Rửa tay bằng thứ nào là tốt nhất: nước thường, xà-bông, xà-bông sát trùng hay nước rửa tay khô? Trước tiên cần hiểu về các loại nước hay chất tẩy rửa dùng để rửa tay, sát trùng tay. Hiện có các loại dung dịch rửa tay như sau:
- Nước thường:
Chất bám dính bàn tay dơ gồm có chất khoáng (chủ yếu là đất cát, chất vô cơ, chất dơ thấy được), dầu mỡ, chất đạm (bám dính da, chất hữu cơ, chất dơ khó thấy) và vi trùng. Vi trùng bám nhiều vào rác hữu cơ. Vì vậy chất hữu cơ là thứ giúp vi trùng bám dính da.
Bản thân nước thường không hiệu quả lắm trong việc làm sạch da, vì chỉ loại bỏ được đất cát mà thường không loại bỏ được dầu mỡ. Tuy nhiên, sức nước chảy có thể giúp rửa trôi các tác nhân gây bệnh (nguyên tắc “rửa trôi”). Vì vậy, để loại bỏ vi trùng khỏi da nên dùng thêm xà-bông hay chất sát trùng. Nước nóng có vẻ tốt cho việc rửa tay nhưng không đủ để diệt vi trùng, cũng không làm giảm được số lượng vi trùng trên tay. Trái lại, nước ấm ở nhiệt độ 37oC(thân nhiệt) lại còn tạo điều kiện cho vi trùng phát triển mạnh hơn.
Nước xà-bông ấm tẩy rửa dầu mỡ hiệu quả hơn nước xà-bông lạnh.
- Xà-bông thường:
Xà-bông loại thường có dưới dạng cục, dạng lỏng và dạng bọt. Xà-bông thường không có chất chống vi trùng, hoặc nếu có cũng chỉ đủ để làm chất bảo quản mà thôi. Xà-bông loại thường có tác dụng rửa trôi vi trùng lẫn chất dơ khác bám dính da tay. Các nghiên cứu cho thấy, rửa tay bằng xà-bông thường với nước trong 15 giây đã có thể loại bỏ được 90% vi trùng.
Với xà-bông cục, vì được dùng đi dùng lại nên vi trùng của các lần dùng trước có thể còn lưu lại. Tuy nhiên, vì vi trùng dễ bị rửa trôi theo xà-bông (nguyên tắc “rửa trôi”) nên việc lây lan vi trùng qua xà-bông cục khó có thể xảy ra.
- Xà-bông sát trùng:
Xà-bông sát trùng cũng có 3 dạng như xà-bông thường và được quảng cáo rộng rãi cho công chúng. Xà-bông sát trùng có chứa chất sát trùng ở nồng độ đủ để làm vi trùng ngưng hoạt động hoặc tạm thời không cho vi trùng phát triển. Hiện nay, có 19 loại chất kháng khuẩn không được phép dùng trong xà-bông vì tác hại của chúng khi dùng lâu dài, trong đó có triclosan (xà-bông nước) và triclobarcan (xà-bông cục). Xà-bông sát trùng có tiêu diệt được vi trùng hay không tùy thuộc nhiều yếu tố: loại chất sát trùng nào, nồng độ bao nhiêu, thời gian tiếp xúc lâu hay mau, v.v… Tuy nhiên đáng lưu ý là xà-bông sát trùng không diệt được vi-rút.
Vì phải dùng cùng với nước nên xà-bông sát trùng vừa có tác dụng sát trùng, vừa có tác dụng rửa trôi vi trùng và các chất dơ bám dính da tay (khác với nước sát trùng tay, chỉ có tác dụng sát trùng đơn thuần).
Nhiều nghiên cứu cho thấy xà-bông thường và xà-bông sát trùng cho hiệu quả như nhau trong việc phòng ngừa bệnh lây và loại bỏ vi trùng gây bệnh khỏi bàn tay kể cả khi rửa lâu hơn 20 giây. Nghĩa là xà-bông sát trùng không hẳn hiệu quả như quảng cáo. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào khuyên nên dùng xà-bông sát trùng thay thế cho việc dùng xà-bông thường.
Khi rửa tay bằng xà-bông sát trùng, số vi khuẩn nằm ở rìa ngoài, vùng ít xà-bông, sẽ thoát chết vì tiếp xúc ít với chất sát trùng. Nếu rửa tay quá nhanh, thời gian vi trùng tiếp xúc với chất sát trùng không đủ cũng sẽ khiến chúng càng khó chết hơn. Và nếu dùng xà-bông sát trùng quá thường xuyên, vi trùng có thể trở nên kháng với thuốc kháng sinh rất nguy hiểm. Một số dòng vi trùng mang tính kháng thuốc kháng sinh lại có thể chuyển nhượng tính chất nầy cho các dòng vi khuẩn khác.
3.1. Dung dịch sát trùng tay (Nước rửa tay khô):
Về dạng bào chế, chủ yếu có 3 dạng: dạng nước, dạng keo (gel) và dạng bọt, chuyên dùng để sát trùng tay. Dạng keo thường được đựng trong chai hay ống tuýp nhựa nhỏ để tiện mang đi đường. Dung dịch sát trùng tay có thể diệt, làm bất hoạt hay tạm thời ngăn chặn vi trùng phát triển, nhất là vi-rút.
Về thành phần công thức, có 3 loại dung dịch sát trùng tay: dung dịch không chứa cồn, dung dịch chứa cồn và cồn đơn thuần.
