NGƯỜI ĐẦY THIỆN TÂM – 8/7/2021

490
Kinh Thánh: Rô-ma 15:14-16
Câu gốc: “Hỡi anh em, về phần anh em, tôi cũng tin chắc rằng anh em có đầy lòng nhân từ, đủ điều thông biết trọn vẹn, lại có tài khuyên bảo nhau” (câu 14).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô nói về các phẩm tính tốt của tín hữu tại Rô-ma như thế nào? Tại sao ông giải thích về chức vụ của ông ở đây? Cơ Đốc nhân phải sống hiền lành đầy thiện tâm như thế nào? Bạn học được gì từ các tín hữu tại Rô-ma?
Phân đoạn Kinh Thánh này mở đầu cho lời kết thư Rô-ma của Sứ đồ Phao-lô. Dù ông không thành lập Hội Thánh tại Rô-ma nhưng ông thấy giữa ông với các Cơ Đốc nhân tại đây có mối liên hệ “anh em” trong gia đình của Đức Chúa Trời qua cách ông gọi họ: “Hỡi anh em” (câu 14). Ông dùng cụm từ “tôi tin chắc rằng” như một lời khẳng định về những phẩm tính tốt đẹp của họ. Ông khen họ là những người “đầy lòng nhân từ, đủ điều thông biết trọn vẹn, lại có tài khuyên bảo nhau” (câu 14). Người đầy lòng nhân từ có thể dịch là người đầy thiện tâm, đó là người giàu lòng nhân ái, tốt bụng, chan chứa điều lành. Từ “thiện tâm” trong nguyên ngữ Hy Lạp mang ý nghĩa “lương thiện” hay “đầy thiện chí”. Từ này được dịch là “hiền lành”, một trong chín phẩm chất của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22). Các tín hữu tại Rô-ma đã bày tỏ nếp sống thiện lành với sự hiểu biết về đức tin của mình đặt trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Từ đó, họ có khả năng khuyên bảo hay nhắc nhở lẫn nhau để sống đẹp lòng Chúa hơn. Một người có thể làm cố vấn hay khuyên bảo người khác tốt chính là người hiểu được ý muốn Đức Chúa Trời dạy dỗ trong Kinh Thánh và biết áp dụng lời dạy dỗ đó vào đời sống.
Tuy nhiên, dù các tín hữu tại Rô-ma là những người vững vàng trong đức tin và có đời sống hiền lành, đầy thiện tâm, họ cũng cần được cảnh tỉnh và nhắc nhở để giữ vững nếp sống Cơ Đốc của mình. Đó là lý do Sứ đồ Phao-lô đã viết thư cho họ cũng như dùng cơ hội này để giải thích về chức vụ của ông. Ông khẳng định chức vụ của ông, giảng Tin Lành cho người ngoại là đến từ Đức Chúa Trời. Ngài đã ban ân điển cho ông để làm đầy tớ của Đấng Christ giữa các dân ngoại, nhằm giúp họ nhận biết Chúa và trở thành “của lễ vừa ý Chúa, và nên thánh bởi Đức Thánh Linh” (câu 16). Ông cũng khiêm nhường tỏ ý xin lỗi họ nếu như ông có “trong thư gửi cho anh em có một vài điểm tôi nói hơi mạnh, chẳng qua là để nhắc nhở anh em” mà thôi (câu 15a BTTHĐ).
Cơ Đốc nhân phải là những người đầy thiện tâm như gương các tín hữu tại Rô-ma, hiểu rõ về đức tin của mình và sẵn sàng khuyên bảo người khác khi thấy họ sai, cũng như vui lòng tiếp nhận những lời động viên và nhắc nhở từ người khác khi mình sai. Người sống hiền lành, đầy thiện tâm không phải là người nhút nhát, nhưng là người can đảm để sửa sai và sẵn lòng khuyên bảo, giúp đỡ anh em mình.
Bạn có luôn sống hiền lành đầy thiện tâm không?
Lạy Chúa, xin cho con có được đức tính thiện tâm, hiền lành để con luôn có tấm lòng nhân từ, đầy thiện chí muốn giúp đỡ người khác.
Nguồn: httlvn.org
Bài trướcDấu hiệu của Sự sống (1): Hoạt động
Bài tiếp theoChương trình học Kinh Thánh trực tuyến (T5-8-7-21)