Kinh Thánh: II Sử-ký 29:31-36
Câu gốc: “Nhưng tôi là ai, và dân sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa” (I Sử-ký 29:14)
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Ê-xê-chia gọi dân chúng làm gì và họ đáp ứng ra sao? Vua và dân chúng nhận được gì khi dâng hiến rời rộng như vậy? Tinh thần dâng hiến của bạn như thế nào?
Khi các thầy tế lễ đã hoàn tất việc dâng của lễ, Vua Ê-xê-chia gọi dân chúng đem những của lễ của họ vào trong Đền thờ vì họ đã được tha tội, được chấp nhận, “đã biệt mình riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va” nên có thể “đến gần” Chúa, bày tỏ đức tin và lòng biết ơn (II Sử-ký 29:31). Vậy họ đem thêm những của lễ thiêu, các của lễ cảm tạ (II Sử-ký 29:31-32) để nói lên lòng cảm tạ vì tránh được cơn thịnh nộ của Chúa và được phục hồi mối liên hệ với Ngài. Họ cũng dâng của lễ bình an, còn gọi là của lễ thù ân (Lê-vi Ký 3:1-16) và của lễ quán (câu 35; Lê-vi Ký 23:13).
Dân chúng không hề tiếc tài sản của mình mà sẵn sàng dâng cách rời rộng. Số của lễ tự nguyện dâng làm của lễ thiêu và của lễ cảm tạ gồm số lượng rất lớn bò đực, chiên đực, và chiên con. Họ đã dâng hiến nhiều đến nỗi số thầy tế lễ trở thành quá ít, không đủ người để lột da các con sinh dùng làm của lễ thiêu. Vì vậy, người Lê-vi là anh em của họ, phải giúp họ cho đến khi xong việc. Những của lễ thiêu được dâng với lòng tự nguyện chứ không do bị bắt buộc (II Sử-ký 29:31).
Như vậy “cuộc tế lễ trong Đền Đức Giê-hô-va đã lập lại rồi” (II Sử-ký 29:35) và lòng mọi người vui mừng biết ơn Chúa. Đền thờ đã được mở cửa, thánh hóa và tái cung hiến cách nhanh chóng trong thời gian chưa đến ba tuần. Vua và dân chúng vui mừng vì sự thờ phượng chẳng những đã được tái lập mà còn được tái lập nhanh đến bất ngờ (II Sử-ký 29:36). Họ cũng vui mừng vì biết rằng đó là điều Chúa đã “sắm sửa cho dân sự” chứ không phải nhờ công lao của họ.
Sự thờ phượng trong thời Vua Ê-xê-chia không chỉ có cầu nguyện, cảm tạ và lời ca tiếng hát bằng môi miệng mà còn có của lễ dâng lên cho Đức Giê-hô-va. Chỉ khi sự dâng hiến xuất phát từ tấm lòng yêu mến và biết ơn Chúa thì họ mới có thể dâng rời rộng và vui lòng như vậy. Dâng hiến cũng là một hành động của sự thờ phượng. Ngày nay, Cơ Đốc nhân cũng chỉ có thể dâng hiến rời rộng khi thật sự biết ơn và yêu mến Chúa vì những gì Ngài đã làm cho mình. Khi vui lòng dâng hiến rời rộng, chúng ta thể hiện mình nương cậy Chúa thay vì nương cậy tiền của, và chúng ta đang dâng lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài, do Ngài ban cho. Chúa muốn tấm lòng yêu mến Chúa và biết ơn của chúng ta được thể hiện bằng hành động dâng hiến đẹp lòng Ngài.
Bạn có vui lòng dâng hiến rời rộng cho Chúa không?
Lạy Chúa, xin cho con thờ phượng và dâng hiến với tấm lòng yêu mến và biết ơn Ngài để con cũng có được sự vui mừng và thỏa lòng về phước hạnh của sự dâng hiến. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen.
Nguồn: httlvn.org