle Locations 113–16.
2 Walls, Kindle Locations 182–83.

3 Trần Thái Sơn, Những Người Đi Trước Tôi (Lưu Hành Nội Bộ, 2015), 39.
4 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm Chức Vụ (Sài Gòn: Cơ Quan Xuất Bản Tin Lành,     1971).
5 Trần Thái Sơn, Những Người Đi Trước Tôi, 29–61; Đình Dũng, “Mục sư Lê Văn Thái”,    trong Tuyển Tập Tiểu Sử Người Hầu Việc Chúa (Tp. Hồ Chí Minh: NXB PhươngĐông,    2011), 325–34.
6 Lê Hoàng Phu, Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965) (Hà Nội: Nhà   Xuất Bản Tôn Giáo, 2010), 14; bản gốc là Lê Hoàng Phu, “A Short History of the     Evangelical Church of Viet Nam (1911-1965)” (New York University, 1972).
7 Đình Dũng, “Mục sư Lê Văn Thái”, 325–26.
8 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm, 11; kiểu viết hoa để nhấn mạnh là của ông Thái.
9 Lê Văn Thái, 13.

10 Lê Văn Thái, 13.
11 Lê Văn Thái, 14.
12 Lê Văn Thái, 17–18.
13 Lê Văn Thái, 24.
14 Lê Văn Thái, 33.
15 Lê Văn Thái, 34.
16 Lê Văn Thái, 36–37.
17 Lê Văn Thái, 41.
18 Đình Dũng, “Mục sư Lê Văn Thái”, 44.
19 Lê Hoàng Phu, Lịch Sử Hội Thánh, 130.
20 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm, 50.
21 Lê Văn Thái, 53.
22 Lê Văn Thái, 54.
23 Lê Văn Thái, 56.
24 Lê Văn Thái, 58.
25 Lê Văn Thái, 59–63.
26 Lê Văn Thái, 67.
27 Lê Hoàng Phu, Lịch Sử Hội Thánh, 163.
28 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm, 70.
29 Lê Hoàng Phu, Lịch Sử Hội Thánh, 224.
30 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm, 79.
31 Lê Hoàng Phu, Lịch Sử Hội Thánh, 223.
32 Lê Hoàng Phu, 240.
33 Lê Hoàng Phu, 233.
34 Trần Thái Sơn, Những Người Đi Trước Tôi, 60.
35 Đình Dũng, “Mục sư Lê Văn Thái”, 334.
36 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm, 160.
37 Lê Văn Thái, 160.
38 Lê Văn Thái, 160.
39 Lê Văn Thái, 160.
40 Lê Hoàng Phu, Lịch Sử Hội Thánh, 271.
41 Lê Hoàng Phu, 274.
42 Lê Hoàng Phu, 275, 289–90.
43 Lê Hoàng Phu, 376.
44 Lê Hoàng Phu, 388.
45 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm, 179–82.
46 Lê Văn Thái, 160–61.
47 Lê Văn Thái, 168.
48 Lê Văn Thái, 168.
49 Lê Văn Thái, 169–70.
50 Lê Văn Thái, 170.
51 Lê Văn Thái, 228.
52 Lê Văn Thái, 229.
53 Lê Hoàng Phu, Lịch Sử Hội Thánh, 263.
54 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm, 234.

