Về mặt Y học, có 5 dấu hiệu để phân biệt một vật-sống với một vật-không-sống. Dấu hiệu thứ nhất của sự sống là luôn tự hoạt động, và hoạt động có ích (đã nêu). Dấu hiệu thứ hai của sự sống là luôn TRAO ĐỔI.
Một vật được gọi là sống khi luôn có sự trao đổi chất. Trao đổi có nghĩa là có vô có ra: có ăn vô, hấp thụ vô, nhận lấy, mà cũng có thải ra, bài tiết ra, cho đi; và luôn luôn phải như vậy. Tế bào của vật-sống luôn thu vô các nguyên liệu dùng để sản xuất các chất thiết yếu mà vật-sống cần dùng và thải ra ngoài các chất cặn bã. Cây cỏ luôn hấp thụ (vô) chất khoáng và nước từ đất, thán khí (CO2) và ánh nắng từ trời; và bài tiết (ra) dưỡng khí (O2), mùi thơm hay thối, tích trữ chất dinh dưỡng, chất sinh năng lượng làm nguồn đồ ăn cho vật-sống khác, vì vậy cây cỏ là vật-sống. Con người luôn hít vô dưỡng khí và thải ra thán khí. Đồ ăn được ăn vô, sau khi cơ thể tiêu hóa, thu lấy chất dinh dưỡng sẽ thải cặn bã ra ngoài (1). Nước uống vô, sau khi tham gia chuyển hóa toàn thân sẽ thải ra qua nước tiểu, hơi thở, mồ hôi, mang theo các chất cặn bã. Con người có nghe, có học hành, thu nhận kiến thức (vô) thì cũng có nói, có hướng dẫn lại, có vận dụng kiến thức (ra), nên con người là vật-sống. Vật gì không có trao đổi chất thì không phải là vật-sống. Sống có nghĩa là luôn có trao đổi.
Tuy nhiên, trao đổi phải có cân bằng (hay quân bình). Vật-sống nào có vô mà không có ra, có ra mà không có vô, hoặc vô nhiều ra ít, vô ít ra nhiều thì đều sẽ dần tiêu vong. Với cây cỏ, chỉ có vô (bón phân, tưới nước, bơm không khí, chiếu ánh nắng) mà không cho ra (bịt kín, bọc lại bằng nylon), hoặc ngược lại, thì cây cỏ sẽ chết, không còn sự sống. Ở động vật hay chính mình là con người cũng vậy, chỉ có ăn đồ bổ, uống thuốc bổ vô mà không vận động chân tay để tiêu dùng đồ ăn, chất bổ đó thì sẽ tăng cân, người sẽ chậm chạp nặng nề, dẫn đến hàng loạt hậu quả như rối loạn mỡ máu, xơ cứng động mạch, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, tai biến mạch não, thoái hóa khớp (nhất là khớp gối và cột sống), v.v… Con người ta phải chạy bộ gần 1 giờ mới tiêu hết chất bổ (ra) của 1 ổ bánh mì thịt (vô)! Ngược lại, vận động nhiều, tốn sức nhiều mà không ăn uống tương xứng sẽ gầy ốm, thiếu chất, yếu sức, chậm phát triển trí tuệ, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm trùng, v.v… Cả hai trường hợp đều dẫn đến cái chết, nghĩa là mất đi sự sống.
Một vật được gọi là sống khi luôn có trao đổi chất với môi trường xung quanh một cách cân bằng. Luôn trao đổi cân bằng là dấu hiệu thứ hai của sự sống.
Trong lĩnh vực đức tin cũng vậy, người có sự sống của Đấng Tạo hóa, có Lời của Ngài là người luôn biết trao đổi về thuộc linh và trao đổi một cách cân bằng. Suốt Kinh Thánh, là Lời của Chúa, đều dạy như vậy: Phải “rửa bên trong” và cả “rửa sạch bên ngoài chén đĩa” (2); có “học theo Ta” thì phải có “dạy mọi điều Ta đã truyền” (3); “ban cho có phước hơn nhận lãnh” (4); “Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp” (5); “không muốn làm việc, thì cũng đừng ăn” (6), v.v… Đó là sự cân bằng, luôn luôn phải cân bằng.
[1] Thánh Kinh cũng nói như vậy: Mác 7: 18-19.
[2] Ma-thi-ơ 23: 25-26.
[3] Ma-thi-ơ 11: 29; 28: 20.
[4] Công vụ. 20: 35.
[5] 2 Cô-rinh-tô 1: 4.
[6] 2 Ti-mô-thê 3: 10.