- Nước sát trùng tay không chứa cồn nhưng có chứa một số hoạt chất có tính sát trùng, ngoài ra có thêm chất làm ẩm da và một số tá dược khác. Tác dụng diệt vi trùng của loại này ra sao tùy thuộc vào công thức và nếu dùng nhiều lần liên tiếp tác dụng thường mạnh dần.
- Nước sát trùng tay có chứa cồn: chủ yếu chứa cồn ethanol hay isopropyl (không chứa nước) và thường có thêm chất làm đặc (như carbomer trong dạng keo), hoặc chất làm ẩm (như glycerin trong dạng nước hay dạng bọt) để dễ dùng và làm giảm tác dụng khô da do cồn.
- Cồn là chất sát trùng tay, nhưng khi dùng nhiều lần liên tiếp tác dụng sẽ giảm dần đi và có ảnh hưởng không tốt trên da, làm khô da. Vì vậy ngành y tế ít khi dùng cồn nguyên chất. Tuy nước sát trùng tay chứa tỷ lệ cồn cao có thể gây khô da nhưng hiếm khi gây dị ứng hay viêm da tiếp xúc.
Cồn nguyên chất làm cô đặc gấn như tức thì toàn bộ vỏ vi trùng khiến cho cồn sau đó không thấm vào được bên trong tế bào vi trùng, lúc này vi trùng không còn hoạt động được nhưng lại không chết, khi có cơ hội sẽ hoạt động lại. Cồn nguyên chất lại bốc hơi quá mau làm lạnh bề mặt da, làm co rút lỗ chân lông, lại thêm tác dụng cô đặc chất đạm nên không diệt được vi trùng nằm sâu trong kẽ da hay lỗ chân lông.
Cồn 70% có tác dụng sát khuẩn tốt: cồn cũng làm cô đặc chất đạm và hòa tan chất béo ở vỏ vi trùng nhưng chậm hơn, tạo nhiều lỗ thủng, nhờ đó nước và cồn có thể thấm tiếp vào trong làm biến tính các chất bên trong tế bào vi trùng. Vì vậy, dung dịch cồn 70% được chọn làm nước sát trùng tay và thường có pha thêm chất làm dịu hay làm ẩm da để tránh khô da tay.
Loại nước sát trùng tay chứa 60 – 95% lượng cồn có thể diệt các loại vi trùng kháng nhiều thuốc, vi trùng lao và một số loại vi-rút (HIV, chốc mép, cúm, đậu mùa, viêm gan, cảm lạnh, vi-rút gây bệnh hô hấp cấp). Loại chứa 70 % cồn có tác dụng tốt nhất, vì có thể diệt được 99,9% lượng vi trùng trên da tay sau 30 giây và 99,9 – 99,999% lượng vi trùng sau 1 phút. Tuy nhiên, nước sát trùng tay lại ít hiệu quả trong việc loại trừ các vi-rút khác và hoàn toàn không hiệu quả trong việc loại trừ vi-rút gây viêm dạ dày-ruột (norovirus hay vi-rút loại Norwalk).
Nước sát trùng tay có chứa cồn chỉ đơn thuần sát trùng mà không rửa sạch được chất hữu cơ. Vì vi trùng vẫn còn do lẫn trong chất hữu cơ bám da tay nên nước sát trùng không hiệu quả bằng xà-bông và nước trong việc ngăn chặn vi trùng lây lan qua bàn tay.
- Gạc sát trùng.
Loại gạc này được làm bằng vải hoặc giấy có tẩm ướt chất sát trùng, thường có kích thước nhỏ và đóng thành gói nhỏ để dễ mang đi. Người ta dùng gạc sát trùng để sát trùng hay lau vết thương nhỏ. Vì không làm giảm được số lượng vi trùng trên bàn tay bằng dung dịch rửa tay chứa cồn hoặc xà-bông sát trùng nên chỉ có thể dùng để thay thế tạm thời mà thôi.
- Tóm tắt để áp dụng
- Có thể dùng bất kỳ loại xà-bông nào mà không nhất thiết phải là xà-bông sát trùng (vì kết quả tương đương nhau). Vấn đề không phải là màu hay mùi xà-bông mà là cách rửa tay có đúng hay không. Dù dùng xà-bông loại nào cũng nên rửa khắp bàn tay (cách rửa tay 6 bước) và đủ lâu (tốt nhất là 30 giây). Ghi nhớ: Xà-bông rửa tay chỉ rửa trôi vi-rút mà không tiêu diệt được vi-rút.
- Muốn diệt vi trùng hay vi-rút trên bàn tay, nên dùng các loại dung dịch sát trùng tay có chứa cồn bán trên thị trường (thường được gọi nôm na là “nước rửa tay khô”, hay “dung dịch rửa tay không cần nước”). Dung dịch sát trùng tay không có tác dụng rửa trôi, không làm sạch được chất dơ, nhất là chất dơ có chứa vi trùng hay vi-rút. Vì vậy chỉ nên dùng nước sát trùng tay khi thấy tay dơ rõ ràng mà không có sẵn xà-bông và nước.
- Nếu không có xà-bông, có thể tạm rửa tay bằng nước sạch, nước chảy là tốt nhất. Nước tro hay nước bồ kết theo kinh nghiệm dân gian xưa chỉ có tác dụng rửa trôi chứ không diệt trùng.
- Khi rửa tay, cần chú ý nguyên tắc rửa trôi (“dưới dòng nước chảy”)./.
Tác giả: Hải Sa