“Trong cuộc chạy đua, loài người không hề đơn độc trên cõi đời nầy.”
Đó là lời của đô đốc Richard Byrd khi ông thoát khỏi ranh giới của sự sống và cái chết. Năm 1934, ông đã phải sống năm tháng trong một lán trại bị chôn vùi dưới đống băng tuyết Ross Barrier ở sâu dưới vùng cực. Có lẽ lúc đó ông là sinh vật duy nhất từ Phương Nam đến mà sống sót (nhiệt độ thông thường nơi đây làâm 61 độ C). Những cơn bão tuyết rầm rú trên đầu, nhiệt độ luôn dưới âm 63 độ C và ông phải sống trong những đêm dài triền miên. Không dừng lại ở đó, ông phát hiện ra rằng mình đang dần bị đầu độc bởi chính chất Carbon dioxit thoát ra từ bếp lò của mình. Ông có thể làm gì được đây? Trạm cứu hộ gần nhất cũng cách xa 123 dặm và không thể nào cứu ông được, ít nhất là sau vài tháng. Ông cố gắng chữa bếp lò và hệ thống quạt thông hơi nhưng khí độc vẫn thoát ra. Nhiều lần ông bị nghẹt thở và bất tỉnh. Ông không thể ăn, không thể ngủ, ông yếu tới mức không thể chui ra khỏi hầm. Ông luôn lo sợ rằng mình sẽ không thể sống sót được cho đến ngày mai. Ông nghĩ rằng mình sẽ chết ngộp trong lán trại và thân xác ông sẽ bị chôn vùi dưới đống tuyết phủ.
Nhưng điều gì đã khiến ông sống sót để có thể kể lại trong cuốn tự truyện của mình cho độc giả biết?
Một ngày nọ, trong nỗi tuyệt vọng vô bờ, ông đã lấy nhật ký ra và cố ghi phương châm sống của mình “Trong cuộc chạy đua, loài người không hề đơn độc trên cõi đời nầy.” Ông nghĩ về những vì sao trên trời, về cách sắp xếp theo thứ tự của các hành tinh, về việc làm sao mặt trời có thể chiếu rọi nhân gian mà không bao giờ tắt và rồi ông nhận ra rằng mình không đơn độc.
Việc nhận ra rằng mình không đơn độc ngay trong hầm tuyết sâu gần như là cực điểm của trái đất đã cứu sống đô đốc Richard Byrd. Chính điều đó đã giúp ông vượt qua tất cả. Trong chúng ta có sức mạnh tiềm ẩn mà chúng ta chưa bao giờ từng sử dụng. Richard Byrd đã học được cách khơi dậy nguồn sức mạnh đó và sử dụng nguồn sức mạnh đó bằng cách hướng tới Chúa.
Chúng tôi nhận ra điều tương tự khi phải đối mặt với một người hàng xóm mà xung quanh ai cũng ngao ngán. Sự việc vừa xảy ra vài ngày khi chúng tôi bắt đầu xây dựng bờ tường xác định phần đất của mình cũng như bảo vệ ngôi nhà cho an toàn. Chúng tôi không hề hay biết trước đó là người chủ cũ có lấn đất của ông hàng xóm hay không, nhưng khi chúng tôi mời bên địa chính xuống đo đạc và xác định ranh giới thì ông hàng xóm rất hung tợn và chỉ vào mặt chúng tôi với hành động đưa bàn tay ngang cổ xẹt một cái kèm theo lời nói “không để yên đâu”. Chúng tôi và bên địa chính chỉ vào sổ đỏ và giải thích rằng chúng tôi chỉ lấy đủ phần đất ghi trong giấy tờ chứ không hề có ý lấn đất của ông ấy. Nhưng ông gạt ngang và bỏ đi. Chúng tôi thoả thuận với bên địa chính rằng sẽ tự động dời ranh giới đất vô, không phải là sợ ông ấy vì đã có pháp luật bảo vệ chúng tôi căn cứ trên giấy tờ đầy đủ, nhưng vì mối quan hệ giữa con người với nhau, chúng tôi coi trọng tình nghĩa làng xóm hơn phần đất phải mất.
Những người xung quanh đứng xem và nói rằng chỉ trong vài giây quyết định chúng tôi đã mất 70 triệu.
Nhưng chuyện gì đã xảy ra sau việc chúng tôi lùi ranh giới?