Nếu chỉ có “ăn nuốt” Lời Chúa mà không chia xẻ Lời Chúa cho người khác thì sẽ nặng nề thuộc linh, dẫn đến “béo phì thuộc linh” và khó tránh khỏi các loại bệnh thuộc linh. Người “béo phì thuộc linh” chỉ thích nghe giảng, thích học Kinh Thánh, rất thuộc Kinh Thánh, tự hào vì mình biết nhiều về Kinh Thánh nhưng lại không hoặc rất ít tham gia công việc Chúa, ít hoặc không tham gia chia xẻ Lời Chúa, ít khi giúp đỡ người khác học Lời Chúa. Và họ trở thành “gánh nặng” không chỉ cho chính mình mà còn cho cả cộng đồng Hội Thánh. Đây là thực trạng của “tín đồ nghe”, “tín đồ quốc tế” hay “cành nho lưu động” (cành nho không liền gốc (1), không gắn bó với gia đình hay một cộng đồng nào, không là thành viên cố định của một Hội Thánh nào).
Ngược lại, tình trạng “gầy ốm thuộc linh” xảy ra khi mải lo chia sẻ Lời Chúa, mải tham gia các hoạt động trong nhà Chúa nhưng lại không dành thời gian học hỏi Lời Chúa cho riêng mình. Ma-thê “mải bận rộn với việc phục vụ” (2) là một thí dụ. Người thiếu dinh dưỡng thuộc linh rất dễ bị “vi trùng thuộc linh” là ma quỉ tấn công mặc dù người đó tham gia sinh hoạt của Hội Thánh rất nhiệt tình, mạnh mẽ, và vì vậy dễ gây rắc rối cho Hội Thánh. Đây là thực trạng của “tín đồ nói”, “tín đồ tám” hay “cây vả chỉ thấy có lá” (3).
Người Do Thái có ẩn dụ thú vị về hồ Ga-li-lê và biển Chết (4). Tất cả nước của sông suối xung quanh đổ về hồ Ga-li-lê rồi theo sông Giô-đanh chảy đi. Dòng chính chảy xuống Biển Chết, vì vậy nước trong xanh, nhiều cá tôm. Còn tại Biển Chết, ngoài vài dòng suối nhỏ xung quanh đổ về không đáng kể, lúc có nước lúc khô cạn tùy mùa, nguồn nước chính chảy về chỉ có dòng sông Giô-đanh tươi mát. Và biển Chết giữ lại tất cả, không chảy đi đâu hết. Tất cả các loại muối, chất khoáng, bùn đất (có ích lẫn không có ích) đều đọng lại với nồng độ rất cao (hàm lượng 342 g/kg, gấp gần 10 lần nước biển), không cá tôm hay thực vật thủy sinh nào sống được trong đó, mà chỉ có lượng rất nhỏ vi trùng và vi nấm. Mặc dù nước rất trong, ngó sạch, mùi thơm (vì không có xác sinh vật chết), nhưng vị lại rất đắng và nước đặc quánh (nặng 1,24 kg/lít) khiến người xuống tắm không thể chìm. Chưa hết, diện tích biển Chết hiện đang dần giảm đi, giảm 33% trong vòng nửa thế kỷ qua và đang thực sự “chết” dần. Hồ Ga-li-lê là hình ảnh thí dụ về tín đồ có sự sống của Đức Chúa Trời, có vô và có ra. Còn biển Chết là hình ảnh của tín đồ “chết”, có vô mà không có ra!
[1] Giăng 15:4-5.
[2] Lu-ca 10:40.
[3] Ma-thi-ơ 21:19 – Mác 11:13 – Lu-ca 13:6-9.
[4] “Thung lũng Si-điêm”, “biển Muối”, “biển Mặn” (Sáng thế ký 14:3 – Dân số ký 34:3,12 – Phục truyền. 3:17 – Giô-suê 3:16; 12:3; 15:2,5; 18:9)
Bản đồ địa hình Y-sơ-ra-ên
Diện tích Biển Chết đang giảm nhanh
Dấu hiệu thứ hai của người có sự sống của Chúa là luôn luôn trao đổi và trao đổi cân bằng. Hội Thánh địa phương sống luôn biết trao đổi thuộc linh với các Hội Thánh địa phương khác, biết “nhận” từ cộng đồng mà cũng biết “cho” cộng đồng – một cách cân bằng (11).
7 Giăng 15:4-5.
8 Lu-ca 10:40.
9 Ma-thi-ơ 21:19 – Mác 11:13 – Lu-ca 13:6-9.
10 “Thung lũng Si-điêm”, “biển Muối”, “biển Mặn” (Sáng thế ký 14:3 – Dân số ký 34:3,12 Phục truyền. 3:17 – Giô-suê 3:16; 12:3; 15:2,5; 18:9)
11 Công vụ. 1:8; 20:35 – 1 Cô-rinh-tô 15:57-58 – 2 Cô-rinh-tô 1:3-6; 8:14 – Phi-líp 4:9 – Gia-cơ 4:3; v.v…
“Nếu người nào khát, hãy đến với Ta mà uống. Người nào tin Ta thì những dòng sông sự sống sẽ tuôn tràn từ lòng mình, đúng như Kinh Thánh đã nói.” (Giăng 7:37-38)
Dấu hiệu thứ hai của sự sống là luôn trao đổi [trao đổi cân bằng] |
Tác giả: Hải Sa