Kinh Thánh: Phục Truyền 10:16-22
Câu gốc: “Vậy, các ngươi phải thương người khách lạ, vì các ngươi đã làm khách trong xứ Ê-díp-tô” (câu 19).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Môi-se nhắc cho dân Y-sơ-ra-ên nhớ Chúa là Đấng như thế nào? Ông kêu gọi dân Chúa phải có nếp sống xứng hợp ra sao với Đấng họ thờ phượng? Nếp sống đó có ý nghĩa gì? Làm thế nào để bạn trở thành đại sứ tình yêu thương cho Chúa?
Kết thúc chương 10, ông Môi-se một lần nữa nhắc lại cho dân Y-sơ-ra-ên nhớ Đức Chúa Trời họ đang thờ phượng và lập giao ước là Đức Chúa Trời của các thần, Chúa của các chúa, Ngài là
Đấng có đầy quyền năng và cũng là Đấng yêu thương, giúp đỡ kẻ mồ côi, người góa bụa và những người khách tha hương (câu 18).
Thông thường, để đạt được điều mình mong ước, những dân ngoại bang phải dâng lên những của lễ mà họ nghĩ là đúng ý thích của các vị thần họ cầu xin, hy vọng các thần ấy sẽ thỏa mãn ước nguyện của họ. Nhưng Đức Chúa Trời của dân tộc Y-sơ-ra-ên hoàn toàn không như những thần hư không khác mà các dân ngoại bang thờ lạy, Ngài không phải là Đấng chỉ ngồi trên trời cao kia và chỉ đoái xem đến dân tình thế thái khi có người kêu cầu Ngài. Hoàn toàn không phải như vậy, trái lại, Ngài là Đấng chủ động yêu thương, bảo vệ và che chở không những cho con dân Ngài mà thôi, nhưng cũng trải rộng lòng yêu thương đối với những khách tha hương nữa. Không những thế, Ngài còn yêu cầu con dân của Ngài cũng phải sống yêu thương và đối xử tử tế với những khách tha hương, bởi chính họ cũng từng tha hương trong đất Ai Cập. Sở dĩ ông Môi-se nhắc lại cho dân Chúa nhớ đến Đấng họ thờ phượng là ai, là nhằm kêu gọi dân Chúa hướng đến một đời sống sao cho xứng hợp với Đấng đó. Quan trọng hơn nữa là chính qua nếp sống kính Chúa yêu người của dân Y-sơ-ra-ên, các dân tộc chung quanh sẽ nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng đầy năng quyền và giàu lòng yêu thương con người.
Chúa kêu gọi và cứu chúng ta trở nên con cái Ngài không phải để chúng ta co cụm trong ốc đảo nhà thờ với nhau, chỉ nhận lãnh tình yêu thương từ nơi Chúa nhưng lại không sống bày tỏ yêu thương với người chung quanh. Trái lại, Ngài muốn dùng chúng ta như những đại sứ tình yêu thương của Chúa giữa thế gian này. Nếp sống yêu thương mà Chúa hướng chúng ta đến là một nếp sống đầy lòng trắc ẩn trước những khốn khó của người chung quanh, mong muốn góp phần giúp đỡ họ cụ thể dù chỉ là một việc nhỏ như cho họ có được một bữa ăn no, cũng như không ngại khó để bảo vệ những người cô thế. Chúa Giê-xu dạy ai làm việc đó cho người khác chính là làm cho Chúa (Ma-thi-ơ 25:40). Để có thể duy trì nếp sống yêu thương, chúng ta cần có phải có mối liên hệ khắng khít với Chúa. Vì chỉ khi nào chúng ta được kết nối với nguồn của tình yêu thương, chúng ta mới có thể sống yêu thương.
Đời sống bạn có bày tỏ tình yêu thương như cách Chúa muốn dùng bạn chưa?
Lạy Chúa, xin cho con bày tỏ nếp sống yêu thương của Chúa ra cho người chung quanh, hầu cho qua đời sống con nhiều người biết Chúa là nguồn của tình yêu thương đời đời.
Nguồn: httlvn.org