55
Bruce L. Shelley, Church History in Plain Language, 3rd a.b (Nashville, TN: Thomas Nelson, 2008), 391–92.
56 Để xem một nhà thần học của Việt Nam phản đối quan điểm bỏ qua việc từ thiện,     xem Truong Van Thien Tu, “Menh Troi: Toward a Vietnamese Theology of Mission”     (Graduate Theological Union, 2009).
57 Ngày nay Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp làm cả hai việc từ thiện và truyền   giảng sứ điệp cứu rỗi, giống như ông Thái.
58 Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm, 239.
59 Trần Thái Sơn, Những Người Đi Trước Tôi, 30.
60 Lê Hoàng Phu, Lịch Sử Hội Thánh, 223.
61 Trần Thái Sơn, Những Người Đi Trước Tôi, 40.
62 Trần Thái Sơn, 60.
63 Trần Thái Sơn, 30–33.
64 Lê Văn Thái, Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời, không ngày, I.
65 Trần Thái Sơn, Những Người Đi Trước Tôi, 30.
66 Lê Văn Thái, Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời, I.
67 Lê Văn Thái, 1.
68 Lê Văn Thái, 2.
69 Lê Văn Thái, 2.
70 Lê Văn Thái, 3.
71 Lê Văn Thái, 4.
72 Lê Văn Thái, 4.
73 Lê Văn Thái, 5.
74 Lê Văn Thái, 7.
75 Ông cho rằng đây là câu 11, nhưng hình như ông nhầm số câu.
76 Lê Văn Thái, Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời, 47.
77 Lê Văn Thái, 27.
78 Ví dụ quan điểm này về sự kêu gọi được liên đến sự kêu gọi của các nhà tiên tri        của Y-sơ-ra-ên được mô tả trong Joe E. Trull và James E. Carter, Ministerial Ethics:      Moral Formation for Church Leaders, 2nd a.b (Grand Rapids, MI: Baker Academic,      2004), 24.
79 Ví dụ: Xã hội Mỹ không phân biệt nhiều giữa thầy và trò. Có lúc họ gọi nhau là          bạn bè. Tín hữu trong Hội Thánh cũng gọi mục sư là bạn bè. Khoảng cách xã hội        không lớn, trừ khi mục sư lớn tuổi hơn nhiều.
80 Lê Văn Thái, Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời, 35.
81 Lê Văn Thái, 38.
82 Lê Văn Thái, 39.
83 Sách giải nghĩa nhấn mạnh giá trị của tài liệu ở Ras Shamra nhiều nhất là Mitchell     J. Dahood, Psalms I, 1-50, AB 16 (Garden City, NJ: Doubleday, 1966); Mitchell J.       Dahood, Psalms II, 51-100, AB 17 (Garden City, NY: Doubleday, 1974); Mitchell J.     Dahood, Psalms III, 101-150, AB 17A (Garden City, NY: Doubleday, 1970).
84 Lê Văn Thái, Châu Ngọc Của Thi Thiên: Quyển Thượng, vol 1 (Sài Gòn, HCM:           Phòng Sách Tin Lành, 1970), 14.
85Lê Văn Thái, 1:59, 147 v.v…
86Alexander Maclaren, Expositions of Holy Scripture (London: Hodder & Stoughton,       1906).
87Lê Văn Thái, Châu Ngọc Của Thi Thiên, 1970, 1:16.
88 Lê Văn Thái, 1:105.
89 Lê Văn Thái, 1:107.
90 Hermann Gunkel và Joachim Begrich, Introduction to Psalms: The Genres of the        Religious Lyric of Israel (1933), b.d James D. Nogalski (Macon, GA: Mercer                University Press, 1998).
91 Lê Văn Thái, Châu Ngọc Của Thi Thiên, 1970, 1:59–60.
92 Lê Văn Thái, Châu Ngọc Của Thi Thiên: Quyển Hạ, vol 2 (Sài Gòn, HCM: Phòng          Sách Tin Lành, 1970), 117.
93 Lê Văn Thái, Châu Ngọc Của Thi Thiên, 1970, 1:20.
94 Lê Văn Thái, 1:20.
95 Lê Văn Thái, 1:60.
96 Lê Văn Thái, 1:106.
97 Lê Văn Thái, Châu Ngọc Của Thi Thiên, 1970, 2:117.
98 Lê Văn Thái, 2:383.
99 Lê Văn Thái, 2:383.
100 Lê Văn Thái, 2:385.
101 Đình Dũng, “Mục sư Lê Văn Thái”, 331.


Tài Liệu Tham Khảo

  • Bruce L. Shelley. Church History in Plain Language. 3rd a.b. Nashville, TN: Thomas Nelson, 2008.
  • Dahood, Mitchell J. Psalms I, 1-50. AB 16. Garden City, NJ: Doubleday, 1966.
    ———.
    Psalms II, 51-100. AB 17. Garden City, NY: Doubleday, 1974.
    ———.
    Psalms III, 101-150. AB 17A. Garden City, NY: Doubleday, 1970.
  • Đình Dũng. “Mục sư Lê Văn Thái”. Trong Tuyển Tập Tiểu Sử Người Hầu Việc Chúa, 325–34. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông, 2011.
  • Gunkel, Hermann, và Joachim Begrich. Introduction to Psalms: The Genres of the Religious Lyric of Israel (1933). Biên dịch bởi James D. Nogalski. Macon, GA: Mercer University Press, 1998.
  • Lê Hoàng Phu. “A Short History of the Evangelical Church of Viet Nam (1911-1965)”. Ph.D.diss., New York University, 1972.
    ———.
    Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965). Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010.
  • Lê Văn Thái. Bốn Mươi Sáu Năm Chức Vụ. Sài Gòn: Cơ Quan Xuất Bản Tin Lành, 1971.
    ———.
    Châu Ngọc Của Thi Thiên: Quyển Hạ. Vol 2. 2 vols. Sài Gòn, HCM: Phòng Sách
    Tin Lành, 1970.
    ———.
    Châu Ngọc Của Thi Thiên: Quyển Thượng. Vol 1. 2 vols. Sài Gòn, HCM: Phòng
    Sách Tin Lành, 1970.
    ———.
    Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời, không ngày.
  • Maclaren, Alexander. Expositions of Holy Scripture. London: Hodder & Stoughton, 1906.
  • Trần Thái Sơn. Những Người Đi Trước Tôi. Lưu Hành Nội Bộ, 2015.
  • Trull, Joe E., và James E. Carter. Ministerial Ethics: Moral Formation for Church Leaders. 2nd a.b. Grand Rapids, MI: Baker Academic, 2004.
  • Truong Van Thien Tu. “Menh Troi: Toward a Vietnamese Theology of Mission”. Ph.D. diss., Graduate Theological Union, 2009.
  • Walls, Andrew. “The Rise of Global Theologies”. Trong Global Theology in Evangelical Perspective: Exploring the Contextual Nature of Theology and Mission, biên tập bởi Jeffrey P. Greenman và Gene L. Green, Kindle Edition., Kindle Locations 110-297. Downers Grove, IL: IVP Academic, 2012.

TÁC GIẢ: TIẾN SĨ DANIEL C. OWENS

Bài trướcNHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN LÊN CÙNG CHÚA -30/7/21
Bài tiếp theoNGƯỜI ĐƯỢC CHỌN ĐẾN GẦN CHÚA 31/7/21