Dấu hiệu để phân biệt một vật-sống với vật-không-sống là: (1) hoạt động (luôn tự động và có ích); (2) trao đổi (luôn trao đổi vật chất với môi trường sống một cách cân bằng); (3) tăng trưởng (luôn phát triển toàn diện và đồng đều, về cả số lượng lẫn chất lượng); (4) sinh sản (có khả năng sinh sản ra vật-sống giống như nó hoặc tốt lành hơn nó), và (5) tất cả phải trong vòng trật tự. Dấu hiệu thứ 5 bao trùm cả 4 dấu hiệu trước.
Các hoạt động, trao đổi, tăng trưởng và sinh sản của vật-sống luôn theo những qui luật nhất định mà Đấng Tạo hóa đã thiết lập. Có qui luật có nghĩa là có trật tự. Một vật-sống dù có đủ 4 dấu hiệu sống đầu tiên nhưng lại không có trật tự thì sự sống của vật-sống đó cũng sẽ tiêu mất đi.
Thân thể của một vật-sống có thể gồm có chỉ một tế bào (gọi là vật-sống đơn bào, như vi trùng) hay nhiều tế bào kết hợp lại (gọi là vật-sống đa bào). Tế bào được gọi là đơn vị cơ bản của vật-sống, đại đa số có kích thước nhỏ hơn đầu nhọn của kim 5-10 lần (trung bình 0,01 – 0,02 mm). Dưới kính hiển vi, tế bào có cấu tạo và hoạt động theo một trật tự rất qui củ, giống như một thành phố. Mỗi tế bào luôn có màng tế bào (ranh giới), bộ khung (cơ sở vật chất), nhân và DNA (ban lãnh đạo), RNA (hệ thống thông tin liên lạc), ty thể và lục lạp (nhà máy điện), ri-bô thể (nhà máy sản xuất hàng hóa), không bào (kho chứa), mạng lưới nội chất và bộ Golgi (hệ thống đóng gói, hệ thống giao thông vận tải), lysosom và peroxisom (lực lượng bảo vệ duy trì trật tự và xử lý rác thải), v.v… Tất cả các phần của tế bào vô cùng nhỏ đó phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, liên tục và theo một trật tự nhất định. Thân thể của con người có 37.200 tỷ tế bào nhỏ li ti như vậy.
Nhiều tế bào giống nhau hợp lại tạo thành mô để làm nhiệm vụ lớn hơn. Có 4 loại mô căn bản: biểu mô (mô da, che phủ bảo vệ không cho vật lạ xâm nhập cơ thể), mô liên kết (gắn kết các cơ quan bộ phận trong cơ thể với nhau, hỗ trợ hoạt động và bảo vệ các cơ quan); mô cơ (giúp vận động), mô thần kinh (truyền dẫn thông tin, liên lạc). Ở người, các loại mô kết hợp với nhau tạo thành 11 hệ thống cơ quan (với khoảng 78 cơ quan nội tạng) để đảm nhiệm công việc chung của toàn thân thể: hệ liên kết, hệ xương, hệ cơ, hệ bạch huyết, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ nội tiết, hệ tim mạch, hệ tiết niệu và hệ sinh sản.
Tất cả các hệ thống cơ quan cũng như toàn thân của vật-sống được phân công một cách rõ ràng và hoạt động 24/24 một cách qui củ, có trật tự, giống như một thành phố hay một quốc gia. Trật tự, qui củ đó có tính chu kỳ, nghĩa là hoạt động có lúc tăng – lúc giảm, có làm việc – có nghỉ ngơi theo giờ giấc nhất định, và y học gọi đó là nhịp sinh học, hay chu kỳ sinh học, hay để dễ hiểu hơn gọi là đồng hồ sinh học. Mỗi cơ quan bộ phận có đồng hồ sinh học riêng, tùy theo môi trường sống. Thí dụ: ruột già hoạt động mạnh nhất vào đầu giờ sáng. Tim mạch, cơ bắp hoạt động tốt nhất buổi chiều, v.v… Tất cả các cơ quan khác như gan, phổi, thận, dạ dày, ruột non, con mắt, bộ óc, v.v… cũng hoạt động trật tự và có giờ giấc. Chỉ có một cánh tay vận động còn tay kia thì không, ngồi liên tục, ăn uống, thức-ngủ, làm việc – nghỉ ngơi không điều độ, các loại bệnh tật như tim đập không đều, đau dạ dày, sinh non, sảy thai, v.v… chính là các tình huống không còn trật tự.