Mỗi ngày chúng tôi cầu nguyện và dâng nan đề lên cho Chúa, chúng tôi xin cho tấm lòng ông ấy mềm mại, biết quay lại tin thờ Chúa vì ngôi nhà chúng tôi xây dựng cũng sẽ dành cho người Ê Đê sau nầy, làm mục vụ giúp đỡ cho chính ông ấy và đồng bào tại đây, chớ chúng tôi không có ý định nào khác.
Chiều tối hôm qua, chúng tôi đang đi bộ qua một đoạn đường không có đèn đường thì ông ấy chạy ngang qua với hơi men phảng phất; vừa lúc chúng tôi đi tới thì ông lại cán vào một khúc cây mà ai đó đã rơi ra trên đường khi chở củi từ rẫy về. Ông dừng lại và hỏi “quăng cây vào xe tôi đấy à?” Tôi hơi bất ngờ về tình huống ấy vì đâu lại ra trường hợp trùng khớp đến vậy? Tôi vội xua tay và giải thích ai đó đã làm rơi cây trên đường và vì không có đèn đường nên ông đã cán phải nhánh cây nên nhánh cây đã bật ngược lên xe ông.
Ông ngoắc chúng tôi lại, tôi hơi sợ vì mấy ngày trước ông đã hăm he ghê lắm. Nhưng ông nói rằng ông đã nóng tính và gây phiền cho chúng tôi vì chủ trước của mảnh đất đã lấn đất của ông. Ông xin lỗi. Chồng tôi đã mời ông Chúa nhật gặp lại tại nhà thờ trong buôn. Ông gật đầu đồng ý rồi bắt tay xin lỗi lần nữa.
Chúng tôi đã kể lại sự việc cho các anh em trong buôn nghe và họ rất ngạc nhiên vì ai cũng xa lánh ông ấy bởi tính cách ngang ngược hồi giờ. Chúng tôi nói rằng chúng tôi không đơn độc trong cuộc hành trình mà mình đã chọn. Dẫu trong mắt người khác, chúng tôi đang làm một việc “Mơ giữa ban ngày” nhưng trước mặt Chúa, chúng tôi đã hứa nguyện và nhận lãnh trách nhiệm tại đây. Chúng tôi có Chúa ở cùng. Chúng tôi không đơn độc.
Khi nhìn lại điều này, tôi thấy mình thật vui sướng. Chúng tôi chỉ mất đi một chút đất nhưng lại có thêm một linh hồn cho thiên đàng. Tại sao đặt niềm tin vào Chúa thì chúng tôi lại cảm thấy thanh thản và bình yên đến vậy? Tôi sẽ trích lời của William James (nhà tâm lý học, triết học có ảnh hưởng nhất đến văn hoá Mỹ đương đại) để chứng minh điều nầy “Những ngọn sóng hỗn loạn trên mặt nước sẽ khiến đáy đại dương biến động. Và con người khi đó cần có tổ chức cũng như chấp nhận hiện thực một cách rõ ràng hơn. Những giờ phút thăng trầm của định mệnh sẽ dường như không còn đáng kể nữa. Người có Chúa thật sự làm chủ đời sống chính là người giữ được sự điềm tĩnh, thanh thản đón chờ những sứ mệnh sẽ tới lúc sớm mai.”
Nếu như bạn đang lo lắng và sợ hãi, tại sao bạn không tìm đến Chúa? Tại sao bạn không chấp nhận một niềm tin nơi Chúa bởi cái bạn đang cần chính là niềm tin đó? Tại sao bạn không liên kết với Đấng đã tạo dựng toàn cõi vũ trụ nầy và Ngài cũng đang điều khiển vũ trụ chuyển động.
bạn không phải là một người theo đạo và thậm chí bạn đang theo chủ nghĩa hoài nghi. Vậy bạn có muốn thử cầu nguyện với Chúa một lần? Bạn có biết lời cầu nguyện chứa đựng trong nó ba nhu cầu về tâm lý học cơ bản mà bất cứ người nào cũng cần phải có.
