“Hãy nhìn xem cơ nghiệp hạnh phúc của một Cơ Đốc nhân! Để đạt được những điều tốt đẹp nhất, người ấy phải nhận những điều tệ hại nhất trước.” Charles Spurgeon
Khi màn đêm buông xuống, bóng tối phủ che điều chúng ta nhìn thấy khi còn ban ngày. Khi màn đêm bất ngờ xâm chiếm tâm hồn, bóng tối sẽ bao trùm lên hết thảy. Mục đích của nó là khiến chúng ta không còn nhìn thấy bản thân mình nữa và chỉ có thể thấy một mình Đức Chúa Trời.
Có lẽ gia đình các cô của tôi hiểu rõ kinh nghiệm ấy trong những ngày gần đây. Những ngày phải tiếp tục gánh chịu nỗi đau chia xa một người trong gia đình. Các cô nhắn cho chúng tôi biết trong đêm rằng “Cô Năm đã về với Chúa rồi.” Trong đêm ấy, có những thời khắc bóng tối sẽ che mất đi điều các cô nương cậy, vì khi gặp thử thách, mỗi người sẽ bước đi như thể bị bịt mắt, sẽ chẳng thấy gì hết nhưng các cô đã chọn lựa việc tin cậy Chúa, tin cậy dù không có chút manh mối nào-thực tế có khi còn mờ mịt hơn.
Gia đình các cô tôi đã thấy mình cô đơn trong đêm tối đến ba lần trong vài năm nay. Ba lần chia tay người thân trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, chắc rằng các cô đã rất cô đơn, tôi hy vọng trong đêm tối của tâm hồn lúc đó, các cô được gặp gỡ Chúa cách gần gũi và nhận được lời hứa từ Chúa “Ta ở cùng ngươi. Ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi Ta làm xong những điều Ta đã hứa cùng ngươi.”
Trong Kinh Thánh, có lẽ Gia-cốp là người kinh nghiệm rõ nhất điều nầy. Hai lần ông thấy mình cô đơn trong đêm tối và được gặp gỡ Đức Chúa Trời cách mật thiết. Cả hai lần ấy đều xảy ra khi ông đang chạy trốn. Lần thứ nhất, khi ông chạy trốn khỏi cơn phẫn nộ của anh trai mình và lần thứ hai là cuộc chạy trốn khỏi sự xảo quyệt của ông cậu. Hai lần gặp gỡ với Đức Chúa Trời được lưu danh muôn thuở bằng những cái tên Gia-cốp đặt cho chỗ họ gặp nhau. Tại Bê-tên, Gia-cốp xưng nhận sự thờ ơ của mình. Tại Phê-ni-ên, ông bày tỏ lòng biết ơn. Tại cả hai nơi, Gia-cốp kinh nghiệm sự kính sợ tràn ngập con người ông, ông đã được ở trong sự hiện diện của Chúa, ông đã thấy Chúa mặt đối mặt. Con người hay chết gặp Đấng bất diệt. Con người hữu hạn bất ngờ gặp Đấng vô hạn.
Tên Gia-cốp có nghĩa thô tục là người nắm gót. Ông là đứa thứ hai nhưng lại tranh ra trước. Hoàn cảnh ra đời của ông đã trở thành thương hiệu cho cuộc đời ông. Ngay từ sớm Gia-cốp đã bộc lộ bẩm chất nắm gót của mình. Đầu tiên ông lừa sự yếu đuối của Ê-sau để có được quyền trưởng nam bằng một ít bánh và canh phạn đậu (Sáng-thế-ký 25: 29-34).
Lần thứ hai, Gia-cốp lừa Ê-sau để cướp phước lành. Ông giả làm Ê-sau để được người cha mắt kém chúc phước vì là con trưởng (Sáng-thế-ký 27: 1-40).
