Kinh Thánh: Châm Ngôn 3:3-4
Câu gốc: “Sự nhân từ và sự chân thật, chớ để lìa bỏ con; Hãy đeo nó vào cổ, ghi nó nơi bia lòng con” (câu 3).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn dạy hai điều nào người con cần phải giữ để không lìa khỏi mình? Cựu Ước cho biết đây là những đặc tính của ai? (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6-7)? Kết quả lớn nhất con sẽ nhận được là gì? Bạn cần cầu xin Chúa biến đổi điều gì?
Nhà truyền giáo người Mỹ Jim Elliot để lại một câu nói rất nổi tiếng: “Người ta không phải ngu ngốc khi cho đi những gì không thể giữ để giữ những gì không thể mất.” Vua Sa-lô-môn đã dạy cho người con về hai điều đừng để lìa khỏi mình, đó là “sự nhân từ” và “sự chân thật”.
Trong Cựu Ước, sự nhân từ và chân thật là hai điều thường đi chung với nhau và là đặc tính của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6-7; Thi Thiên 108:4). Như vậy, Vua Sa-lô-môn muốn dạy dỗ con phải mang lấy những đặc tính của Đức Chúa Trời. Vấn đề là làm sao có thể đòi hỏi một người phải sống với những đặc tính chỉ có ở Đức Chúa Trời? Đúng là bản chất con người không thể có những đặc tính này, nhưng Đức Chúa Trời làm được những điều con người không thể làm được (Ma-thi-ơ 19:26). Nói cách khác, “sự nhân từ và sự chân thật” là công việc của Đức Chúa Trời thay đổi tấm lòng của con người. Khi thật sự gặp Chúa, con sẽ được thay đổi và con được đòi hỏi phải sống với những bản tính mới Đức Chúa Trời ban cho. Có một thực tế là nhiều người đến với Chúa với mục đích để Đức Chúa Trời làm cho mình những điều mình muốn nhưng lại không muốn được thay đổi để trở nên giống như Ngài. Nhiều người đi nhà thờ lâu năm nhưng không hề xem việc trở nên giống Chúa là nhu cầu cần tìm kiếm, cần kêu xin Chúa. Họ không nhận ra chính việc đeo đuổi để trở nên giống Chúa sẽ khiến người đó “được ơn và có sự khôn ngoan thật”.
“Sự nhân từ” và “sự chân thật” là ở cả bên ngoài -“đeo nó vào cổ”, và bên trong – “ghi nó nơi bia lòng con”. “Sự nhân từ” và “sự chân thật” bày tỏ ra bên ngoài khiến cho con “được ơn” trước người khác, trong khi đó Đức Chúa Trời vui lòng khi nhìn thấy tấm lòng của người khôn ngoan. Mục đích sự dạy dỗ trong Châm Ngôn chính là sự thay đổi bên trong tấm lòng của con và từ đó dẫn đến sự thay đổi hành vi bên ngoài. Chúng ta sai lầm vì thường cố gắng thay đổi hành vi bên ngoài nhưng không thật sự tìm kiếm sự biến đổi bên trong. Điều chúng ta cần là phải xin Chúa biến đổi cuộc đời mình, đặt Lời Ngài trong tấm lòng mình, đừng chỉ tìm kiếm sự thay đổi hành vi bên ngoài. Xin Chúa cho chúng ta gặp Chúa, kinh nghiệm sự biến đổi của Chúa, sống với bản chất mới mỗi ngày và lấy đó làm mục tiêu gây dựng những người chung quanh.
Bạn có xem sự nhân từ và chân thật là những điều bạn phải theo đuổi và giữ lấy không?
Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài vì đã cho con trở nên con cái Ngài và ban cho con một bản chất mới. Xin giúp con sống đúng với bản chất mới của con và kiên trì trong cuộc đua thuộc linh mỗi ngày để trở nên giống Chúa càng hơn.
Nguồn: httlvn.org