Dịch Tin giả

520

Một dịch toàn cầu về thông tin sai lệch, lan truyền nhanh chóng thông qua các mạng xã hội đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 15.02.2020 như sau: “Chúng ta đang chiến đấu không chỉ với dịch bệnh; chúng ta đang chiến đấu với dịch Tin giả” (We’re not just fighting an epidemic; we’re fighting an infodemic).

1. “Dịch Tin giả” là gì?

    • Tin giả: là thông tin không chính thống, thông tin sai lệch, và được xem như một loại vi-rút – vi-rút “thông tin”.
    • Dịch: một bệnh trở thành dịch khi lây lan mau chóng cho một số lượng lớn người trong một cộng đồng hoặc một khu vực.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng cụm từ “Dịch Thông tin” (tạm dịch chữ infodemic, ghép từ hai chữ informationepidemic) để mô tả một tình trạng bùng phát một lượng thông tin trên mạng nhiều đến mức dư thừa về một vấn đề nào đó làm cho cho việc giải quyết trở nên khó khăn. Một số thông tin là chính xác, nhưng phần lớn trong số đó lại không, và có khi rất khó để nói đó là gì. Từ thời Trung cổ, khi xảy ra dịch bệnh, đã có tình trạng bùng phát việc lan truyền tin tức giả mạo, không chính thống, sai lệch về dịch bệnh đó. Ngày nay, tình trạng đó mau chóng, mạnh mẽ, lan rộng hơn nhiều nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, đến mức có thể gọi là tình trạng “dội bom” hay “sóng thần” thông tin. Một số công bố về nguồn gốc và sự lây lan của dịch bệnh có thể là đúng, nhưng rất nhiều khi lại là sai. Phạm vi bài này tập trung vào thông tin sai lệch và tạm gọi là: “Dịch Tin giả”.

Hiện nay, nhiều phương pháp giải quyết bệnh lan tràn không có bằng chứng khoa học mà ngành Y hay gọi là “thuốc bày”. Thí dụ trong dịch Covid-19: có tin nhắn vi-rút Corona mới (SARS-CoV-2) lây lan qua việc ăn súp dơi; uống nước tỏi, uống vitamin C để tăng sức đề kháng; xông bồ kết diệt vi-rút; thẻ đeo, bút phòng ngừa hay diệt vi-rút; v.v… Có rất nhiều thí dụ như vậy. Các tin nhắn này không đúng sự thật. Cho đến hiện tại (tháng 3.2020) chưa có vắc-xin ngừa hoặc thuốc diệt vi-rút này và vì vậy cách phòng tránh hiệu quả nhất hiện nay là cách ly, đeo khẩu trang và rửa tay đúng cách.

2. Dịch Tin giả xuất phát từ đâu? Tại sao lại xuất hiện?

Dịch Tin giả xuất hiện khi hiểu biết của khoa học về bệnh chưa đầy đủ và cả khi Tin thật không được công bố rộng rãi, thiếu minh bạch.

Nhìn chung, dịch Tin giả xuất phát từ con người, người tốt lẫn người xấu, vô tình hay cố ý. Những chuyên gia “tự xưng”, những người chủ trương không dùng thuốc, những người nổi tiếng trên các trang mạng xã hội (như YouTube, Twitter, Facebook,…), những người chủ trương trị bệnh chỉ bằng đức tin mà không dùng thuốc, v.v… đều có điều gì đó để nói về bệnh và các cách trị bệnh, mặc dù họ không phải là thầy thuốc.

Một số người có thể có ý tốt và muốn chia sẻ bất kỳ tin tức nào cho cộng đồng khi phải đối mặt với dịch bệnh, nhất là loại bệnh mới lạ, còn nhiều bí ẩn. Nhưng một số người khác lại muốn gây chú ý để tăng lượng truy cập vào các kênh riêng của họ với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó có việc tạo cơ hội để kiếm tiền từ nỗi sợ bệnh, bằng cách đưa thông tin sai và bán các thuốc đáng ngờ trên mạng.