Trong cả hai trường hợp, Gia-cốp đã giành lấy những thứ không phải của mình. Ông đã lợi dụng sự thiếu khôn ngoan và thận trọng của Ê-sau nhưng ông không tính đến khả năng Ê-sau nổi giận và trả thù. Ê-sau đã thề giết em mình.
Gia-cốp đã phải trốn khỏi nhà để bắt đầu cuộc hành trình 500 dặm (805 km) từ Bê-e-sê-ba đi về hướng đông bắc tới Cha-ran. Một cuộc chạy trốn luôn khiến người ta thấy bất định và đầy lo lắng. Đối với Gia-cốp còn tệ hại hơn bởi đoạn đường dài, cộng với sự mệt mỏi của thể xác và hao mòn về tinh thần. Chắc rằng một số người trong chúng ta, những người ‘đang trong thời kỳ quá độ’ đều sẽ có trải nghiệm giống như Gia-cốp. Chúng ta có thể đang phải di chuyển từ nơi nầy sang nơi khác, bị đưa khỏi môi trường thân thuộc hay bị đẩy vào những chuyện tưởng chừng như không thể chịu đựng nỗi… sự thay đổi luôn khiến chúng ta bối rối không yên và tình trạng còn tệ hơn khi đó là sự thay đổi đột ngột.
Suy nghĩ nhiều sẽ có chiêm bao nên chẳng có gì lạ khi Gia-cốp nằm chiêm bao. Điều ông thấy trong giấc chiêm bao hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh hiện tại. Ông đang nằm ngủ với cái gối đá ngoài trời trong bóng đêm và lạnh lẽo.Cảnh vật xung quanh yên ắng và tĩnh mịch. Trong mơ, ông thấy một cái thang bắt lên đến tận trời và các thiên sứ của Đức Chúa Trời đi lên đi xuống. Trong Kinh Thánh, các thiên sứ luôn luôn được xem là các hữu thể của sự sáng. Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh di chuyển của các thiên sứ, sự chói sáng của họ và sự vinh hiển của thiên đàng toả ra. Điều Gia-cốp thấy là một thế giới khác với thế giới mà ông đang sống.
Nhưng khải tượng ấy có nghĩa gì? Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời thường phán với con người qua những hình ảnh. Như Môi-se thấy một bụi gai cháy trong sa mạc. Áp-ra-ham được bảo nhìn các ngôi sao trên trời. Ê-li-sê được đứng trước một cơn bão, một cơn động đất và một ngọn lửa. Gia-cốp thì được Chúa cho thấy một cái thang, một cái thang của thiên đàng và các thiên sứ đi lên đi xuống trên đó. Điều đó có ý nghĩa gì?
Chúa Jesus từ trời xuống thế gian và khi lìa thiên đàng, Ngài đã để cửa mở-vì vậy các thiên sứ đi lên đi xuống giữa thiên đàng và trần gian. Hình ảnh ấy cho thấy mối liên hệ giữa trời và đất, giữa Đức Chúa Trời và loài người. Nó nói lên tín lý quan trọng của sự nhập thể: Đức Chúa Trời trở thành người và sống giữa vòng loài người y theo lời sứ đồ Giăng đã tuyên bố ngay từ đầu Phúc Âm Giăng “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha (Giăng 1:14).
Gia-cốp đã nhìn thấy điều mà Đức Chúa Trời đã làm qua Chúa Jesus khi Ngài đến thế gian làm người. Thế nhưng tại sao Đức Chúa Trời lại cho Gia-cốp thấy một giấc mơ như vậy? Trong khi ông đang chạy trốn? Một kẻ chạy trốn sẽ luôn thấy mình cô độc, không dám tin ai, ông cảm thấy mình bị bỏ rơi. Trong mơ, Chúa phán với Gia-cốp rằng ông không bị bỏ rơi, ông không cô đơn. Đức Chúa Trời đã mở của thiên đàng thì gia-cốp có thể lên thiên đàng và Đức Chúa Trời có thể xuống với ông.
