KHẨU TRANG

1381

Một câu hỏi nổi lên trong vòng con cái Chúa khi bùng phát đại dịch nhiễm trùng hô hấp cấp 2019-nCoV: Con cái Chúa có nên đeo khẩu trang khi vào nhà thờ để thờ phượng Chúa không? Để trả lời cần bắt đầu bằng vấn đề muôn thuở: “Nên hay Không nên”.

1. Vấn đề “NÊN – KHÔNG NÊN”

Câu hỏi nêu trên thuộc loại vấn đề “ngã ba đường”: NÊN hay KHÔNG NÊN? Trong phạm vi con cái Chúa hiện nay có nhiều tình huống đó: nên uống rượu bia, hút thuốc lá, xăm mình, quan hệ giới tính trước hôn nhân, đánh con, giải phẫu thẩm mỹ, v.v… hay không. Tình huống mới nổi lên là việc đeo khẩu trang trong nhà thờ.

Qua các thư của Phao-lô trong Kinh Thánh Tân ước chúng ta biết Hội Thánh Cô-rinh-tô có nhiều cuộc tranh cãi về những vấn đề “ngã ba đường” trong đó có vấn đề ăn của cúng. Và câu trả lời dứt khoát của ông nằm trong thư 1 Cô-rinh-tô 10:31-33 (xin tự tham khảo): Vấn đề không phải ở “TÔI”, mà là ở “CHÚA” và “NGƯỜI KHÁC”.

Để áp dụng nguyên tắc của Phao-lô đối với mọi vấn đề “ngã ba đường” cần trả lời 3 câu hỏi sau đây trước khi quyết định nên hay không nên làm:

  • Điều đó có làm vinh hiển danh Chúa không? (câu 31)
  • Điều đó có làm gương xấu cho người khác và cho Hội Thánh không? (câu 32)
  • Điều đó có ích cho linh hồn người khác không? (câu 33)

Nếu trả lời thỏa đáng được một cách thực lòng cả 3 câu hỏi trên thì cứ làm.

2. Nguyên tắc “CÁCH LY”

Cách ly là một trong các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh lây lan của ngành y tế hiện nay. Ngày xưa, vào thời Cựu ước, Chúa truyền cho dân Y-sơ-ra-ên trong suốt 40 năm đi trong đồng vắng phải cách ly tất cả những gì “ô-uế” (theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để không lây lan sự “ô-uế” cho dân sự, hay cho nơi có Đức Chúa Trời hiện diện.

Một thí dụ: dân Y-sơ-ra-ên phải cách ly phân của mình: “Anh em phải dành một khu vực riêng ở ngoài trại quân để đi vệ sinh. Trong vật dụng cá nhân, anh em phải có một cái xẻng nhỏ để khi muốn đi ngoài thì dùng nó mà đào lỗ phóng uế, rồi sau đó lấp phân lại.” (Phục. 23:12,13 – TTHĐ) . Một phần ba trọng lượng phân khô là vi trùng. Với trình độ hiểu biết thời đó, dân Y-sơ-ra-ên không cần biết vi trùng hay bệnh lây do vi trùng; họ chỉ cần vâng lời.

Dân Y-sơ-ra-ên cũng phải cách ly ở “ngoài trại quân”: xác chết; người tiếp xúc trực tiếp với xác chết (Lê-vi ký 10); người bị bệnh lây hay có nguy cơ bị bệnh lây (Lê-vi ký 13 – và phải công khai bệnh lây đó); người nói phạm thượng (nói xấu Môi-se, rủa sả Chúa được kể là ô-uế – Lê-vi ký 13;14; Dân số ký 12;15) . Chỗ xử tử người phạm tội trọng; chỗ đốt ra tro phần sinh tế còn lại; v.v… cũng phải “ngoài trại quân” (Dân số ký 15:32-36; Lê-vi ký 13).

Mỗi loại ô-uế hay mỗi mức độ ô-uế có cách xử lý khác nhau và ở địa điểm khác nhau. Nếu chỉ mới nghi ngờ và cần thời gian theo dõi người hay đồ vật (quần áo, nhà cửa,…) có phải là nguồn lây bệnh hay không thì cách ly tại chỗ (hiện nay gọi là “tự cách ly”). Nếu rõ ràng là nguồn lây bệnh thì phải cách ly và xử lý “ngoài trại quân.” (Trong Ngũ kinh, chữ “ngoài trại quân” được chép 26 lần). Như vậy, cách ly nguồn lây bệnh (con người hay đồ vật) là nguyên tắc Chúa phán dạy dân Ysơ-ra-ên, để cho nơi đóng trại hay nơi có Chúa hiện diện được “tinh sạch”. Nhờ đó, dân Y-sơra-ên vẫn được bảo tồn suốt 40 năm lang thang trong sa mạc.