3. Dịch Tin giả lây lan qua con đường nào?

Con đường lan truyền chủ yếu là các trang mạng xã hội. Cụ thể hơn, qua thao tác nhấn nút Enter trên bàn phím vi tính hay nút Share trên điện thoại, máy tính bảng.

Internet là phương tiện tốt trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm. Các khám phá khoa học về dịch bệnh được truyền tải cho giới khoa học cũng như công chúng mau hơn các phương tiện thông tin khác rất nhiều. Internet có thể truyền đi kịp thời những thông điệp chính xác về cách bệnh có tính lây lan, về cách bảo vệ mình và người khác; và ai cũng có thể nhận được một cách dễ dàng, mau chóng. Tuy nhiên, internet lại cũng là phương tiện phát tán các thông tin không chính xác mau không kém.

Tổ chức Y tế Thế giới, các nhà khoa học và ngành Y tế các nước đã đang dùng các phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ các thông điệp về các cách bảo vệ và chống lại những thông tin sai lệch. Các mạng xã hội cũng đang nỗ lực phối hợp và đề ra những biện pháp nhằm loại bỏ những thông tin sai lạc cũng như phổ biến những thông tin chính xác. Không chỉ hướng sự tìm kiếm của người dùng đến các trang mạng chính thống mà còn hợp tác với các nhà kiểm tra độc lập để dán nhãn những bài viết không chính xác, và xóa bỏ những lời khuyên về sức khỏe đáng ngờ. Tuy nhiên, công việc khó khăn nhất lại là giải quyết các thông tin bị cắt xén do các chuyên gia và các cơ quan báo chí mất lòng tin.

Dịch Tin giả còn tiếp tục lan truyền ngoại tuyến thông qua điện thoại di động, các phương tiện truyền thông thông thường (thư từ, sách báo, tờ rơi, TV, radio,…), quanh bàn trà nước, cà phê và thậm chí cả những buổi thuyết giảng.

4. Dịch Tin giả thường xuất hiện khi nào?

Dịch Tin giả thường xuất hiện kèm theo các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là loại dịch bệnh mới lạ, còn nhiều bí ẩn, như SARS (2003), MERS (2012) trước kia và Covid-19 hiện nay (2020).

5. Dịch Tin giả có đặc điểm gì?

Dịch Tin giả có một số đặc điểm sau đây:

  • Nội dung thông tin: không chính thống, sai lệch, thường là những câu chuyện kỳ lạ hoặc chưa được xác minh khoa học hoặc đôi khi lồng ghép tư tưởng phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay chính kiến có hại.
  • Đường lây lan: cách thức lan truyền có thể khác nhau tùy vùng miền. Chủ yếu là các trang mạng xã hội: các nhóm Facebook, Twitter, Viber, Zalo, WhatsApp,…
  • Tốc độ lan truyền: rất mau, có khi mau hơn gấp trăm lần bản thân vi trùng gây bệnh.
  • Mức độ và qui mô tác hại: Dịch Tin giả là một hiện tượng toàn cầu. Khoa học càng chưa biết rõ, các nhà chức trách càng giữ kín thông tin thì tác hại càng rộng, càng lớn, không phân biệt ranh giới quốc gia. Dịch Tin giả diễn tiến cũng có tính chu kỳ như dịch bệnh: ủ bệnh, bùng phát, đạt đỉnh, lui dần và biến mất. Dịch Tin giả nguy hiểm hơn dịch bệnh.
  • Phòng ngừa và “điều trị”: rất khó khăn vì tin giả hay đi kèm theo tin thật và nhiều hơn tin thật.