Thực ra, khoảng cách giữa Gia-cốp và Đức Chúa Trời chỉ cách có một lời cầu nguyện mà thôi. Gia-cốp cần biết điều nầy biết bao trong thời điểm đó. Chúng ta cũng cần nhớ lại điều nầy biết bao khi chúng ta rơi vào khủng hoảng, cảm thấy như Chúa bỏ rơi chúng ta. Sự thật đáng buồn là lúc đó chúng ta không biết cách cầu nguyện. Chúng ta chỉ cầu nguyện lúc bình yên, những lời cầu nguyện mẫu, những lời cầu nguyện theo thói quen, những lời cầu nguyện mà dù có được nhậm hay không cũng không quan trọng.
Chúng ta có biết cầu nguyện trong nghịch cảnh không? Chúng ta có biết cần phải nói gì và có chắc rằng Chúa nghe thấy lời cầu nguyện của mình không? Trong lúc tuyệt vọng, chúng ta sẽ thấy vốn từ trong những lời cầu nguyện mẫu thật không phù hợp. Lúc đó chúng ta mới thấy lượng đức tin của mình sao mà thiếu thốn. Lúc đó chúng ta cần phải nhìn lên và thấy, giống như điều Gia-cốp đã kinh nghiệm, một cái thang lên đến tận trời và các thiên sứ đi lên đi xuống trên thang. Đó là khi Chúa phán bảo với chúng ta rằng “Con không cô đơn đâu.”
Gia-cốp đã không chỉ thấy cái thang mà ông còn nghe thấy Chúa đứng trên đầu thang đang phán với ông (Sáng-thế-ký 28: 13-15).
Đức Chúa Trời nhắc lại giao ước mà Ngài đã lập với cha và ông nội của ông là Y-sác và Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời không quên.
Để không đoán xét người khác, chúng ta cần nhớ rằng không ai trong chúng ta thực sự xứng đáng với ơn phước của Đức Chúa Trời. Chúng ta thảy đều là tội nhân. Có thể chúng ta không phạm cùng tội như Gia-cốp nhưng chúng ta đều đã phạm tội và điều đó khiến chúng ta trở thành tội nhân như Gia-cốp. Bởi ân điển, Đức Chúa Trời đã phán với Gia-cốp và hứa ban cho ông điều mà Ngài đã thề hứa với Áp-ra-ham.
Khi Gia-cốp nằm ngủ, ông không biết rằng Đức Giê-hô-va hiện diện bên cạnh mình nhưng khi thức dậy thì ông biết.Chúng ta cũng thường không để ý đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đơn giản vì chúng ta quên, cũng như quên mất mặt trời đang soi sáng và duy trì sự sống cho muôn loài trên đất. Đã bao lần chúng ta nhìn lên trời và nói rằng “Thật vui vì mặt trời vẫn còn ở đó”. Chúa lúc nào cũng ở bên chúng ta dù chúng ta có nhận biết hay không. Thật ra chỉ cần mở mắt thì chúng ta sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi.
Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta đã đánh mất đi nhận thức nầy khá nhiều. Chúng ta chỉ nhìn thấy Chúa trong những thứ được gọi là vật ‘thánh’. Chúng ta chỉ thấy Chúa trong các dịp gọi là ‘thánh lễ’. Nhưng giống như Gia-cốp, chúng ta cần phải nói rằng “Đức Chúa Trời có hiện diện nơi đây mà tôi không biết.”