Bệnh ung thư là một thí dụ điển hình cho sự mất trật tự. Một số loại tế bào thường hay mất trật tự khi gặp các tình huống nguy hiểm như hóa chất, tia bức xạ,… và dễ hóa thành ung thư. Ung thư chính là tình trạng một phần nào đó của cơ thể (da, cơ, xương, máu,…) mất trật tự, bắt đầu từ một hay một số tế bào hoạt động không trật tự (hoạt động mau lẹ và bất thường mà không tạo ra điều gì có ích), trao đổi chất không trật tự (“dành ăn” mạnh đến mức cơ thể phải tạo nhiều mạch máu để đưa chất dinh dưỡng đến nuôi nó, trong khi nó lại không tạo ra điều gì có ích ngoài các chất dư thừa, cặn bã do nó thải ra, làm cho thân thể gầy ốm, suy mòn), tăng trưởng không trật tự (phát triển không đúng chỗ, lớn rất mau, xâm lấn đè ép cơ quan bộ phận xung quanh), và sinh sản không trật tự (tế bào phân chia cũng rất mau thành nhiều tế bào con dị dạng, không đều, gọi là tế bào quái, rồi di căn đến các cơ quan bộ phận khác để tiếp tục tàn phá). Ung thư làm cho cơ thể dần mất đi sự sống. Vì vậy cơ thể luôn có cơ chế theo dõi giám sát, nhận diện, bắt giữ và vô hiệu hóa các tế bào có nguy cơ đó ngay từ lúc mới bắt đầu mất trật tự, để ngăn chặn chúng hóa thành ung thư. Người sống không điều độ, luôn căng thẳng trí óc, buồn rầu, lo lắng (mà y học gọi là tình cảm và cảm xúc âm tính) thì cơ chế đó sẽ giảm sút trầm trọng, và là một trong những nguyên cớ phát sinh ung thư.
Sinh vật (trong đó có con người) sống được là nhờ mọi hoạt động đều có trật tự, nghĩa là luôn tuân theo qui luật mà Đấng Tạo hóa thiết lập. Nói cách khác, nhờ sự trật tự mà sự sống được trường tồn và “tốt lành” (1). Thiếu trật tự, vật-sống mất đi tính tốt đẹp của nó và đi dần đến cái chết. Một vật được gọi là sống khi mọi hoạt động, trao đổi, tăng trưởng, sinh sản đều trật tự, luôn theo qui luật của tự nhiên. Trật tự là dấu hiệu thứ năm của sự sống.
Trong lĩnh vực đức tin cũng vậy, một người có sự sống của Đấng Tạo hóa phải luôn có lối sống điều độ (2), “trật tự”, qui củ, theo qui luật của Đấng Tạo hóa.
* Hoạt động có ích: sinh hoạt cá nhân, lối sống trong gia đình hay giữa môi trường, cách hầu việc Chúa trong Hội Thánh, cách tham gia các hoạt động xã hội,… luôn có phương pháp, có qui củ nhất định, đem lại nhiều thành quả tốt đẹp;
* Trao đổi cân bằng: có học phải có làm, có nhận kiến thức phải có chia xẻ kiến thức, luôn biết học Lời Chúa cho riêng mình mà cũng tham gia vào việc giúp người khác học Lời Chúa một cách tương xứng;
* Tăng trưởng toàn diện: liên tục “lớn lên” về mọi lĩnh vực: thân thể, trí óc, sự hiểu biết Chúa và sự hiểu biết về tạo vật của Chúa;
* Sinh sản tốt lành: luôn đem sức sống đến cho người khác, giúp đưa người khác đến với sự tốt lành hơn, đến với Chúa.
