CHỦ NHÂN VÀ QUẢN GIA

566

Câu chuyện quản trị ĐÊM GIAO THỪA (31.01.2022)

Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ và sinh vật trong 5 ngày, ngày thứ sáu ngài dành cho việc tạo nên loài người, ngài phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất. (Sáng thế Ký 1:26-28). Từ đây, bước đầu có thể rút ra một số giá trị về công việc quản trị – sự ủy quyền từ Đức Chúa Trời cho loài người.

***

  1. CHỦ NHÂN:

     Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, ngài là vị thiên chủ (天主) toàn quyền sở hữu đối với sản phẩm do ngài tạo nên.

  1. QUẢN GIA (管家):

     Con người vừa là sản phẩm của Đức Chúa Trời vừa nhận sự ủy quyền từ Đức Chúa Trời  để quản trị mọi vật thọ tạo khác của Ngài – kể cả quản trị bản thân theo ý Chúa.

  1. ĐỒNG NGHIỆP:

     Chúa làm cho con người thành đồng nghiệp của Ngài trong việc quản lý mọi lĩnh vực như lời sứ đồ Phao-lô: “Vì chúng tôi là những người cùng làm việc cho Đức Chúa Trời, anh em là đồng ruộng của Đức Chúa Trời, là nhà của Đức Chúa Trời” – I Cô-rinh-tô 3:9.

  1. TỪ “QUẢN TRỊ” CÓ NHIỀU NGHĨA:

     Trong Tân Ước, có hai từ Hy Lạp thể hiện ý nghĩa của từ “sự quản trị” trong tiếng Việt là “epitropos” và “oikonomos”. Epitropos (“người quản lý, quản đốc, người quản trị”) theo hệ thống tổ chức nhà nước có nghĩa là “thống đốc hoặc kiểm sát trưởng”. Trong Tân Ước đôi khi epitropos có nghĩa là “người giám hộ” – Ga-la-ti 4:1-2 “Tôi muốn nói rằng bao lâu người thừa kế còn thơ ấu, dù làm chủ toàn bộ tài sản, thì cũng không khác gì một nô lệ. 2 Người ấy còn phải ở dưới quyền của những người giám hộ và quản gia cho đến thời hạn mà người cha đã định“. Còn “oikonomos” (“người quản trị, người quản lý hoặc quản trị viên”) tuy xuất hiện thường xuyên hơn ở các sách Tân Ước nhưng tùy ngữ cảnh mà được hiểu (và dịch) là”phân phối, quản trị, quản lý, sắp xếp, trật tự, kế hoạch, đào tạo” – thường liên quan luật, quản lý hộ gia đình, các vấn đề gia đình.

  1. QUẢN TRỊ LÀ ÂN ĐIỂN THIÊNG LIÊNG:

     Với Phao-lô, “oikonomos” có lẽ đủ nghĩa nhất vì trách nhiệm khi rao giảng phúc âm là một sự tin tưởng thiêng liêng (“Nếu tôi vui lòng làm việc đó, thì được thưởng; lại nếu tôi không vui lòng mà làm, thì cái chức-vụ cũng vẫn phó-thác cho tôi.” I Cô-rinh-tô 9:17). Phao-lô hiểu sự kêu gọi của mình từ Chúa là ân điển quản trị của Chúa cho một chức vụ được mặc khải trong Đấng Christ (“Vả, anh em có nghe Đức Chúa Trời ban chức cho tôi, là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi, 3 thể nào bởi sự tỏ ra, tôi đã hiểu điều mầu nhiệm mà tôi mới bày tỏ cùng anh em mấy lời” Ê-phê-sô 3:2) – ở đây, Phao-lô mô tả Chúa là chủ của một gia đình lớn, Chúa điều hành gia đình một cách khôn ngoan thông qua Phao-lô là người quản gia vâng phục Chúa Giê-xu Christ.

  1. SỰ NGHIỆP CỦA NHÀ QUẢN TRỊ:

     Sự quản trị đã được God giao cho loài người không chỉ để kết hợp với Chúa trong việc quản trị nói chung (làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất) mà còn quản trị chiến lược vĩnh cửu cứu chuộc toàn cầu của Ngài (“Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế”. Ma-thi-ơ 28:19-20).

  1. ĐẤNG CHRIST – THÁNH LINH VÀ NĂNG LỰC QUẢN TRỊ:

     Được kêu gọi vào mục vụ, vào hội thánh, vào thân thể Đấng Christ nhưng sự quản trị không là khả năng riêng ta. Sức mạnh, sự thần cảm, sự tăng trưởng trong quản trị (riêng, chung) của ta đến từ Chúa Giê-xu qua Đức Thánh Linh ngự trong ta.

  1. SỰ TỂ TRỊ TỪ CHÚA VÀ NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA:

     Khi nghĩ đến hiệu quả công tác quản trị, nghĩ đến kết quả quản trị tốt, ta thường nghĩ về sự thành tín được thể hiện qua các phương cách quản lý tài chính, dâng phần mười và lễ vật cho Chúa,…nhưng khi xem xét thì nó khác nhiều. Thực tế, sự quản trị không chỉ đối với thời gian, công việc, thiết bị, tài chính, môi trường, sức khỏe của chúng ta mà sự quản trị còn là nhân chứng về sự tể trị của Chúa đối với ta, thể hiện niềm tin vào Chúa Giê-xu.

  1. NĂNG LỰC QUẢN TRỊ TỪ ĐÂU VÀ ĐỂ LÀM GÌ:

     Nhà quản trị chỉ dựa vào sức riêng thì giải pháp và hiệu quả quản trị sẽ là vô ích; phải hiểu nguồn sức mạnh (tâm, trí, thể) ở mình là nhờ có Chúa và nhà quản trị dùng năng lực đó để làm đẹp lòng Chúa như Phi-líp 4:13 kinh nghiệm (“Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi“). Phao-lô cũng nói, “Nhưng nhờ ân điển của Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay, và ân điển của Ngài ban cho tôi không phải là vô ích. Trái lại, tôi làm việc nhiều hơn tất cả những người khác; nhưng nào phải tôi mà là ân điển của Đức Chúa Trời ở với tôi” (I Cô-rinh-tô 15:10).

Tác giả: Hoàng Ngọc Hùng

Bài trướcĐẾN VỚI CHÚA TRƯỚC HẾT -11/2/22
Bài tiếp theoHọc Kinh Thánh Trường Chúa Nhật (CN-13-2-22)