Dấu hiệu của Sự sống (4): Sinh sản

541



Dấu hiệu của một vật được gọi là vật-sống đúng nghĩa là (1) luôn tự hoạt động và hoạt động có ích; (2) luôn trao đổi cân bằng; (3) luôn tăng trưởng toàn diện, đồng đều. Dấu hiệu thứ 4 là có khả năng sinh sản.

Một vật có sự sống đúng nghĩa phải có khả năng sinh sản. Sinh sản có 2 nghĩa:

  • Tạo ra một vật-sống khác để lưu truyền sự sống:

   Sự sống là món quà của Tạo Hóa (1) và sự sống được lưu truyền qua khả năng sinh sản. Theo văn hóa phương Đông, chết chỉ là một trong năm giai đoạn của chu trình sống: sinh (sinh ra), trưởng (lớn lên), hóa (biến đổi, tạo ra cái mới), thu (rút lại), tàng (ẩn chứa) để rồi sau đó lại sinh, và cứ vậy tiếp tục. Chết không có nghĩa là chấm dứt sự sống mà là truyền sự sống sang thế hệ tiếp nối. Sự sống của cây cỏ lưu truyền qua 2 cách: (1) truyền sang hoa, trái rồi hột để rồi nảy mầm mọc thành cây con giống như nó; (2) khi cây cỏ chết, cây sẽ dần hòa lẫn vào lòng đất trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây cỏ khác mọc lên. Chết không có nghĩa là hết, không có nghĩa là tàn hay tan biến vào cõi hư vô, mà là truyền sự sống sang thế hệ tiếp nối. Cũng vậy, khi Đấng Tạo hóa ban cho con người sự sống, sự sống đó chỉ thực sự có ý nghĩa trọn vẹn khi vẫn tiếp nối trong con cháu, hay trong thế hệ sau con người đó (nếu không có con cháu) hay trong người khác. Đó là sinh sản theo nghĩa rộng. Sự sống được tiếp nối qua sinh sản.

        Tuy nhiên, sự sinh sản của vật-sống chỉ tốt đẹp trọn vẹn khi tạo ra được một vật-sống giống như nó, hoặc tốt hơn nó. Con người khác mọi vật-sống khác, con người không chỉ có sinh đẻ theo nghĩa đen, mà còn bao gồm nuôi nấng và dạy dỗ sao cho thế hệ tiếp nối luôn tốt hơn mình (2). Sự sống của một vật-sống có khiếm khuyết sẽ sinh sản ra vật-sống khiếm khuyết. Một vật-sống sinh sản ra vật-sống xấu hơn nó thì có nghĩa là sự sống có sai

trật, và sự sống sẽ dần tiêu vong. Sự sống sai trật là do vật-sống hoạt động sai trật, không theo qui luật của thế giới tự nhiên, mà cũng là qui luật của Đấng Tạo hóa khi tạo dựng nên thiên nhiên. Ở con người, điều này là rõ nét nhất, sự sống của cha mẹ sai trật ảnh hưởng đến sự sống của các thế hệ con cháu. Hôn nhân Cận huyết, Hội chứng Rượu Thai nhi (Fetal Alcohol Syndrome – FAS), đột biến gien do hóa chất, phóng xạ, v.v… là những thí dụ.

     Sự sinh sản của con người khác con vật. Con vật sinh đẻ rồi bỏ đó, hay “đẻ + nuôi” rồi bỏ, khá hơn thì có dạy cách sinh tồn, nhưng tất cả chỉ để duy trì sự sống. Còn sự sinh sản của con người không chỉ có sinh đẻ, mà còn có nuôi nấng, dạy dỗ sao cho Con hơn cha là nhà có phúc”.

  •      Tạo ra vật-không-sống khác để phục vụ mình:

     Khác mọi vật-sống khác, con người có khả năng sáng chế ra nhiều thứ để giúp cho sự sống của mình cho tốt hơn, đẹp hơn, phong phú hơn. Các vật-sống khác cũng có khả năng đó nhưng chỉ để sống còn, chỉ để duy trì sự sống. Không có vật-sống nào có khả năng như con người sáng tạo cả về kỹ thuật (như: các loại món ăn uống, xe hơi, máy bay, điện thoại, máy tính, vệ tinh, kính hiển vi, v.v…) lẫn về mỹ thuật hay nghệ thuật (tác phẩm hội họa, âm nhạc,…). Sáng tạo là đặc tính thứ ba của Đấng Tạo hóa phú ban cho con người để có thể thay Ngài quản trị tốt thế giới xung quanh (3). Vấn đề còn lại là sáng tạo để làm gìs và cách quản trị ra sao cho đúng, cho tốt đẹp hơn.

   Một vật được gọi là sống khi có khả năng sinh sản tốt lành, nhờ đó sự sống mới được tiếp nối một cách tốt lành. Dấu hiệu thứ tư của sự sống là có khả năng sinh sản tốt lành.

Trong lĩnh vực đức tin cũng vậy, dấu hiệu thứ tư của một người có sự sống của Đấng Tạo hóa là có sinh sản theo nghĩa bóng, tạm gọi là “sinh sản thuộc linh”.

