GIÓ BẤC LÀM NÊN BỌN CƯỚP BIỂN VIKING

364

Tộc người Viking gồm nhiều thành phần từ các chiến binh, thương nhân, cướp biển, đến những người nông dân từ nơi phát nguyên là bán đảo Scandinavia (nay là các nước Phần Lan, Na Uy,Thụy Điển, Đan Mạch) tỏa đi các hướng khác nhau từ đông sang tây theo những luồng di cư, rồi sau cùng hiện diện trên khắp châu Âu tạo nên một thời đại huy hoàng mà lịch sử gọi là Thời đại Viking.

Khi nhắc đến người Viking, người ta ấn tượng nhất với vai trò chiến binh và cướp biển. Với tài nghệ đi biển điêu luyện, người Viking đã chế tạo ra những loại thuyền dài làm từ gỗ cây sồi. Theo National Geographic, thuyền này được thiết kế gồm khoang chứa các tảng đá lớn đặt ở hai bên mạn thuyền để giữ thăng bằng phương tiện trước phong ba bão táp kết hợp với khoang chứa vũ khí ở hai bên.

Bằng những chiếc thuyền gỗ sồi vững chắc, người Viking- cướp biển đã dong buồm trên khắp các vùng biển Châu Âu. Đến những vùng đất nào trù phú, họ dừng lại xâm chiếm, cướp bóc. Những luồng người Viking cứ thế từ Bắc Âu tỏa đi khắp các hướng, đến định cư ở những vùng đất mới chiếm được ở Anh, Pháp, vùng biển Baltic, Nga cho đến bán đảo Iberia (ngày nay là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), thậm chí vượt Đại Tây Dương đến Châu Mỹ trước cả nhà thám hiểm Christopher Columbus đến 500 năm mà nay dấu tích vẫn còn lưu lại ở Canada.

Người Scandinavia hay nói “Gió bấc làm nên bọn cướp biển Viking.”

Đối diện với cơn gió bấc, tộc người Viking có người lựa chọn trở thành nông dân, thương nhân, có người trở thành chiến binh nhưng cũng có người chọn trở thành cướp biển. Vậy tóm lại phải chăng quyền quyết định, quyền lựa chọn vẫn luôn thuộc về mỗi người. Ý chí tự do lựa chọn của riêng mỗi người sẽ đưa đến hành động của họ ra sao và nói lên con người họ như thế nào vì cuộc sống được tạo nên bởi ý nghĩ.

Nếu chúng ta nghĩ về niềm vui, chúng ta sẽ hạnh phúc. Nếu chúng ta nghĩ mình là người khốn khổ, chúng ta sẽ khốn khổ bởi chính ý nghĩ đó. Nếu chúng ta có những ý nghĩ sợ sệt, chúng ta sẽ trở thành những người nhút nhát. Và nếu chúng ta có những suy nghĩ yếu đuối, chúng ta sẽ là những kẻ ốm yếu. Nếu chúng ta suy nghĩ mình thua thì lẽ tất yếu chúng ta sẽ thất bại. Nếu chúng ta chỉ đắm chìm trong những suy nghĩ ích kỷ, mọi người sẽ xa lánh chúng ta. Vincent Peale (giáo sĩ và tác giả người Mỹ, phổ biến khái niệm tư duy tích cực) đã đúc kết một điều rằng “Bạn sẽ không đúng như những gì bạn nghĩ nhưng những gì bạn nghĩ sẽ nói lên bạn là ai.”

Chúng tôi  đã hứa nguyện và lựa chọn trở thành một phần trong cộng đồng người Ê Đê trong một buôn làng trên Daklak. Đó cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi phải học biết phong tục tập quán, tiếng nói và cả việc phải hiểu suy nghĩ của con người nơi đây và chúng tôi hạnh phúc với quyết định mình đã chọn. Tôi có lạc quan quá không khi chỉ trong vòng hơn một tháng mà đã thấy có quá nhiều đám tang trong buôn? Nhưng thay vì có các suy nghĩ tiêu cực thì chúng tôi nhìn thấy những điều tích cực hơn là lo âu, bồn chồn, nóng ruột dẫn đến những suy nghĩ luẩn quẩn. Mỗi khi nhà ai có đám tang thì hầu như tất cả các gia đình trong buôn đều đến giúp. Họ cùng góp thực phẩm, gạo và cả tiền để nhà đó có thể lo đám chu toàn. Bất kể giàu hay nghèo đều giống nhau; đều chôn cùng một nghĩa địa và họ quan niệm rằng “Rồi nhà ai cũng phải có đám”. Lễ di quan và hạ huyệt luôn vào buổi sáng, sau đó dân làng sẽ ăn cùng nhau ngoài nghĩa địa. Người Ê Đê có món Cà Đắng là món truyền thống, dù là đám tang, lễ hỏi, lễ cưới, lễ dâng nhà mới… đều có món đó nhưng cách nấu có chút khác biệt về phần nêm nếm (đắng nhiều hay ít tuỳ thuộc vào đó là đám gì). Tôi tập ăn rồi ghiền hồi nào không hay. Vậy nên có đủ thức ăn và nước uống thì chẳng nên phàn nàn về chuyện gì cả.

