Dấu hiệu của Sự sống (1): Hoạt động

649

   Rất khó định nghĩa sự sống là gì, nhưng khoa học có tiêu chí để gọi một vật là “sinh vật” đúng nghĩa (hay vật-sống, vật có sự sống), để phân biệt với vật-không-sống. Một vật được gọi là vật-sống đúng nghĩa khi vật đó có đủ 5 dấu hiệu: hoạt động, trao đổi, phát triển, sinh sản và tất cả phải trật tự. Dấu hiệu thứ nhất của sự sống là HOẠT ĐỘNG.

Một vật được gọi là sống phải luôn luôn hoạt động. Vật nào không hoạt động được thì không phải là vật-sống (vật-không-sống). Con người, động vật, cây cỏ, vi trùng, v.v… đều hoạt động, nên được gọi là vật-sống. Một vật-sống, nếu không hoạt động sẽ lần lần bị hư hoại và tiêu mất. Thuốc trụ sinh là loại thuốc làm cho vi trùng bất hoạt, không giết chết vi trùng liền tại chỗ nhưng làm cho vi trùng không hoạt động được nên sẽ lần lần không còn sống. Nhốt kín hay bó chặt con vật nào đó lại không cho hoạt động, con vật đó sẽ chết mặc dù vẫn được cho ăn uống đầy đủ. Con người nằm một chỗ, không vận động, sẽ dần bị bệnh và chết. Bộ óc không học hành, suy nghĩ sáng tạo thì các tế bào óc (nơ-ron) sẽ dần thoái hóa. Bắp thịt không hoạt động sẽ nhão, dần dần teo nhỏ và yếu đi. Xương không chịu lực chống đỡ cơ thể (đi, đứng,…) sẽ dần loãng xương và dễ gãy. Khớp xương không hoạt động sẽ dần cứng lại. Bó bột để cố định xương gãy là một thí dụ, sau một thời gian khá dài xương thì liền nhưng loãng và khớp xương lại bị cứng, bắp thịt teo yếu, và phải tập luyện một thời gian mới dần trở lại bình thường. Vì vậy, trong ngành y, một trong các biện pháp quan trọng để điều trị bệnh là vận động, nhất là các bệnh kinh niên, các rối loạn chức năng, các bệnh do ngồi liên tục ít hoạt động làm cơ thể hư mòn (như thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, loãng xương, v.v…). Sống có nghĩa là luôn hoạt động.

Có 3 hoạt động quan trọng nhất của vật-sống, đó là:

  • Khả năng đáp lại các kích thích khác nhau từ môi trường bên ngoài.
  • Khả năng giữ thăng bằng với ngoại môi (môi trường bên ngoài) để có thể sống bình thường trong một môi trường nhất định nào đó. Y khoa gọi đó là khả năng thích nghi.
  • Khả năng giữ thăng bằng nội môi (môi trường bên trong vật-sống): nghĩa là khả năng tự duy trì hoạt động ở mức cân bằng và ổn định trong một trạng thái nhất định.

Tuy nhiên, đám mây, bụi đất, cục đá, nước, xe hơi,… cũng hoạt động nhưng lại không phải là vật-sống, mà là vật-không-sống. Chúng hoạt động được là nhờ nguồn lực từ bên ngoài cung cấp, ngừng cung cấp là hết hoạt động. Nhờ gió mà mây bay trên trời, bụi tung dưới đất. Nhờ trọng lực mà cục đá lăn được, dòng nước chảy được. Nhờ nhiên liệu và con người vận hành mà xe hơi chạy được. Chúng là vật-không-sống bởi vì không tự mình hoạt động được.

Tự hoạt động là yếu tố để sống còn. Tự hoạt động có nghĩa là tự dùng khả năng và sức lực vốn có bên trong để hoạt động. Ngày nay, con người đang dần trở nên lười biếng, thay vì tự hoạt động lại nhờ máy móc thay thế các hoạt động của mình: xe hơi, xe gắn máy, điện thoại thông minh, máy tính, máy xoa bóp,…. Vì thiếu tự hoạt động cơ thể nên bị hàng loạt bệnh tật như tâm thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, chuyển hóa, v.v… Các loại bệnh này thường xuất hiện chung với nhau và y học gọi là Hội chứng tĩnh tại hay Hội chứng Văn phòng (sedentary syndrome, office syndrome). Hơn thế nữa, con người còn đang cố bắt chước Đấng Tạo hóa tạo ra vật-sống, như chế tạo người máy, sinh vật nhân tạo,… có thể tự hoạt động để con người được “giải phóng sức lao động”, nhưng xét cho cùng, dù có thể tự hoạt động nhưng vẫn phải theo chương trình của con người đã thiết lập, vì vậy chúng cũng không được coi là vật-sống. Sống có nghĩa là luôn tự hoạt động.