6. Dịch Tin giả diễn tiến ra sao?

Cũng giống như bệnh dịch truyền nhiễm, chu kỳ đầy đủ của một Dịch Tin giả gồm có các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn ủ “bệnh”: là khoảng thời gian từ khi xuất hiện dịch bệnh cho đến khi xuất hiện tin giả đầu tiên trên mạng.
  • Giai đoạn khởi phát: là khoảng thời gian từ khi xuất hiện tin giả đầu tiên cho đến khi có hàng loạt tin “share” trên một số mạng xã hội. Nghĩa là Dịch Tin giả đến sau dịch bệnh.
  • Giai đoạn toàn phát: là khoảng thời gian tin giả phủ khắp các mạng xã hội, thậm chí cả trên báo giấy, sách vở. Giai đoạn này thường xảy đến cùng lúc với đỉnh điểm của bệnh dịch và thường xuất hiện các “biến chứng”: tình trạng hoảng loạn xã hội (đổ xô đi mua các phương tiện phòng và trị dịch bệnh một cách không cần thiết, đình công, biểu tình,…). Dịch Tin giả làm trầm trọng thêm hậu quả của dịch bệnh như suy giảm kinh tế, rối loạn xã hội và dễ xuất hiện những rối loạn tâm lý-xã hội khác khó phân biệt.
  • Giai đoạn lui “bệnh”: Là khoảng thời gian tin giả ít đi dần cùng với dịch bệnh, thường là từ từ. “Biến chứng” thường thấy trong giai đoạn này là các tác hại có thật do tin giả đối với sức khỏe thể chất (tai họa do áp dụng cách phòng trị sai,…) và sức khỏe tinh thần (trầm cảm, thờ ơ,…) của một số người do thiếu biện pháp giải quyết rốt ráo. Tuy nhiên, sau đó Dịch Tin giả có thể bùng phát trở lại trong một số điều kiện nào đó, bởi vì tin giả vẫn còn lưu trên mạng (tương tự như ổ dịch bệnh lưu hành).
  • Giai đoạn phục hồi (“lại sức”): giai đoạn này thường kéo dài. Sau Dịch Tin giả, nhiều người tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn, có kinh nghiệm hơn trong việc phân biệt tin giả với tin thật và khả năng đối phó với tin giả (giống như tình trạng “đáp ứng miễn dịch” của bệnh dịch).

7. Ai dễ mắc bệnh Dịch Tin giả?

    • Chủ yếu là người hay dùng các mạng xã hội và những người bị họ ảnh hưởng, nhất là: Người thiếu hiểu biết chuyên môn.

Người có tinh thần yếu đuối, hay sợ, dễ tin, hay nghi ngờ (hay bám lấy các lý thuyết âm mưu phi lý), người ít tin tưởng vào các chuyên gia, chính quyền, các phương tiện truyền thông chính thống và thuốc men khi mà câu trả lời cho vấn đề chưa đủ và chưa rõ. Trong khi đó, các nhà khoa học lại cần thời gian để nghiên cứu về căn bệnh mới và cách điều trị cũng như thử nghiệm các loại vắc-xin.

  • Có thể phân loại người dễ mắc bệnh theo qui mô lây lan dịch Tin giả:
  • Loại F1: người biết sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính và thích sử dụng các mạng xã hội.
  • Loại F2: người chịu ảnh hưởng bởi F1: Người không có điều kiện vô mạng xã hội.

Thường là trẻ em, người già, người học vấn thấp, thiếu hiểu biết về chuyên môn, v.v…

8. Tác hại của dịch Tin giả là gì?

Tin giả đang khiến cho một số người dễ mắc bẫy của “thuốc bày” truyền đi trên mạng. Uống một chén nước tỏi tươi hoặc bổ sung vitamin C hàng ngày có thể không có gì nguy hiểm, nhưng lại có nguy cơ tạo cảm giác an toàn sai đối với một số người và bỏ qua các khuyến cáo của ngành y tế. Người dùng các mạng xã hội thường có khuynh hướng tìm kiếm những tin tức ủng hộ quan điểm có sẵn của mình. Do đó niềm tin của họ được tin giả củng cố, nhân lên và cuối cùng không còn tin tưởng vào những người chịu trách nhiệm lo về phản ứng khẩn cấp.