* Tất cả phải có qui củ, theo trật tự mà Đấng Tạo hóa đã thiết lập cho sự sống.
Hội Thánh, Ban ngành,… có sự sống của Đấng Tạo hóa cũng giống như vậy, bởi vì Đức Chúa Trời của Hội Thánh là “Đức Chúa Trời của sự bình an [trật tự]”.
“Vì Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của sự hỗn loạn, nhưng của sự bình an [trật tự]. Nhưng hãy thực hiện mọi sự một cách thích hợp và trật tự” (1 Cô-rinh-tô 14:33,40 – TTHĐ)
Lời cuối cho loạt bài “Dấu hiệu của sự sống”
Đấng Tạo hóa tạo dựng nên con người để thay Ngài quản trị muôn vật (3). Con người được Đấng Tạo hóa hà “sinh khí” (hay sự sống) vào và trở thành một “sinh linh”, nghĩa là vật-sống có linh hồn hay “linh hồn sống” (4) và được ban cho quyền tự do để quản trị (5). Tự do không có nghĩa là vô kỷ luật, vô trật tự. Vì mang sự sống của Đấng Tạo hóa nên con người thuở ban đầu mang đặc tính của Đấng Tạo hóa: Sáng tạo, Yêu thương, Công bình, khác với mọi vật-sống khác. Con người không phải là Đấng Tạo hóa mà là nhà quản trị của Đấng Tạo hóa.
Vì con người dùng sự tự do của mình trong việc quản trị cách sai trật nên “thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (6), sự sống không còn trọn vẹn đúng nghĩa. Nghĩa là không còn “trật tự” như vốn có trong mọi hoạt động, trao đổi, tăng trưởng và sinh sản. Do đó mà con người hổ thẹn (về mặt tinh thần) tránh mặt Đấng tạo dựng và giao việc cho mình, tìm cách ẩn mình trong lá vả, lùm cây (là thế giới vật-sống không phải là “sinh linh”), cuối cùng bị đuổi khỏi vườn Ê-đen, sống nhờ vào đất (vật-không-sống), đối diện với nhọc nhằn (về mặt đời sống), ốm đau (về mặt thân thể) cho đến ngày chấm dứt sự sống – “trở về với cát bụi” (7). Và… từ đó con người luôn nỗ lực tìm cách lập lại trật tự của sự sống ban đầu nhưng luôn thất bại, luôn nhận lấy hậu quả của sự mất trật tự.
Đó là lý do Chúa Giê-xu – “là sự sống lại và sự sống” (8) – đã đến trần gian để đưa con người “hòa thuận lại” (phục hòa, giảng hòa) với Đấng ban sự sống (Đấng Tạo hóa), để đem con người trở lại sự sống trọn vẹn thuở ban đầu, luôn trật tự trong mọi hoạt động, trao đổi, tăng trưởng và sinh sản, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Và nhiệm vụ của những ai tiếp nhận Ngài là tiếp nối công việc đó (9).
Chúng ta thực sự có sự sống của Đấng Tạo hóa không? Làm sao biết là có hay không có?
[1] Thánh Kinh: Sáng thế ký 1.
[2] Ga-la-ti 5:22.
[3] Sáng thế ký 1:26,28.
[4] Sáng thế ký 2:7; 1 Cô-rinh-tô 15:45.
[5] Sáng thế ký 2:16-17, 19-20; Ga-la-ti 5:1.
[6] Rô-ma 3:23.
[7] Sáng thế ký 3.
[8] Giăng 11:25.
[9] 2 Cô-rinh-tô 5:17-21.
Tác giả: Hải Sa