Kinh Thánh: Châm-ngôn 22:10-11
Câu gốc: “Hãy đuổi kẻ nhạo báng ra, thì sự cãi lẫy cũng sẽ đi; điều tranh cạnh và sự sỉ nhục sẽ hết” (Châm-ngôn 22:10)
Câu hỏi suy ngẫm: Người nhạo báng có những đặc tính gì? Vì sao cần phải “đuổi” người nhạo báng xa khỏi cộng đồng? Bạn cần làm gì để mang lại sự hòa thuận, yêu thương, hiệp một trong tập thể và Hội thánh?
Vua Sa-lô-môn bày tỏ một thông điệp mạnh mẽ cho vấn đề kỷ luật trong cộng đồng, hãy đuổi kẻ nhạo báng và chào đón người có lòng trong sạch, ăn nói thanh nhã. Trong nguyên nghĩa, từ “nhạo báng” có nghĩa là “phù phiếm và hỗn xược”. Người nhạo báng là người tự cao, kiêu ngạo, cư xử xấc xược theo tính kiêu căng (Châm-ngôn 21:24). Người nhạo báng là kẻ gieo bất hòa, gây chia rẽ trong cộng đồng thay vì đem lại sự hòa thuận, hiệp một. Người nhạo báng không thể có sự khôn ngoan từ Chúa, cho dù có tìm kiếm (Châm-ngôn 14:6), vì học tập chân lý của Đức Chúa Trời đòi hỏi tâm trí khiêm nhường và ý chí thuận phục. Thay vì chân thành trao đổi để tìm cách giải quyết nan đề theo Lời Chúa, người nhạo báng lại phủ nhận chân lý, làm theo ý mình.
Khi người nhạo báng không ngừng gây nên những tranh cạnh, bất hòa, chia rẽ trong cộng đồng và mang đến sự sỉ nhục cho tập thể, thì giải pháp cuối cùng là “đuổi” ra khỏi cộng đồng. Để một người rời khỏi tập thể luôn là điều không ai trong chúng ta mong muốn, nhưng nếu người ấy không thay đổi mà cứ giữ hoài bản chất của kẻ nhạo báng, thì cộng đồng sẽ luôn xảy ra tranh cạnh và bị sỉ nhục. Về khía cạnh tích cực, Vua Sa-lô-môn khích lệ mọi người trong cộng đồng hãy “ái mộ” hay “yêu mến” những ai có lòng thánh sạch, biết đem yêu thương, công chính và sự hòa thuận đến cho mọi người, và cũng có lời nói nhân hậu (Châm-ngôn 22:11).
Trước giả thư Gia-cơ nhắc nhở con dân Chúa hãy sống với nhau bằng sự khôn ngoan từ trên ban cho: “Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình” (Gia-cơ 3:16-17). Mỗi chúng ta hãy cẩn trọng sống đúng theo Lời Chúa dạy, vì bất kỳ ai trong chúng ta, từ người lãnh đạo đến tín hữu, người nào cũng có thể trở thành kẻ nhạo báng nếu chúng ta để cái tôi và lòng kiêu ngạo trỗi dậy. Chúa Giê-xu đã dạy trong Bài giảng trên núi: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9). Ước mong mỗi thành viên trong tập thể và Hội Thánh Chúa luôn hiệp một, yêu thương, hòa thuận nhau, sống thánh sạch và nhân hậu để cùng nhau gây dựng Hội Thánh, làm sáng Danh Chúa và nhiều người biết Chúa.
Bạn có quan tâm giữ sự hòa thuận cho tập thể và Hội Thánh không?
Kính lạy Chúa, xin cho con lòng yêu thương, tính nhu mì, đem đến sự hòa thuận trong Hội Thánh. Cầu xin Chúa cho con khiêm nhu biết nghe lời khuyên của người khác, thay đổi cách sống làm đẹp lòng Chúa, đem lại ích lợi cho cộng đồng và làm sáng Danh Ngài. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen.
Nguồn: httlvn.org