“Ngày nghỉ” trong tiếng Hê-bơ-rơ là “ngày Sa-bát”. Đức Chúa Trời đã biệt riêng ngày này ra để muôn dân nghỉ ngơi công việc mình, tập trung thờ phượng Chúa. Từ “Sa-bát” còn có nghĩa là “ngừng làm việc, ngày yên nghỉ“. Sau khi Chúa sáng tạo muôn vật hoàn tất, Đức Chúa Trời đã biệt riêng ngày thứ bảy nghỉ ngơi, Chúa phán: Ngài ban phước cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì vào ngày đó Ngài nghỉ sau khi đã làm xong mọi công việc sáng tạo (Sáng Thế 2.3).
Sau khi Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập và Đức Chúa Trời ban luật pháp cho Môi-se trên núi Si-nai về việc giữ ngày Sa-bát; đó là một luật định bắt buộc vì cớ con người cần dành thì giờ thờ phượng Chúa và nghỉ ngơi mỗi tuần. Chúa rèn tập họ tuân giữ ngày Sa-bát qua việc lượm ma-na, họ được lượm ma-na sao cho đủ ăn mỗi ngày và trong ngày thứ sáu lượm gấp đôi để dùng trong hai ngày vì vào ngày thứ bảy thì ma-na sẽ không được banxuống. Luật ngày nghỉ được quy định mạnh hơn rằng “Người nào ra lượm ma-na trong ngày thứ bảysẽ bị xử tử” (Dân 15:32-36). Điều răn thứ 4 này không chỉ dành riêng cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên mà thôi, nhưng cho muôn dân muôn nước trên đất.
Ngày Sa-bát trong lịch Do Thái được thế giới chuyển sang ngày Chúa Nhật là ngày Chúa Giê-xu đã sống lại sau khi đã chịu chết đền tội cho nhân loại; là ngày Đức Thánh Linh giáng xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần; là ngày Hội Thánh đầu tiên nhóm lại (1 Cô-rinh-tô 16.1-2); và sự thờ phượng được thừa nhận công khai sau chiếu chỉ Milan năm 313 rằng: “sự thờ phượng Đức Chúa Trời phải là quan tâm hàng đầu và chính yếu nhất của vua”làm cho Chúa nhật gián tiếp trở thành ngày nghỉ của cả đế quốc Constantine. Từ đó, thế giới sử dụng Chúa nhật là ngày nghỉ chung cho tất cả mọi người.
Chúa muốn chúng ta giữ một thì giờ để nghỉ ngơi và ở trong mối tương giao với Chúa đều đặn trong thế giới gấp rút ngày nay chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời quan trọng đối với chúng ta như thế nào. Điều này đem lại lợi ích dư dật trong việc làm tươi mới đời sống tâm linh chúng ta. Vậy nên đừng thờ ơ đối với ngày yên nghỉ thánh mà Đức Chúa Trời ban cho.Tuy nhiên, có nhiều trường học ngày nay khuyến khích học sinh học thêm vào Chúa Nhật. Trong công ty, làm vào những ngày cuối tuần thì lương gấp đôi. Trên truyền hình có nhiều chương trình đặc biệt,những trận bóng đá siêu kinh điển, … thường sẽ được công chiếu vào cuối tuần. Các khu vui chơi giải trí cũng sẽ có nhiều khuyến mãi trong dịp cuối tuần. Tất cả những điều này đều là thách thức đối với Cơ Đốc Nhân trong việc giữ trọn vẹn một ngày yên nghỉ.
Để có một Chúa Nhật thật phước hạnh trong sự thờ phượng, chúng ta cần có thái độ yêu mến Chúa, kính sợ Chúa, lên kế hoạch chỉ làm việc trong sáu ngày mà thôi. Lời Chúa còn nhắc nhở chúng ta rằng: “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:25). Chúng ta cần kinh nghiệm rằng việc giữ Ngày Thánh để thờ phượng Chúa là một phước hạnh, là ân điển Chúa ban chứ không phải là gánh nặng, nhờ đó có được đời sống sung mãn cho một tuần mới.
Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì Ngài ban ngày yên nghỉ để chúng con được thờ phượng và hầu việc Ngài. Xin Chúa giúp con biết trân quý Ngày Thánh, nhớ ngày nghỉ làm nên Ngày Thánh, và vui thoả trong sự thờ phượng. A-men!