KHOẢNH KHẮC CHÚA CHỊU CHẾT-18/4/25

66

Kinh Thánh: Lu-ca 23:44-49

Câu gốc: “Đức Chúa Giê-xu bèn kêu lớn rằng: Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi” ( Lu-ca 23:46)

Câu hỏi suy ngẫm: Cảnh tượng Chúa Giê-xu trút hơi thở cuối cùng diễn ra như thế nào? Lời tuyên bố cuối cùng của Chúa có nghĩa gì? Những người chứng kiến khoảnh khắc này đã phản ứng ra sao?

 Ngày thứ sáu, Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự. Khoảng giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tức vào khoảng giữa trưa đến ba giờ chiều, khắp đất đều tối tăm (Lu-ca 23:44). Thời điểm lẽ ra là nắng nhất trong ngày lại trở nên tối tăm, vì đó là lúc Đức Chúa Trời thi hành sự đoán xét, là lúc Ngài khiến cho toàn thể vũ trụ phải yên lặng trước bản án của Ngài. Cùng với bóng tối, một hiện tượng bí ẩn khác đã xảy ra. Bức màn Nơi Chí Thánh ngăn cách các phần khác trong Đền thờ, không cho con người tiếp cận vào nơi được xem là ngai của Đức Chúa Trời trên đất, đã bị xé làm đôi từ trên xuống dưới một cách siêu nhiên (Lu-ca 23:45). Sự chết của Chúa Giê-xu đã phá bỏ mọi ngăn cách giữa Đức Chúa Trời với con người, để tội nhân có thể trực tiếp đến trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời thánh khiết.
Trước khi tắt hơi, Chúa Giê-xu đã nói lời cuối cùng, “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!” (Lu-ca 23:46). Lời tuyên bố này bày tỏ sự tin cậy và phó thác tuyệt đối mọi sự nơi Cha, ngay cả khoảnh khắc cuối cùng. Đồng thời cũng là lời xác nhận Chúa Giê-xu đã làm xong mọi công tác Cha giao phó, Ngài đã sẵn sàng trở về cùng Cha. Chương trình cứu rỗi đã hoàn tất. Mọi sự đã được trọn!
Chứng kiến khoảnh khắc Chúa Giê-xu chịu chết, nhóm thứ nhất là những người trực tiếp hành hình Ngài trong đó có thầy đội, đã tôn vinh Đức Chúa Trời, xác nhận Chúa Giê-xu là người công chính (Lu-ca 23:47). Sự chết của Chúa giúp cho họ nhận biết chân lý. Nhóm thứ hai là đám đông dân chúng, đã đấm ngực mà trở về (Lu-ca 23:48). Thay vì hả hê với sự hành quyết như điều họ đòi hỏi trước đó, “đóng đinh hắn trên cây thập tự”, thì sự chết của Chúa khiến lòng họ bị cáo trách. Nhóm thứ ba là những người thân quen với Chúa Giê-xu. Họ đứng từ đằng xa mà nhìn xem với cảm xúc đau thương và xót xa (Lu-ca 23:49).
Thời khắc Chúa Giê-xu chịu chết là thời khắc đem lại nhiều sự biến đổi, từ đất trời cho đến lòng người. Đó là thời khắc mà chương trình cứu rỗi được trọn vẹn, và con người được ban cho cơ hội để tra xét lòng mình. Chứng kiến cái chết của Chúa, những người có mặt trong ngày thứ sáu hôm ấy đã có những phản ứng khác nhau, dù chưa hoàn toàn rõ ràng nhưng đều cho thấy một sự thay đổi lớn nơi lòng họ. Xin Chúa cho chúng ta đừng để ngày kỷ niệm Chúa chịu Thương Khó trôi đi một cách dửng dưng, nhưng tấm lòng thực sự được đụng chạm để đáp ứng với sự hy sinh dường ấy.

Sự chết của Chúa Giê-xu đã thay đổi điều gì nơi tấm lòng bạn?

Lạy Cha Thánh, cảm ơn Cha vì sự hy sinh của Con Ngài trên thập tự giá. Xin giúp con biết dừng lại, suy niệm về khoảnh khắc Chúa Giê-xu chịu chết, để tấm lòng con được thúc giục sốt sắng phục vụ Ngài.

Nguồn: httlvn.org

Bài trướcCHƯƠNG TRÌNH LỄ KỶ NIỆM CHÚA CHỊU THƯƠNG KHÓ NĂM 2025
Bài tiếp theoCHÚA SỐNG LẠI RỒI-NHƯ LỜI NGÀI PHÁN-19/4/25