THEO ĐUỔI SỰ THANH LIÊM-6/3/23

309

 

Kinh Thánh: Châm-ngôn 19:1

Câu gốc: “Thà người nghèo khổ ăn ở thanh liêm, Còn hơn là kẻ có môi miệng gian tà và là một kẻ ngây dại.”

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn dùng hai hình ảnh so sánh tương phản nào ở câu châm ngôn này? Sự so sánh này đưa đến lẽ thật nào? Vì sao lẽ thật này lại quan trọng và cần thiết cho nếp sống Cơ Đốc?

 Cuộc đời là một chuỗi của những chọn lựa. Có những chọn lựa cần thiết nhưng không cấp thiết, và có những chọn lựa vô cùng quan trọng, như trong câu châm ngôn này, đó là chọn lựa cách “ăn ở”, nguyên ngữ là “bước đi”, nói đến một lối sống, một định hướng, một sự thực hành liên tục mỗi ngày.
Vua Sa-lô-môn đưa ra lời khuyên để có được cuộc sống khôn ngoan và được Chúa ban phước, đó là hãy theo đuổi sự thanh liêm. Từ ngữ được dịch là “thanh liêm” (Châm-ngôn 2:7; 10:9, 29; 13:6; 20:7; 28:6; so với 29:10) mô tả sự dâng hiến trọn vẹn và hoàn toàn bản thân mình cho Đức Chúa Trời, dẫn đến việc hết lòng theo Chúa và không bao giờ bỏ cuộc trong việc tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời trong mọi lĩnh vực của đời sống mình. “Thanh liêm” không có nghĩa là hoàn hảo về đạo đức nhưng là sự phục tùng trọn vẹn và hết lòng đối với Đức Chúa Trời.
Vua Sa-lô-môn dùng hai vế so sánh tương phản nhau: “người ăn ở thanh liêm” với “kẻ có môi miệng gian tà”; và “người nghèo” với “kẻ ngây dại”. Sự so sánh tương phản này cho thấy nếu “kẻ có môi miệng gian tà” là “kẻ ngây dại” thì ám chỉ “người ăn ở thanh liêm” là người khôn ngoan. Và nếu người “ăn ở thanh liêm” là “nghèo khổ” thì ám chỉ “kẻ ngây dại” là người giàu nhờ dùng “môi miệng gian tà” (Châm-ngôn 28:6). Sự so sánh này không có ý nói nghèo khổ tốt hơn giàu có, nhưng nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức. Giàu không có gì là xấu nhưng nỗ lực để làm giàu bất chấp những tiêu chuẩn đạo đức là xấu, trong trường hợp này thà nghèo khổ thì tốt hơn, phẩm chất đạo đức quan trọng hơn sở hữu của cải.
Dù hành trình đời sống của người khôn ngoan có thể vướng phải bẫy dò bởi những lời nói “gian tà” của “kẻ ngây dại” – là “ngây dại” về sự khôn sáng, mà lại rất khôn lanh về sự gian ác – nhưng người khôn ngoan, người kính sợ Chúa, người sống cuộc đời thánh khiết vẫn có kết quả tốt hơn “kẻ ngây dại” (Châm-ngôn 20:7) vì không có sự dối trá, gian tà nào có thể che giấu mãi mãi. Người bước đi cách “thanh liêm” có thể trải qua sự nghèo khó và khốn khổ trong đời này, nhưng người giàu có mà không có đạo đức, không kính sợ Chúa thì sẽ chịu sự khốn khổ muôn đời. Vì vậy, chúng ta hãy bước đi bằng đức tin, đừng bước đi bằng mắt thấy (II Cô-rinh-tô 4:18), hằng ngày đầu tư cho nếp sống theo đuổi sự thanh liêm và kính sợ Chúa. Đừng để danh, lợi, quyền đời này cám dỗ mà ngày cuối cùng bị Chúa phán là kẻ gian tà!

Bạn đang đầu tư cho nếp sống thanh liêm như thế nào?

Lạy Chúa, giữa cuộc đời đầy những cám dỗ về danh, lợi, quyền, xin Chúa giữ con trong con đường ngay thẳng, giúp con vững bước trong việc tìm kiếm những giá trị thuộc linh cao trọng và còn đến đời đời.

Nguồn: httlvn.org

Bài trướcThờ phượng Chúa (CN-5-3-23)
Bài tiếp theoCÁO PHÓ: ÔNG CAO VĂN ẨN