Kinh Thánh: Cô-lô-se 4:2-6
Trong cuộc sống theo Chúa của mỗi Cơ Đốc nhân gắn liền với ba điều căn bản mà Kinh Thánh ghi lại cho chúng ta biết đó là: cầu nguyện, sống theo Lời Chúa và làm chứng cho Chúa. Khi chúng ta thực hành những điều này một cách thường xuyên và liên tục thì chắc rằng chúng ta sẽ có một nếp sống đẹp lòng Chúa và đem đến ích lợi cho mọi người xung quanh.
Một trong những yếu tố của sự cầu nguyện được Chúa Giê-xu nhấn mạnh, là sự kiên trì hay kiên tâm trong sự cầu nguyện (Lu-ca 18:1-8). Kiên tâm trong sự cầu nguyện bày tỏ đức tin nơi Chúa một cách cụ thể hơn hết. Nó cũng cho thấy thái độ nghiêm chỉnh đối với sự cầu nguyện, coi đó là phương tiện chính yếu để thành đạt điều mình thực sự cần, và thực sự mong muốn. Những lời cầu nguyện qua loa, chiếu lệ thường không phải là những lời cầu nguyện kiên trì, nếu có chăng thì đó là “những lời lặp vô ích”.
“Tỉnh thức” trong sự cầu nguyện ở đây liên quan đến tinh thần cảnh giác trong đời sống thuộc linh, chứ không chỉ là trạng thái tỉnh táo của tâm trí lúc cầu nguyện. Lời tạ ơn trong sự cầu nguyện minh chứng một đời sống cầu nguyện linh nghiệm. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải cầu nguyện với thái độ biết ơn về những gì Chúa đã làm, đang làm và sẽ làm cho chúng ta.
Nếp sống của người tin Chúa còn được bày tỏ trong lời nói. Qua cách ăn nói, người đời biết ta là con cái của Chúa. Chữ “ân hậu” có nghĩa tử tế, yêu thương nhưng còn nhấn mạnh đến đặc tính của lời nói. Lời nói của người tin Chúa là lời nói phát xuất từ ân sủng của Chúa. Vì đã kinh nghiệm ân huệ của Chúa trong đời sống, nên lời nói của chúng ta cũng cho thấy lòng biết ơn, khiêm tốn. Chúng ta được kinh nghiệm ơn lành của Chúa nên hãy dùng lời nói bày tỏ ơn lành đó cho người khác.
Nếp sống của một Cơ Đốc nhân là một nếp sống cầu nguyện, cầu nguyện trong sự kiên trì, tỉnh thức và luôn tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đó còn là một nếp sống khôn ngoan, ăn ở hiền hòa với mọi người xung quanh để bày tỏ ân điển và tình thương của Chúa. Phao-lô khuyên Hội thánh hãy lợi dụng cơ hội truyền bá Phúc Âm cho người chưa biết Chúa. Người chưa biết Chúa thường hiểu lẩm về đạo Chúa. Họ không đọc Kinh thánh nên người giảng đạo Chúa phải có tư cách, lời nói khôn ngoan, ân hậu, đượm tình thương. Dù bị hạch hỏi, chống đối, nhưng cách công bố Phúc Âm sẽ khiến chính người chống đối chịu nghe Phúc Âm.
Lạy Chúa, xin giúp con sống thức canh cầu nguyện, sống theo Lời Chúa dạy và sống chia sẻ Phúc Âm cho bạn bè gần xa! A-men!