Thông tin sai lệch khiến cho mọi người khó tìm được nguồn tin đáng tin cậy và những hướng dẫn đáng tin cậy khi họ cần. Ngoài ra còn có thể làm cho người dân giảm tinh thần sẵn sàng tuân theo hướng dẫn chính thống từ ngành y tế. Thậm chí đến mức có người không thừa nhận mình bị mắc bệnh và không chịu áp dụng các biện pháp phòng ngừa hay điều trị đã được khoa học chứng minh. Một số người vì sợ, vì quan niệm sai, vì thiếu niềm tin vào nhà chức trách hay cơ quan y tế nên không nhờ y tế giúp đỡ. Thêm nữa, một lượng thông tin sai lệch khổng lồ cũng có thể khiến công chúng trở nên buồn chán hoặc thờ ơ với mọi thứ.

Không chỉ vậy, thông tin sai lệch dẫn đến việc lan truyền nỗi nghi ngờ, sợ hãi cho cả cộng đồng, thậm chí trên phạm vi toàn cầu và có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn đã nêu trên, như mua khẩu trang, nước sát trùng tay, tích trữ đồ ăn, v.v… một cách không cần thiết.

Thông tin sai lệch có thể gây ra tình trạng đổ lỗikỳ thị người bị nhiễm bệnh hay cư dân đến từ vùng đang có dịch mặc dù họ không hề bị, hoặc không có liên quan gì, thậm chí dẫn đến bạo lực mang tính chủng tộc. Tình trạng kỳ thị này lan rộng không chỉ trong cơ quan, ngoài đường phố mà cả trên mạng.

Tất cả nhưng điều đó ảnh hưởng nặng nề đến những nỗ lực của ngành y tế đang cố chống lại sự lây lan của dịch bệnh và vì vậy dịch bệnh càng có thể lan rộng.

9.Làm cách nào để phòng ngừa và điều trị dịch Tin giả? Kinh nghiệm từ các vụ dịch trong lịch sử cho thấy nhà chức trách cần phải đối phó với thông tin sai lệch một cách mau chóng và hiệu quả, trong khi đó vẫn phải hiểu rằng không phải ai cũng sẽ tin vào thông tin chính thức.

Nguyên tắc chung nhất để ứng phó với dịch Tin giả là đưa ra Thông tin Chính thống:

  • Minh bạch:

Giữ im lặng, kiểm duyệt hay chỉ trấn an suông không phải là cách tốt để giải quyết dịch tin giả. Mặc dù kiểm duyệt có thể hạn chế sự lây lan của một quan điểm có hại, nhưng lại cũng có thể có tác dụng ngược, khiến cho quan điểm đó trở thành phổ biến hơn. Che giấu tin tức tiêu cực hoặc trấn an mọi người có thể khiến người ta dễ bị tổn thương và không phòng bị ứng phó. Trong trận dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, việc kiểm duyệt và giữ im lặng, kể cả việc không tiết lộ số người bị và số người chết đã làm giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nhưng khi sự thật xuất hiện, mọi người mất niềm tin vào các cơ quan công quyền. Các trận dịch bệnh trong quá khứ cho thấy việc xây dựng niềm tin và thông tin chính xác quan trọng có tính sống còn trong việc khiến cho mọi người tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh như công việc kiểm dịch. Cố gắng giảm bớt nỗi sợ hãi bằng việc kiểm duyệt là vấn đề xem xét kỹ.

  • Mau chóng:

Việc lan tràn các câu chuyện giật gân, các giả thuyết về cách bệnh xuất hiện, lây lan và những gì nhà chức trách đang làm để đối phó là một thử thách đối với nhà chức trách. Các tin nghi ngờ có khi thú vị hơn tin chính thức, và có thể củng cố niềm tin “có vấn đề” của một số người. Vì vậy, một câu trả lời mau chóng có thể dập được những thông tin nhiễu gây ồn ào đó.