Cô Tư của tôi là một người rất đơn thuần trong suy nghĩ, ở nhà cô phụ trách phần nấu nướng cho gia đình, cô rất yêu mến Chúa cách đơn sơ đến nỗi cô tin rằng giữa những tiếng lanh canh của nồi niêu xoong chảo, cô cũng cảm nhận được sự hiện diện của Chúa nhiều như khi cầu nguyện trong nhà thờ vậy. Điều đó có là một nhận thức mới cho bạn, cho tôi không? Hãy trông mong nơi Chúa trong những điều bình thường nhất của cuộc sống, tìm kiếm Chúa tại những nơi thông thường và cứ tập luyện như vậy. Gia-cốp cần biết Đức Chúa Trời đang hiện diện bên cạnh ông. Có lẽ chúng ta ngày nay là những người đang trải qua sự quá độ cần biết điều nầy hơn bất kỳ điều gì khác. Khi bước sang chương mới của cuộc đời, chúng ta cần được đảm bảo và hướng dẫn. Khi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, chúng ta cần sự đảm bảo về sự hiện diện của Chúa với chúng ta. Khi không biết tiếp theo mình phải làm gì, đi đâu chúng ta cần sự hướng dẫn từ nơi Chúa. Thông thường chúng ta muốn Chúa nói rõ ràng cho chúng ta biết chính xác điều sẽ xảy ra và Ngài muốn chúng ta làm gì. Nhưng Chúa không nói cho Gia-cốp và chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cả, Ngàichỉ đảm bảo rằng “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu sẽ theo gìn giữ đó.”
Trong những ngày đi dự tang lễ, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy từ Sài Gòn về Bến Tre và ngược lại. Tôi không biết đường đi, chỉ chạy theo xe của một người em, tôi tin em ấy sẽ đưa tôi về đến nơi tôi muốn vì đó là một người tôi tin cậy. Em ấy chạy đường nào thì tôi chạy ngay sau lưng, tôi hoàn toàn đặt mình trong tay em ấy. Có thể tôi không biết em ấy đang chạy đi đâu nhưng tôi biết tôi sẽ về tới đích muốn đến khi theo sau em ấy.
Trong mối liên hệ với Chúa cũng vậy. Chúng ta ước gì mình có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng ta cầu hỏi sự hướng dẫn và chỉ bảo cách rõ ràng nhưng chúng ta có thật sự cần phải biết hết mọi chuyện không? Chỉ cần Chúa đảm bảo với chúng ta rằng Ngài vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta là đủ rồi. Một khi đã có sự đảm bảo ấy, chúng ta có sự bình an để bước đi trong đức tin. Chúng ta trao phó đời mình trong tay Chúa và tin rằng Ngài sẽ đưa chúng ta tới nơi an toàn. Lời bảo đảm phải có trước sự hướng dẫn.
Cuối cùng, điều chúng ta cần là một tầm nhìn xa. Chúng ta bận tâm đến những việc trước mắt nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy xa hơn thế. Đức Chúa Trời có một mục đích cao hơn cho từng người trong chúng ta “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài. Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài.” (Rô-ma 8: 28-29). Mục đích cuối cùng của Đức Chúa Trời là tái tạo chúng ta nên hình bóng Con Ngài-là Chúa Jesus, để chúng ta được nên giống Ngài. Mục đích của Đức Chúa Trời không phải là khiến chúng ta hạnh phúc mà là khiến chúng ta nên thánh-giống như Chúa Jesus.
Những thử thách, mất mát trong cuộc đời là một chuyển tiếp trong đời sống; là cơ hội tuyệt vời để trưởng thành.Giống như Gia-cốp, chúng ta có sự đảm bảo về sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần có cái nhìn về mục đích của Chúa. Khi bóng đêm ập đến và linh hồn chúng ta khổ sở trong sự tối tăm, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng nếu có Chúa ở bên cạnh thì mọi việc đều ổn-dù chúng ta không biết hết mọi câu trả lời. Chúng ta cũng sẽ nhận biết rằng dù chúng ta có yêu đuối và sai lầm đến đâu đi nữa thì Chúa vẫn sẽ hoàn tất mục đích Ngài đã định cho chúng ta-bất chấp chúng ta có muốn hay không.
Trong đêm tối của tâm hồn, bóng đêm sẽ bao trùm chúng ta. Nhưng khi bình minh ló dạng, ánh sáng sẽ cho chúng ta thấy Đức Chúa trời vẫn hằng ở bên chúng ta.
THIÊN QUỐC-BUÔN MA THUỘT