KẾT QUẢ CỦA LỜI NÓI-13/11/22

318

 

Kinh Thánh: Châm Ngôn 18:20-21

Câu gốc: “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi; Kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó” (câu 21).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn nhấn mạnh kết quả lời nói khác nhau như thế nào? Vì sao Cơ Đốc nhân cần phải thận trọng trong lời nói? Bạn nên có những lời nói ra sao để đem lại sự sống cho mình và cho người khác?
Vua Sa-lô-môn nhấn mạnh đến kết quả của lời nói. Những từ “bông trái” hay “huê lợi” thể hiện hình ảnh của mùa thu hoạch. Muốn có trái ngọt, nông dân phải chọn giống cây ngọt; muốn thu hoạch nhiều hoa lợi, con người phải gieo trồng, chăm sóc kỹ lưỡng. Chất lượng của sản phẩm phụ thuộc vào sự gieo trồng. Tương tự như vậy, trước giả nhấn mạnh đến bông trái của lời nói. Lời nói khôn ngoan sẽ đem lại cho người nói sự no đủ, phước hạnh và sự sống. Ngược lại, lời nói gian ác sẽ dẫn người nói đến chỗ hủy diệt. Tùy theo cách gieo ra, lời nói sẽ thu nhận những kết quả tốt xấu khác nhau.
Cơ Đốc nhân phải cẩn thận trong lời nói vì bất cứ điều gì chúng ta nói đều tác động đến người khác, và hơn thế nữa, cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Sức mạnh của lời nói có thể làm cho người sống hoặc chết. Người nuông chiều, yêu chuộng nó, ăn nói thiếu thận trọng sẽ lãnh hậu quả (câu 21). Trong tác phẩm Những Quyển Sách Đã Thay Đổi Thế Giới (Books That Changed the World), tác giả Robert B. Downs viết rằng mỗi một từ trong sách Mein Kampt (Cuộc Đấu Tranh Của Tôi) của Hitler, giết chết 125 người trong Thế chiến thứ hai. Chúng ta dễ dàng lên án một người cầm dao, cầm súng giết người, nhưng tác hại của lời nói gian ác không những giết nhiều người về thân xác mà còn tàn hại tâm linh của họ. Trước giả Gia-cơ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lời nói khi ông ví sánh lưỡi với ngọn lửa hủy diệt, với con thú hiểm nguy, và chất độc giết người (Gia-cơ 3:5-8).
Về phương diện thuộc linh, Sứ đồ Phao-lô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lời nói. Khi một người biết xưng tội mình và tin nơi Chúa, họ sẽ được cứu, “nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu” (Rô-ma 10:9). Học biết về tầm quan trọng và kết quả của lời nói, cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta là con của Đấng nhân lành, luôn có những lời thiện, lời lành để đem lại bông trái ngon ngọt cho chính mình và cho mọi người. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng hãy dùng lời nói để rao truyền Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu hầu mang lại sự cứu rỗi cho người khác, vì nếu chẳng ai rao giảng thì sẽ không có ai nghe, và nếu không được nghe về Chúa thì làm sao tin để được cứu? (Rô-ma 10:14).
Bạn có cẩn thận khi nói để mỗi lời của bạn đem đến bông trái ngọt ngào, sự sống cho mình và cho người khác không?
Lạy Chúa là Cha Thiên Thượng của con, tạ ơn Chúa đã ban Lời Ngài cho con. Xin Cha cho con biết thận trọng trong lời nói. Xin cho con nói ra những lời bày tỏ đức tin, sự yêu thương, thánh khiết của Chúa, và đặc biệt là con biết dùng môi miệng rao truyền sự sống đời đời của Chúa cho mọi người.
Nguồn: httlvn.org
Bài trướcCHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CHÚA (13/11/22)
Bài tiếp theoHẦU VIỆC CHÚA CÁCH DƯ DẬT