BẢN NĂNG HAY TRÍ TUỆ

1030

    Tôi không hề nghi ngờ gì về việc con cái có gen di truyền từ cha mẹ mình, nhất là mỗi khi nhìn thấy chồng và con gái nhỏ của tôi cặm cụi, lục lọi, sục sạo ngoài miếng đất bé xíu trước hiên nhà mà tôi dùng để giải trí đầu óc bằng việc trồng một dây nho, một cây hồng gai, vài ba cây nhãn, chôm chôm, nghệ, gừng… nói cho hoành tráng lệ vậy chứ cứ mỗi lần ăn trái gì là tôi tiện tay liệng vô miếng đất bé xíu đó rồi nó muốn mọc gì lên thì mọc… nhưng thiệt ra tui rất tưng tiu chúng, mỗi khi thấy cây gì đó nhú đầu lên khỏi mặt đất, tôi vui lắm, ra nói chuyện với chúng rồi lại ủ ê khi nó lớn một chút thì có ai đó âm thầm rứt nó lên đi đâu mất. Chắc người ta cũng thích trồng như tôi; đôi khi tự an ủi mình cũng đỡ tủi thân lắm.

    Quay lại việc anh chồng và con gái nhỏ của tôi vì cái thú vui rất là tao nhã là đi lùng bắt côn trùng về nuôi (hay thí nghiệm nhỉ?). Mới vài ngày trước, sau khi ông ba bắt một con sâu trên giàn nho cho con gái nhỏ thì nó lấy vải, kim chỉ ra may cho con sâu một cái áo, bọc con nhỏ lại, bỏ lá nho xung quanh rồi… đậy kín nắp hộp. Ngày nào cũng tẳn mẳn ngồi chăm chút con sâu, nói chuyện với nó, sau ba ngày thì nó… quy về cùng tổ phụ.

    Nhà tôi có hai phe, một bên là cha con gái nhỏ, một bên là mẹ con gái lớn. Chúng tôi có những tư tưởng đối nghịch nhau. Mẹ con tôi thì suy nghĩ logic và rất hệ thống trong mọi việc nên kêu thả con sâu ra để nó phát triển tự nhiên và hóa bướm, đó là một vòng tuần hoàn đáng lý ra nó phải trải qua; còn cha con kia thì tình cảm, trầm tĩnh và muốn chăm sóc cách chu đáo cho đến khi nó lìa đời mới thôi. Vậy nên khi cha con gái nhỏ tỉ mỉ bắt bỏ hủ thì mẹ con tôi quan sát, bình luận rồi có một chút hả hê khi thấy kết cục của tụi côn trùng mà cha con gái nhỏ bắt về…

    Cứ vào mùa xuân, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều tổ ong trên những cành cây cao; kế nhà chúng tôi có cây sa kê lớn lắm, cứ vài tháng lại có ong làm tổ, lớn một chút thì có người bắt, đôi khi chúng bay tràn vào cửa sổ làm tôi phát hoảng vì tôi sợ ong chích lắm (ong chích hay chó cắn gì cũng sợ như nhau. Nhát lắm).

    Kỳ này hai cha con chơi lớn, bắt được một con ong đất trong miếng đất đầy cây con trước nhà. Khi thấy có một cái hang đùn đất lên thì ông ba biết ngay là có ong đất đang làm tổ (chúng tôi nhà quê gốc rạ mà); vậy là ông ba lấy một cái hủ thủy tinh ụp lên miệng hang rồi lấy cây que chọt xéo vào xung quanh ụ đất. Đúng là có một con ong đất bay cái vù lên và bị bắt. Lý do ong đất dễ bị bắt là vì chúng sống đơn độc, tự đào hang, tự bảo vệ và tự cai trị hang của mình chứ không sống bầy đàn như ong mật.

    Cha con gái nhỏ phấn khích lắm vì đây là lần đầu tiên bắt được một con “có độc” như vậy; con ong đất được bao phủ bởi màu vàng nâu kết hợp với những dải màu đen rõ nét. Nhìn bề ngoài thì nó giống với những loài ong khác bởi kích thước nhỏ bé, chỉ dài khoảng 5 mm.

    Mẹ con gái lớn thì bắt đầu thấy sợ vì đã có lần bị ong chích, mấy tháng sau vẫn còn đau nên nhất quyết nói rằng ong là loài côn trùng mà mình nên tránh xa. Có vẻ bên đối kháng chưa tin nên chúng tôi đã tìm và bắt về một con cào cào sống để bỏ chung vào hủ thủy tinh với con ong.