Đầu tháng 2.2020 rộ lên một tin đồn vi-rút SARS-CoV-2 có thể truyền qua các đám mây nhiễm trùng trong không khí và người ta có thể hít phải. WHO đã mau chóng ra tuyên bố không phải vậy và Giám đốc Tổ chức Phòng chống Nguy cơ Truyền nhiễm Toàn cầu của WHO, Sylvie Briand, đã giải thích: “Hiện tại vi-rút truyền qua các giọt dịch nhỏ và có tiếp xúc gần mới bị lây.” Sự can thiệp đơn giản này cho thấy hiệu quả của việc phản ứng kịp thời ra sao. Tuy nhiên vẫn không thể thuyết phục được tất cả mọi người.

Ngành y tế nhiều nước đã tận dụng mọi phương tiện truyền thông như biểu ngữ, bảng dựng, video, tờ rơi,… tại cửa ngõ ra vào ngay từ khi dự đoán sẽ xảy ra dịch tại từng khu vực.

  • Nhất quán:

Thông tin chính thức cần phải nhất quán trong phạm vi quốc gia cũng như giữa quốc tế và quốc gia để tránh nhầm lẫn và quá tải thông tin. Việc phối hợp đó có thể có khó khăn. Thí dụ, quốc gia dự đoán lạc quan về diễn tiến của một bệnh dịch để xoa dịu nỗi sợ hãi của quần chúng, trong khi tổ chức quốc tế lại khuyến khích mọi người chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

  • Nhắc đi nhắc lại:

Vì thông điệp chính có thể dễ bị lãng quên trong một biển thông tin, vì vậy cơ quan y tế cần liên tục nhắc đi nhắc lại các thông điệp chính. Thí dụ: tầm quan trọng của việc thường xuyên rửa tay. Nhắc đi nhắc lại là một biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp mọi người cảm thấy kiểm soát được việc bảo vệ chính mình.

  • Phối hợp liên ngành:

Một mình ngành Y tế, nhà chức trách hay nhà truyền thông không thể đơn độc giải quyết nạn dịch Tin giả, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành.

  • Giúp người dân tự cứu mình:

Nhà chức trách khuyến khích và chỉ cách người dân tự phân biệt tin giả với tin thật. Ngành y tế đảm bảo cập nhật thông tin liên tục về dịch bệnh và trả lời các câu hỏi của người dân trên các phương tiện truyền thông xã hội theo thời gian thực. Các trang mạng xã hội phối hợp hỗ trợ bằng cách hướng công chúng tìm thông tin đầu tiên đến các trang mạng chính thống. Đó là các loại “vắc-xin” phòng ngừa dịch Tin giả, giúp người dân tự cứu mình “khỏi chết đuối trong biển tin giả”.

Các cơ quan chuyên trách nên có chiến lược tham gia và thậm chí lắng nghe những người truyền bá hoặc người tin vào những câu chuyện không chính xác để hiểu sâu hơn về cách dịch Tin giả lây lan ra sao. Theo dõi việc giao tiếp trực tuyến bằng từ khóa giúp nhà chức trách theo dõi dịch tin giả, nhờ đó có thể phát hiện các khuynh hướng sai lệch mới nổi lên, xây dựng cái nhìn tổng thể về tin đồn nào có sức thu hút nhất với quần chúng và nhờ đó có cơ hội phản ứng nhanh với những hiểu lầm trong việc chống dịch bệnh.

Dịch Tin giả nguy hiểm hơn bản thân dịch bệnh. Cần cẩn trọng./.

—o0o—

Tham khảo:

  • Sabrina Weiss. Inside the infodemic: Coronavirus in the age of wellness. Health 20/02/2020. https://www.newstatesman.com/politics/health/2020/02/inside-infodemic-coronavirus-age-wellness
  • John Zarocostas. How to fight an infodemic. 29/02/2020. https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)30461-X/fulltext
  • WHO Africa. Inoculating against the ‘infodemic’ in Africa. 05/03/2020. https://www.afro.who.int/news/inoculating-against-infodemic-africa
  • https://www.infodemics.com/
  • COVID19 Infodemics Observatory – https://covid19obs.fbk.eu/

—o0o—

Tác Giả: Hải Sa

Bài trướcNHU MÌ- 1/9/21
Bài tiếp theoNGƯỜI NHU MÌ -2/9/21