KHI KHẢI TƯỢNG ĐƯỢC LẶP LẠI-11/6/22

475

 

Kinh Thánh: Đa-ni-ên 8:1-12

Câu gốc: “Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh…” (Khải Huyền 2:17a).

Câu hỏi suy ngẫm: Khải tượng trong chương 8 tương ứng với phần nào trong khải tượng chương 2 và 7? Vì sao Chúa dùng nhiều khải tượng khác nhau để rao truyền một thông điệp gần như giống nhau? Chúa đã dùng nhiều cách khác nhau như thế nào để nhắc bạn một điều gì đó?

 Trong chương 2, Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã thấy một khải tượng về một pho tượng kỳ lạ. Hơn 50 năm sau, chính Tiên tri Đa-ni-ên đã nhận được khải tượng với thông điệp tương tự về bốn con thú lớn, cũng đại diện cho bốn vương quốc thống trị khắp đất (chương 7). Và hai năm sau đó, “năm thứ ba đời vua Bên-xát-sa”, Tiên tri Đa-ni-ên ghi lại sự hiện thấy “sau sự hiện thấy đã tỏ ra cho ta khi trước” (câu 1) về con chiên đực và dê đực. Tại sao một khải tượng gần như giống nhau về thông điệp lại được nhắc lại đến ba lần trải dài trong khoảng thời gian hơn 50 năm như vậy?
Thật thú vị khi người nhận khải tượng trong chương 2 là Vua Nê-bu-cát-nết-sa. Và cũng thật thú vị, vị vua này không thể nhớ cũng không thể hiểu được khải tượng ấy. Điều đó tạo cơ hội cho Tiên tri Đa-ni-ên tìm biết và giải nghĩa được điềm chiêm bao. Do chương 2 và 7 được viết bằng tiếng A-ram, ngôn ngữ thịnh hành trên thế giới thời bấy giờ, nên qua đó cả đế quốc Ba-by-lôn đều nhận được thông điệp Chúa muốn chuyển tải.
Năm mươi năm, hai đối tượng nhận những khải tượng khác nhau nhưng với một thông điệp gần như giống nhau. 50 năm trước, khi dân Giu-đa mới bắt đầu cuộc lưu đày, Đức Chúa Trời muốn cho vị hoàng đế và toàn đế quốc của ông biết rằng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mới thật sự là Vua trên các vua, là Đấng lập và hạ các vua xuống. Ngoài ra, chương 2 kết thúc bằng việc vua lập Tiên tri Đa-ni-ên lên làm vị quan cao trọng trong triều của ông, đó chẳng phải là một lời khích lệ cho lòng dân Y-sơ-ra-ên đang nao sờn vì tưởng rằng Chúa đã từ bỏ họ, biết rằng Đức Chúa Trời vẫn đang vùa giúp và không hề lìa bỏ họ sao?
Hơn 50 năm sau, khi thời điểm lời hứa phục hồi được rao ra trước kia (Giê-rê-mi 29:10-14) đến gần, khải tượng ấy được lặp lại hai lần trong khoảng thời gian chỉ hai năm (7:1 và 8:1). Lúc này, dân Giu-đa đã ổn định tại Ba-by-lôn, dễ lắm họ quên đi lời hứa phục hồi của Chúa, dễ lắm họ dựa vào sức mạnh của đế quốc ấy. Khải tượng được lặp lại nhằm cho dân Chúa thấy rằng họ không nên nhờ cậy vào đế quốc Ba-by-lôn, vì nó và cả các đế quốc sau nó là gian ác và đều sẽ bị lật đổ mà thôi.
Chúa vẫn dùng cách lặp lại điều gì đó để nhắc nhở, cáo trách, khích lệ, thêm hy vọng cho chúng ta. Đó là một câu Kinh Thánh được lặp lại nhiều lần, lời nhắc nhở trong tâm khi chúng ta cầu nguyện, hay lời từ một người tin kính. Chúng ta cần nhạy bén để vâng phục ý Chúa.

Bạn có được Chúa dùng nhiều cách khác nhau để nhắc bạn chưa?

Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì tiếng Ngài êm dịu, nhỏ nhẹ, nhưng với người có tai để nghe thì đó là tiếng nói đầy uy quyền. Xin giúp con nhạy bén với tiếng Ngài phán dạy.

Nguồn: httlvn.org

Bài trướcPhúc Âm Mác – Chương 13 – [Dự Án LUMO]
Bài tiếp theoThờ phượng Chúa (CN-12-6-22)