    Chuyện xảy ra tiếp theo làm cả nhà chúng tôi ngỡ ngàng muốn bật ngửa. Bốn cái đầu chụm lại quan sát việc con ong làm tê liệt con mồi bằng cách châm nọc độc nhiều lần vào phần kẽ cổ nơi có thịt duy nhất của con cào cào để phá vỡ hạch thần kinh. Một hành động chính xác không thể sai lầm, kỹ xảo siêu việt được dẫn dắt bởi linh cảm vô thức. Đó chính là bản năng của chúng.

    Cha con nhà kia vẫn chưa tâm phục nha; kỳ nầy mẹ con tôi đi bắt một con sâu bỏ vào; bỏ con cào cào đã bị tiêm chất độc làm tê liệt kia ra ngoài (thật ra nó chưa chết, nó chỉ bị tê liệt vì nọc độc của ong thôi và nó chính là thức ăn cho ấu trùng ong đất, một thức ăn tươi nguyên trong chuỗi tuần hoàn khi ong đất đâm nọc độc và đem nó về tổ.)

    Chúng tôi tiếp tục bắt một con sâu bỏ vào chung với con ong đất, nó không hề đếm xỉa tới con sâu vì đó không phải là thức ăn trong chuỗi thức ăn tuần hoàn.

    Chúng tôi lại  bỏ con sâu ra rồi bắt một con cào cào khác, ngắt đầu của nó bỏ vào hủ của con ong. Nhưng hành động kỳ nầy của con ong đất rất kỳ quặc, vì mọi chuyện đã đi chệch với quỹ đạo thông thường là con ong sẽ tìm chỗ ngách cổ của con cào cào để tiêm nọc độc nhưng cái đầu của con cào cào đã bị ngắt bỏ, con ong hoang mang; nó bay vù vù trong lọ, đụng đầu côm cốp vào thành lọ cho đến khi mệt lả rồi nằm im lìm.

    Loài côn trùng cánh màng đã trình diễn một nghệ thuật hạ sát con mồi mà ngay cả những người thông thạo giải phẫu cũng khó lòng bì kịp. Với bản năng, không có gì là khó khăn miễn là hành vi đó không vượt quá vòng tuần hoàn bất biến  mà loài động vật nắm giữ; tương tự nếu vượt qua quỹ đạo thông thường  thì với bản năng, không có gì là dễ dàng cả.

    Mới vừa ngày trước, chúng tôi đã rất kinh ngạc vì độ khôn khéo khi con ong đất biết dùng nọc độc để chèn ép lên bộ não con mồi để khiến nó tê liệt tạm thời, giờ đây trông nó thật ngốc nghếch  trước một tình huống cực kỳ đơn giản nằm bên ngoài tập tính, điều đó vượt qua cái gọi là bản năng của nó.

    Sau khi cho hai đứa con gái nhìn thấy thí nghiệm nhỏ trên, tôi hỏi “Trong hai đứa có ai nghĩ mình là động vật bậc cao nữa không? Vì đã rất nhiều lần các con về nói lại rằng thầy cô dạy con người là động vật bậc cao.”

   Hai đứa lắc đầu.

   Tôi tiếp “Hãy giải thích cho cái lắc đầu đó.”

    Con gái lớn trả lời “Con người sẽ có hàng trăm cách để xử lý một tình huống và mỗi người sẽ có cách khác nhau tùy theo trí tuệ của từng người.”

    Con gái nhỏ thì nhỏ nhẹ hơn “Nếu nói con người là động vật bậc cao thì thật ra họ mâu thuẫn chính trong lời nói, con người có linh hồn, chính họ đang tự hạ thấp chính mình vì động vật cũng chỉ là động vật và nó chỉ có bản năng, không thể so sánh được vì chỉ có con người mới có trí tuệ mà thôi.”

   Tôi tạm dừng câu chuyện này tại đây, vì tôi muốn viết nó thành một câu chuyện nhiều kỳ. Tôi hi vọng những đứa con của mình (cả con ruột và rất nhiều đứa con nuôi khác) sẽ được kể đến trong những câu chuyện sắp tới.

    Tôi mong muốn mỗi đứa trẻ hãy quan sát thế giới thần kỳ nầy bằng chính đôi mắt đặc biệt, nhạy cảm của mình. Hãy khám phá hoa cỏ, sâu bọ, động thực vật và đặt câu hỏi về chúng; trí tò mò sẽ dẫn chúng đến tình yêu của Đấng Tạo Hóa đã tạo ra tất cả những điều đẹp đẽ cho con người thưởng ngoạn và sử dụng…

Tác giả: HẢI YẾN 

Bài trướcThờ phượng Chúa (CN-13-2-22)
Bài tiếp theoCẦU NGUYỆN CHO KẺ THÙ-12/2/22