Trong Thế Chiến thứ II, tại một trại tập trung ở Đức, quân phát xít đã ném một quyển Kinh Thánh xuống đất và nói với những người Do Thái đang sợ hãi rằng “Các ngươi ai muốn sống thì hãy phun nước miếng lên quyển Kinh Thánh nầy, sau đó đứng vào đội của người sống sót bên phải; ai không muốn sống thì khỏi phun nước miếng lên cuốn Kinh Thánh, sau đó hãy đứng vào đội của người chết phía bên trái.”
Người đàn ông đầu tiên được gọi đến trước cuốn Kinh Thánh. Ông ta đưa hai tay ôm lấy quyển Kinh Thánh đặt trước ngực tỏ vẻ tôn kính, miệng đọc một tràng những lời cầu nguyện với vẻ mặt nhăn nhó “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, con là kẻ có tội”.Cầu nguyện xong, ông ta đặt quyển Kinh Thánh xuống đất, phun nước miếng lên rồi đứng vào đội sống sót bên phải.
Tiếp theo đó, bất kể đàn ông hay phụ nữ đều lặp lại hành động như người đầu tiên. Quân phát xít lấy làm thoả mãn.
Lúc nầy, đột nhiên có một cô bé người Do Thái khoảng tám tuổi, tên là Esther đi qua đám đông, bước đến trước mặt quân phát xít. Cô bé ôm lấy quyển Kinh Thánh bị phun đầy nước miếng vào người, dùng mái tóc của mình lau đi những giọt nước dơ bẩn trên cuốn Kinh Thánh rồi hai tay nâng quyển Kinh Thánh lên áp vào mặt mình mà lớn tiếng cầu nguyện “Xin Chúa hãy tha lỗi cho họ. Cầu xin Chúa chấp nhận linh hồn con”. Sau đó, cô bé đứng sang bên trái, một mình bên đội người chết.
Người tiếp theo bước lên phun nước miếng lên quyển Kinh Thánh vừa được Esther lau sạch và đứng về bên phải.
Đến lượt cậu bé mười tuổi tên David bước ra. Cậu học theo hành động của Esther, dùng mặt mình lau sạch những vệt nước miếng trên quyển Kinh Thánh, thành kính cầu nguyện rồi đứng chung bên trái với Esther. Cậu bé nắm chặt tay Esther, mỉm cười nói “Dưới Chúa, bạn không đơn độc.”
Giờ hành hình đã đến, quân phát xít cười man trá rồi điên cuồng xả súng vào đội bên phải, nơi mà những người đã giằng xé lương tâm để chọn sự sống. Họ không ngờ mình đã bị lừa dối trắng trợn, rồi tuyệt vọng gục ngã.
Sau đó họ bước đến trước mặt David và Esther, giơ tay biểu đạt sự kính trọng. Esther và David nắm chặt tay nhau đối mặt với tiếng súng, mỉm cười gục ngã xuống trong máu và cả nước mắt của tất cả những người biết đến câu chuyện nầy.
Đối mặt với thế lực khủng bố tàn ác, không ai có cơ hội sống sót. Thoả hiệp cũng không thể cứu được bạn. Mặc dù không thể lựa chọn sống hay chết nhưng bạn có thể lựa chọn mình chết như thế nào? Kinh Thánh sách Hê-bơ-rơ chương 12 câu 1 chép rằng “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta.”
Hãy chú ý là mỗi chúng ta có một cuộc đua dành riêng cho mình và chúng ta không đơn độc. Đừng so sánh mình với người khác, thay vào đó hãy nhắm mục đích mà chạy để giựt giải về sự kêu gọi mà Chúa đã dành riêng cho mỗi chúng ta.
Một người đơn độc có thể dễ dàng bị đánh gục nhưng với người có sức mạnh của Chúa che chở thì không bao giờ bị gục ngã. Kinh Thánh sách Ma-thi-ơ chương 7 câu 7 có chép “Hãy hỏi xin, bạn sẽ nhận được điều bạn muốn. Hãy tìm, rồi bạn sẽ thấy. Hãy gõ cửa và cửa sẽ mở ra trước mắt bạn.”
Chúa đã ban cho chúng ta sự bình thản để chấp nhận những điều mà chúng ta không thể thay đổi, lòng dũng cảm để thay đổi những gì mà chúng ta có thể làm được và sự khôn ngoan để biết được những sự khác biệt giữa các vấn đề.
Hãy nhớ rằng “Dưới Chúa, chúng ta không đơn độc.”
Daklak, 15/05/2022
HẢI YẾN