Khoảng 90% những điều trong cuộc sống của chúng ta là đúng, 10% còn lại là những điều sai. Nếu chúng ta muốn sống hạnh phúc, mọi việc phải làm là tập trung vào 90% đúng kia và phớt lờ 10% không đúng. Còn nếu muốn loét dạ dày vì lo lắng thì cứ làm điều ngược lại.

Cụm từ “Suy nghĩ và cảm ơn” được khắc lên rất nhiều trong các nhà thờ ở nước Anh. Cụm từ đó cũng nên được khắc vào tim chúng ta. Hãy suy nghĩ về tất cả những gì chúng ta cần biết và cảm ơn Ông Trời vì tất cả những gì Người ban tặng.

Vậy chúng ta có biết trân trọng những gì mình đang có hay không? Không. Chúng ta ít khi nghĩ đến những gì chúng ta có mà thường hay chỉ nghĩ đến những gì chúng ta chưa có. Cách suy nghĩ đó là bi kịch lớn nhất trên trái đất nầy. Nó gây ra nhiều bất hạnh cho nhân loại, chiến tranh xảy ra cũng vì lẽ đó.

Tôi đọc được một câu chuyện về một người phụ nữ gần như không nhìn thấy được gì trong suốt nửa thế kỷ vì bà chỉ còn có một con mắt và con mắt đó bị nhiều vết sẹo đến nỗi tầm nhìn của bà bị thu hẹp lại chỉ còn một góc nhỏ bên trái. Bà chỉ có thể đọc sách bằng cách đưa sát quyển sách lên trên mặt rồi cố hết sức liếc qua bên trái. Nhưng bà đã không để mọi người phải thương hại mình và cũng không muốn mình trở nên khác biệt.

Khi còn nhỏ, cô thích chơi nhảy lò cò với các bạn nhưng lại không thể nhìn rõ các vạch. Thế là sau khi những đứa trẻ cùng chơi đã trở về nhà, cô bé thiếu may mắn đó phải nán lại và bò sát trên mặt đất để nhìn các vạch. Cô ghi nhớ tất cả các vạch đó và trở thành người chơi nhảy lò cò giỏi nhất trong đám bạn. Ở nhà khi đọc sách, cô phải dùng những quyển sách có in chữ thật to dí sát mặt đến mức lông mi chạm vào trang sách. Sau bao ngày bền bỉ khổ luyện, cô đã đạt được bằng Cử nhân Văn chương tại trường đại học Minnesota và Thạc sĩ Văn chương tại đại học Columbia.

Chưa dừng lại ở đó, bà sớm trở thành giảng viên Khoa Báo Chí và Văn học tại trường đại học Augustana, bang South Dakota. Bà luôn miệng nói rằng “Đức Chúa Trời. Con cảm ơn Người. Con cảm ơn Người.”

Tôi đọc xong mà cảm thấy xấu hổ cho chính bản thân mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà Ông Trời đã tạo dựng với tất cả muôn vẻ đẹp xung quanh nhưng chúng ta cụp mắt xuống và chỉ thấy buồn thảm. Phải chăng lòng biết ơn là trái ngọt của sự tu dưỡng tốt, chúng ta chẳng thể tìm thấy nó trong một đám đông hỗn tạp.

Giới trẻ ngày nay có một câu nói hài hước nhưng ngẫm lại thấy đúng “Khi cuộc sống quăng cho bạn một trái chanh, thì ngại gì mà không order thêm phần bún đậu.”

Vì vậy hãy nuôi dưỡng những thái độ tích cực trong tâm hồn chúng ta để những điều tốt đẹp đó đưa chúng ta đến với hạnh phúc và bình yên như cách mô tả của một bài thơ tự do chỉ vài dòng ngắn ngủi:

“Hai tù nhân nhìn ra ngoài khung cửa sắt

Một kẻ nhìn chỉ thấy màn đêm,

Một người lại nhìn thấy những vì sao.”

Daklak 11/05/2022

Tác giả: THIÊN QUỐC 

 

Bài trướcTỪ NGÀY RAO TRUYỀN VỀ CHÚA-9/7/22
Bài tiếp theoCHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG CHÚA (CN-10/7/22)