    Con người có sự sống của Đấng Tạo hóa, không thể chỉ sinh đẻ rồi “tui bận lo làm ăn kiếm tiền nuôi nó, còn chuyện dạy thì có ông bà lo,…” rồi nói “chuyện nên hay hư là chuyện của Chúa”. “Sinh sản thuộc linh” có nghĩa là “sinh đẻ + nuôi dưỡng + dạy dỗ” không chỉ con cháu mình mà thế hệ tiếp nối khác, sao cho thành người tốt lành hơn mình.

    Có khả năng sinh sản thuộc linh có nghĩa là có khả năng đưa dắt người khác quay trở lại với Đấng Tạo hóa, trở lại với tình trạng ban đầu “rất tốt lành” mà Đấng Tạo hóa đã định khi tạo dựng nên họ (2). Theo Kinh Thánh, người có sự sống của Chúa là người luôn “học tập chú tâm làm việc lành” (4) (mà người đời thường gọi là “chuyên làm việc thiện nguyện”). Làm việc lành có nghĩa là luôn đem sức sống đến cho người khác, đưa người khác đến với điều tốt lành, thậm chí tốt lành hơn cả chính mình. Các nhà hoạt động xã hội giúp cải hóa người xấu thành tốt, giúp người khốn khó được an vui, người nản lòng được phấn chấn; thầy cô giáo giúp người không biết thành người biết; thầy thuốc giúp người đau được lành; huấn luyện viên thể dục thể thao giúp cơ thể người yếu thành khỏe; nghệ sĩ sáng tác đem lại sự khích lệ cho công chúng; nhà hoạt động môi trường giúp khắc phục sự ô nhiễm và đưa môi trường sống trở lại tình trạng trong lành ban đầu mà Đấng Tạo hóa đã tạo dựng; tín hữu đưa dắt được người khác đến với Chúa, v.v… Đó là những người có sinh sản thuộc linh (5). Các sứ đồ như Phao-lô, Phi-e-rơ,… là thí dụ, sự sống của Đấng Tạo hóa trong họ đã làm cho vô cùng nhiều người được biến đổi đời sống, và từ đó cho đến nay, những gì họ viết vẫn có ảnh hưởng tốt lành đến hàng tỷ người sau họ.

     “Sinh sản thuộc linh” là mạng lệnh của Chúa Giê-xu cho những ai tin nhận Ngài làm Cứu Chúa, gồm có hai vế: không chỉ “khiến muôn dân trở nên môn đồ, làm báp-têm” (sinh sản) mà còn phải “dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền” (nuôi dạy) (6). Người có sự sống của Đấng Tạo hóa là người có đức tin, như hột giống, gieo “nơi đất tốt… một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm(7). Người có đức tin nhưng hay gây ra sự chia rẽ, cãi lẫy, buồn đau, ngay cả cho kẻ thù, là người có sự sinh sản thuộc linh sai trật, người đó không có sự sống thuộc linh của Đấng Tạo hóa. Đức tin không có việc làm thì là đức tin chết (8). Chúa Giê-xu quở trách người Pha-ri-si là người có sự sinh sản thuộc linh sai trật: làm cho người khác “trở nên người địa ngục gấp hai(9). Sự sống là tốt lành và trọn vẹn khi sự sống được nhân lên, tốt lành và trọn vẹn.

    Tín hữu có sự sống của Chúa đưa được người khác trở lại với tình trạng ban đầu “rất tốt lành” mà Ngài đã thiết kế. Chi Hội sống luôn “sinh sản” Chi Hội mới, luôn đem điều lành đến cho cộng đồng xung quanh, cho quê hương đất nước. Chúng ta là người có ảnh hưởng tốt hay xấu đến thế hệ sau? Có khi nào trước mặt chúng ta người ta chào lịch sự nhưng sau lưng thì giơ nắm đấm?

   “Vậy, nếu cây lành thì sinh trái lành; còn cây độc thì sinh trái độc.” (Mat. 7:17 – TTHĐ).

   “Còn những hạt được gieo trên đất tốt giống như những người nghe đạo thì tiếp nhận và kết quả, hạt nầy ra ba chục, hạt khác sáu chục, hạt khác nữa một trăm.” (Mác 4:20)


(1) Thánh Kinh: Sáng thế ký 2:7.
(2)
Thánh Kinh ghi lại: Đấng Tạo hóa tạo dựng muôn vật trong đó có vật-sống là “tốt lành”, nhưng riêng con người lại “rất tốt lành” (Sáng thế ký đoạn 1). Vật-sống (kể cả con người) có sinh sản, nhưng con người lại có khả năng “làm cho đất phục tùng, quản trị”.
(3) Hai đặc tính kia là công bình và yêu thương.
(4) Tít 3:14 – Bản Truyền thống Hiệu đính (Bản Truyền thống: “Học tập chuyên làm việc lành”).

(5)Ma-thi-ơ 25:31-46
(6) Ma-thi-ơ 28:19-20
(7) Mác 4:20.
(8) Gia-cơ 2:14-26.
(9) Ma-thi-ơ 23:15.

Tác giả: Hải sa

Bài trướcĐỂ DÂN NGOẠI BIẾT CHÚA-28/7/21
Bài tiếp theoTÌM HIỂU THÁNH KINH: SÁCH I&II SỬ KÝ