Kinh Thánh: Ca thương 2:1-7
Câu gốc: “…Ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán Ta đặng làm trọn” (Giê-rê-mi 1:12b)
Câu hỏi suy ngẫm: Đất nước Y-sơ-ra-ên và Đền thờ Đức Chúa Trời đang ở trong tình cảnh nào? Dân Chúa đã suy nghĩ ra sao về Ngài? Làm thế nào chúng ta hiểu được tình yêu của Chúa trong cơn sửa phạt?
Trước sự hoang tàn của thành thánh, dân Chúa đã nhận biết đây chính là cơn giận của Đức Chúa Trời. Tiên tri Giê-rê-mi đã lặp lại nhiều lần rằng trong cơn thạnh nộ, Ngài “đã ném sự đẹp đẽ Y-sơ-ra-ên”, “đã nuốt đi… hết thảy chỗ ở của Gia-cốp”, “đã xô cho đổ xuống đất, làm nhục nước và quan trưởng trong nước”, “đã rút tay hữu lại”, “đã giết hết”, v.v… Trong tình cảnh vô cùng bi thương đó, nhiều lần Tiên tri Giê-rê-mi và dân Chúa đã nghĩ rằng Đức Giê-hô-va ra tay hành hại dân Ngài như thể Ngài chẳng còn thương yêu họ, chẳng còn nhớ giao ước đã lập với tổ phụ của họ. Ông nói “Ngài giương cung ra như kẻ thù; giơ tay hữu lên, đứng như kẻ nghịch” (Ca thương 2:4), “Chúa đã trở nên như kẻ nghịch đã nuốt Y-sơ-ra-ên” (câu 5). Dân chúng phải rơi vào sự sỉ nhục thất bại, “vầy mây che khuất con gái Si-ôn?… Ngài đã ném sự đẹp đẽ Y-sơ-ra-ên từ trên trời xuống đất” (câu 1), sừng của Y-sơ-ra-ên đã bị Ngài chặt hết, và Ngài đã rút tay hữu Ngài khỏi họ (Ca thương 2:3).
Đặt mình vào hoàn cảnh của dân Chúa trong thời điểm đó, chúng ta sẽ cảm thông cho tâm trạng của Tiên tri Giê-rê-mi và dân Ngài. Từ một dân tộc mạnh và có chủ quyền, nay “sừng” họ bị Đức Giê-hô-va chặt, mất hết sức mạnh, uy quyền giữa các dân. Mặt khác, tay hữu công bình của Đức Giê-hô-va, chỉ về quyền phép và sức lực của Chúa để bảo vệ dân Ngài, nay đã bị rút khỏi, vì thế “Tại Si-ôn, Đức Giê-hô-va đã khiến ngày hội trọng thể cùng Sa-bát bị quên đi” (Ca thương 2:6), bàn thờ, Đền thờ, thành quách, cung điện đều bị Đức Giê-hô-va phó vào tay kẻ nghịch thù.
Phải chăng Đức Giê-hô-va đã quên giao ước của Ngài và không còn yêu dân Ngài nữa? Chúng ta nhớ lại khi kêu gọi ông Giê-rê-mi bước vào chức vụ, một trong những khải tượng Chúa ban cho ông chính là cây hạnh, với lời phán rằng: “…Ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán Ta đặng làm trọn” (Giê-rê-mi 1:11-12). Chúa không hề quên, nhưng vì tội lỗi, sự cứng lòng và bội nghịch của dân chúng đối cùng Chúa, nên Chúa đã dùng ngọn roi yêu thương để sửa phạt, Ngài rời bỏ Đền thánh, “chẳng nhớ đến bệ chân Ngài”.
Sống trong nghịch cảnh, hoạn nạn dễ làm chúng ta nghĩ rằng Chúa đã quên lời hứa của Ngài, nhưng khi mở mắt đức tin nhìn xa hơn, chúng ta sẽ thấy lòng yêu thương của Chúa với chúng ta không hề thay đổi. “Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt” (Hê-bơ-rơ 12:6). Mỗi khi đối diện với nghịch cảnh, hoạn nạn, điều cần làm không phải là than thở, oán trách nhưng hãy nhìn lại mình có những sai phạm nào với Chúa, với người để ăn năn.
Bạn thường có thái độ nào khi đối diện với nghịch cảnh, hoạn nạn?
Kính lạy Đức Chúa Trời Thành Tín! Tạ ơn Chúa vì tình yêu Ngài đối với con không hề thay đổi. Xin giúp con luôn nhìn lên Chúa để sống trong hy vọng, và kịp thời ăn năn để được tha thứ, phục hồi. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen.
Nguồn: httlvn.org