Kinh Thánh: Dân-số Ký 11:1-3
Câu gốc: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự” (Phi-líp 2:14)
Câu hỏi suy ngẫm: Dân chúng đã phạm tội gì? Đức Chúa Trời đã làm gì với tội lỗi này? Nhờ đâu Đức Chúa Trời dừng cơn thịnh nộ? Bạn được cảnh cáo điều gì về tội lỗi này?
Mục sư Warren W. Wiersbe viết: “Vì tội lỗi mà lòng người có xu hướng quên đi các ơn phước Chúa, không quan tâm đến những Lời Ngài đã phán hứa, và tìm thấy sự thiếu sót trong sự dự phòng, sắm sẵn của Ngài”. Nhận định này hoàn toàn phù hợp cho câu chuyện trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay khi dân Do Thái vừa rời khỏi núi Si-na-i được ba ngày, họ đã phạm tội lằm bằm với Đức Chúa Trời.
Chúng ta không biết lý do dân chúng lằm bằm, Kinh Thánh chỉ nói rằng, “điều đó chẳng đẹp tai Ðức Giê-hô-va” đến nỗi “cơn thịnh nộ Ngài nổi lên”. Động từ “lằm bằm” có nghĩa là phàn nàn, than phiền, oán trách, than khóc (Ca thương 3:39) và bày tỏ thái độ không thỏa lòng, vô ơn, cùng với cảm xúc giận dữ. Nhiều người cho rằng “lằm bằm” là phản ứng bình thường, tuy nhiên chính tội lỗi này đã khiến Đức Chúa Trời nổi giận với dân Do Thái. Bởi lằm bằm không chỉ là lời than trách với mình, với người, mà quan trọng hơn là với Chúa. Đức Chúa Trời đã sửa phạt dân chúng bằng cách dùng lửa “cháy phừng phừng giữa dân sự và thiêu hóa đầu cùng trại quân” (Dân-số Ký 11:1). Qua ngọn lửa đoán phạt, Ngài muốn nhắc dân chúng rằng trụ lửa là dấu hiệu của sự quan phòng và bảo vệ họ (Dân-số Ký 9:15-16), khi họ lằm bằm là họ phủ nhận sự tốt lành, chăm sóc, và bảo vệ của Đức Chúa Trời trên họ, và nếu Ngài không bảo vệ họ thì họ sẽ bị chính ngọn lửa ấy thiêu cháy.
Đối diện với sự đoán phạt của Chúa, dân Do Thái đã chạy đến “kêu la cùng Môi-se; Môi-se cầu xin Đức Giê-hô-va, thì lửa ngừng lại” (Dân-số Ký 11:2). Dân chúng phạm tội với Chúa nhưng chỉ đến kêu la cùng ông Môi-se bởi họ không nhận ra lằm bằm là tội lỗi, và đó là lý do họ đã nhiều lần tái phạm.
Khi gặp khó khăn, những điều không vừa ý, chúng ta thường quên hai điều quan trọng: Thứ nhất, những gì chúng ta đang đối diện chỉ là tạm thời và cần thiết để học tập tin cậy Đức Chúa Trời và kinh nghiệm một chương trình tốt đẹp Ngài dành cho chúng ta. Thứ hai, quên rằng những điều tốt lành là do Đức Chúa Trời đang ban cho chúng ta, và tai họa sẽ xảy đến nếu Ngài rút lại những điều tốt lành này. Đức Chúa Trời là Đấng lắng nghe chúng ta, vậy tại sao chúng ta không dâng trình nhu cầu mình lên cho Ngài mà lại lằm bằm? Hãy cẩn thận về những lời lằm bằm vì Đức Chúa Trời nghe, biết. Lằm bằm đã khiến cho nhiều tín hữu ngày nay làm buồn lòng Chúa, họ không làm chứng tốt cho người khác, và vì chăm chú vào nan đề, lấy chính mình làm trung tâm nên họ đã sống không thỏa lòng và thất bại trong sự phục vụ Chúa cũng như với người khác.
Bạn cần làm gì để tránh khỏi tội lằm bằm?
Lạy Chúa, xin thương xót tha thứ cho con vì nhiều lúc con đã không biết ơn về những gì Chúa ban cho và làm buồn lòng Ngài bởi những lời lằm bằm ngu dại của con.
Nguồn: httlvn.org