LẮNG NGHE-7/1/23

385

 

Kinh Thánh: Châm-ngôn 1:8

Câu gốc: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha; Chớ bỏ phép tắc của mẹ con.”

Câu hỏi suy ngẫm: Ai có trách nhiệm dạy dỗ con cái? Nội dung dạy dỗ là gì? Con cái có trách nhiệm đáp ứng lời dạy của cha mẹ như thế nào? Bạn cần đầu tư cho mình điều gì để có thể dạy dỗ con cái đúng cách?

 Sách Châm Ngôn nhấn mạnh đến sự dạy dỗ để độc giả nhận biết Đấng Khôn Ngoan và có thể sống khôn ngoan. Một trong những trọng tâm của sách là dạy về trách nhiệm dạy dỗ con cái và trách nhiệm của con cái trong việc lắng nghe sự dạy dỗ.
Câu Châm Ngôn hôm nay dạy chúng ta ba lẽ thật quan trọng. Thứ nhất, dạy dỗ con cái là trách nhiệm của cả cha lẫn mẹ, cả hai đều có trách nhiệm và quyền hạn như nhau. Vua Sa-lô-môn đã đề cập đến “lời khuyên dạy của cha” và “phép tắc của mẹ”. Trong nhiều gia đình, ngay cả những gia đình Cơ Đốc, chỉ có một mình cha hoặc mẹ thực thi nhiệm vụ thiêng liêng này, và đáng buồn thay, họ phải gánh vác toàn bộ sức nặng của việc dạy dỗ con cái đúng cách. Nói về vai trò của gia đình trong việc dạy dỗ con cái, tác giả và diễn giả Cơ Đốc Chuck Colson nói rằng: “Không có gia đình, con cái chúng ta sẽ không có một nền tảng đạo đức và sẽ trở thành những kẻ thất học về đạo đức. Gia đình là trường học đầu tiên của con người được Đức Chúa Trời ủy thác.”
Thứ hai, từ ngữ “lời khuyên dạy” (instruction) trong nguyên nghĩa bao gồm sự sửa phạt và kỷ luật, bày tỏ một quá trình đau đớn để tiếp nhận sự khôn ngoan. Bằng lòng sống theo sự dạy dỗ khôn ngoan luôn có một giá phải trả và đau đớn phải chịu nhưng đem lại kết quả mỹ mãn cuối cùng.
Thứ ba, từ ngữ “phép tắc” (law, teaching) có nghĩa là giới luật (precept) hay quy chế (statute), và đặc biệt đối với người Do Thái thì từ ngữ này nói đến Mười Điều Răn (Decalogue) hay Ngũ Kinh (Pentateuch). Như vậy, trọng tâm của sự dạy dỗ con cái là Lời Đức Chúa Trời. Dạy dỗ và kỷ luật con cái không có gì khác hơn là đem chúng đến với Đức Chúa Trời và Lời Ngài, và sống theo tiêu chuẩn Lời Chúa.
Tuy nhiên, con cái cũng có hai trách nhiệm trong sự đáp ứng. Thứ nhất là “nghe”, nguyên nghĩa là nghe trong sự suy xét, thông hiểu, và vâng lời. Mạng lệnh “nghe” xuất hiện ít nhất 12 lần trong sách Châm Ngôn, và có đến 8 lần trong 9 chương đầu. Thứ hai là “chớ bỏ”, không phải nghe rồi bỏ ngoài tai nhưng phải vâng lời. Như vậy, nghe và làm theo là hai tiến trình không thể tách rời để đạt được sự trưởng thành (Giăng 13:17; Gia-cơ 1:19, 22).
Tóm lại, để làm tròn trọng trách dạy con, trách nhiệm của cha mẹ là phải đầu tư cho mình bằng sự học hỏi Lời Chúa, từ đó dạy dỗ Lời Chúa cho con cái, để con cái tiếp tục đầu tư cho cuộc đời chúng bằng Lời Chúa.

Trọng tâm của sự dạy dỗ con cái bạn là gì?

Lạy Chúa, xin giúp con mỗi ngày lắng nghe và học hỏi Lời Chúa, nuôi dưỡng và đầu tư đời sống con bằng Lời Ngài, nhờ đó con có thể dùng Lời Chúa để dạy dỗ cho con cái và những người Chúa giao phó cho con chăm sóc.

Nguồn: httlvn.org

Bài trướcCHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CHÚA NHẬT (8-1-23)
Bài tiếp theoĐẤNG KHÔN NGOAN-8/1/23