Kinh Thánh Tân ước cũng nêu nguyên tắc “cách ly” đối với sự “ô-uế” nhưng theo nghĩa bóng, nghĩa thuộc linh. Những thứ cám dỗ gây hại linh hồn được xem là thứ “ô-uế”. Chúa Giêxu dùng hình ảnh “móc mắt, chặt tay” (xem Ma-thi-ơ 5:29,30) để nói lên nguyên tắc cách ly đối với những gì có thể làm cho mình phạm tội. Chúa Giê-xu cũng áp dụng nguyên tắc cách ly này vào cách “ứng xử 3 bước” đối với anh em phạm tội (được coi là “ô-uế” – Ma-thi-ơ 18:15-17). Tất cả để cho “bệnh thuộc linh” của một người không lây lan ra cả Hội Thánh mà thành “bệnh dịch thuộc linh”. Người thuộc về Chúa và Hội Thánh Chúa phải “tinh sạch”, “thánh khiết”. “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh.” (1 Phi-e-rơ 1:16; Phục truyền 11:44-45; 19:2; 20:7).

3. Đeo khẩu trang

Bình thường, siêu vi trùng cảm lạnh, cúm hay các loại vi trùng gây ra nhiều loại bệnh lây nhiễm khác có rất nhiều trong kẽ răng, cao răng, bề mặt lưỡi và dịch từ miệng mũi (nước bọt, nước mũi, đàm nhớt). Chỉ cần một cái ho, có khoảng 3.000 giọt nước bọt tung ra không khí với vận tốc có thể đến 22 m/giây. Còn với mỗi cái hắt hơi thì nhiều hơn, khoảng 40.000 giọt nước mũi và nước bọt bắn ra phía trước với vận tốc có thể tới 89,5 m/giây. Các giọt dịch này rất nhỏ, khó thấy, dù không có gió thuận chiều vẫn có thể bay xa 2 – 4 m và lơ lửng trong không khí nhiều giờ liền. Hỉ mũi, khạc nhổ, cả khi nói to hoặc hát cũng có thể tung ra nhiều giọt nước bọt hay nước mũi nhỏ này. Vô phúc cho ai ở gần trong phạm vi 2 – 4 m đó!

Bản thân vi trùng hay siêu vi trùng không bay được trong không khí mà là nằm lẫn trong những giọt nước bọt, nước mũi nhỏ li ti bay lơ lửng đó. Trừ loại khẩu trang đặc biệt của giới y tế trong bệnh viện, các loại khẩu trang thông thường không thể chặn được vi trùng hay siêu vi trùng nhưng chặn được những giọt dịch bài tiết chứa vi trùng. Vào mùa bệnh dịch lây qua đường mũi miệng (như cúm, thường vào mùa lạnh), đeo khẩu trang là một trong các biện pháp quan trọng để cách ly nguồn lây bệnh, bất kể trong nhà mình, nơi chợ búa hay cả trong nhà thờ.

Từ đó, điều đầu tiên cần tự hỏi là: đeo khẩu trang để làm gì? – Câu trả lời đơn giản: để tránh lây bệnh cho người khác (nếu mình có bệnh), hay tránh bị người khác lây bệnh (khi tiếp xúc với người có bệnh); để chính mình và người người khác được “tinh sạch” và bệnh nếu có không lây lan ra cả cộng đồng. Nếu mình bị bệnh thì nên đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị và làm mọi cách để không lây bệnh cho người khác, nhất là bệnh hay lây. Còn nếu mình không có bệnh và đang trong mùa dịch thì tùy tình hình dịch bệnh mà quyết định đeo khẩu trang hay là không.

Khi tạo dựng con người, Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan để “quản trị” (Sáng thế ký 1:26). Một công việc quan trọng Chúa giao cho con người là “đặt tên” (Sáng thế ký 2:19), đó là cách nói của công việc dùng sự khôn ngoan để nghiên cứu, khám phá thế giới mà Chúa tạo dựng. Và khẩu trang là một thành quả của sự khám phá đó để “giữ vườn” (Sáng thế ký 2:15).

Như vậy, nếu đang khi có dịch bệnh nguy hiểm lây qua đường mũi miệng, thì lý do của việc đeo khẩu trang nơi công cộng, chốn đông người và khi tiếp xúc với người đang bị bệnh là gì, nếu không phải là để “giữ vườn”, tránh lây lan bệnh? Nhất là giữa những người cùng đến nhà thờ để thờ phượng Chúa? Nói đeo khẩu trang là “thiếu đức tin” cũng giống như nói “Mệt mỏi, bị lao phổi hay bị gãy xương dùng thuốc bổ, thuốc trị lao hay bó bột là thiếu đức tin!”

Tuy vậy, với câu hỏi nên hay không nên, cuối cùng vẫn là “tùy lượng đức tin”, nếu chúng ta tin hiệu quả của việc đeo khẩu trang thì cứ đeo. Nếu nghi ngờ, thì nên trả lời 3 câu hỏi nêu ở phần đầu bài trước đã, rồi mới quyết định dứt khoát “nên hay không nên”. Bởi vì “nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.” (Gia-cơ 1:6b).

“Vì nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em, đừng nghĩ quá cao về chính mình, nhưng phải suy nghĩ đúng mực, tùy theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người.” (Rô-ma 12:3 – TTHĐ) “Chớ cãi lẫy (tranh luận).” (Rô-ma 14:1-12)

 “Hãy như tôi gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu.” (1 Cô. 10:33) “… hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.” (1 Cô. 12:25) “… Hãy làm hết thảy cho được gây dựng.” (1 Cô. 14:26c)./.

Tác giả: Hải sa

Bài trướcĐẤNG CHỦ TỂ -18/8/21
Bài tiếp theoCHỚ NGHE -9/8/21