Chưa hết, một vật-sống luôn hoạt động có ích, nghĩa là giúp duy trì và phát triển sự sống của chính mình lẫn vật-sống khác. Có hoạt động nhưng không có ích, thậm chí có hại, sẽ dần đi đến chỗ tiêu vong hay chấm dứt sự sống và cũng không được gọi là vật-sống đúng nghĩa. Sống có nghĩa là luôn hoạt động có ích.

Luôn tự hoạt động hoạt động có ích là dấu hiệu thứ nhất của sự sống.

  Theo Thánh Kinh (Lời của Đấng Tạo hóa), Đấng Tạo hóa là Đấng sống, nguồn ban sự sống ([1]). Lời Ngài là Lời Sống ([2]). Mục đích của Đấng Tạo hóa khi tạo dựng con người mang ảnh tượngsinh khí của Đấng Tạo hóa là để quản trị mọi vật, làm việc thiện lành ([3]). Con người là một vật-sống khác biệt với mọi vật-sống vì mang sinh khí của Đấng Tạo hóa, có ba đặc tính của Đấng Tạo hóa là yêu thương, công bình và sáng tạo; được ban cho quyền tự do để làm công việc quản trị.

  Người có đức tin nơi Đấng Tạo hóa là người không chỉ có sự sống của Đấng Tạo hóa, mà còn cần học biết Lời của Đấng Tạo hóa và sống đúng theo ý định của Đấng Tạo hóa; thể hiện qua khả năng luôn luôn tự hoạt động (hay tự lực về thuộc linh) một cách hữu ích. Có đức tin chỉ mới là về mặt tinh thần, trí óc, nhưng cần phải có “việc làm” về mặt thân thể, đó mới là đức tin “sống” ([4]). Nói mình tin nơi Đấng Tạo hóa mà không sống như Ngài muốn và dạy thì đó là đức tin “chết”. Theo Thánh Kinh, cụm từ “có việc làm” có nghĩa là có 2 điều trong đời sống thực tế hàng ngày: tương giao hai chiều với Đấng tạo dựng nên mình, và làm những việc tốt lành cho cộng đồng mà mình đang sống. Hai điều đó được Hội Thánh gọi chung là “hoạt động thuộc linh”.

Dấu hiệu thứ nhất của người sự sống thuộc linh luôn luôn hoạt động thuộc linh và hơn thế nữa, tự hoạt động thuộc linh một cách hữu ích, nghĩa là luôn gây dựng nhau, giúp đỡ và phát triển sự sống của nhau ([5]). Hội Thánh sống là Hội Thánh có khả năng luôn tự hoạt động, hay tự lực, về mọi mặt, một cách có ích cho cộng đồng. Nhóm tín hữu sống là nhóm luôn tự lực về thuộc linh và có ích cho cộng đồng. Dấu hiệu cho biết mình có sự sống của Chúa là luôn tự hoạt động thuộc linh một cách có ích.

“Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.” (Gia-cơ 2:17)

“Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vị thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao: Ta biết công việc ngươi; ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết.” (Khải huyền 3:1)

 

Dấu hiệu thứ nhất của sự sống là luôn hoạt động
[tự hoạt động và hoạt động có ích]

 

Tham khảo:

[1]    Thánh Kinh: Sáng thế ký 2: 7 – Công vụ. 17: 25 – Giăng 1: 4; 6: 51; 11: 25; 14: 6.

[2]    2 Ti-mô-thê 3: 16 – Hê-bơ-rơ 4: 12.

[3]    Sáng thế ký 1: 26-27 – Châm ngôn 16: 4a – Ê-phê-sô 2: 10 – 2 Cô-rinh-tô 9: 8.

[4]    Gia-cơ 2: 14-26 – 1 Giăng 2: 6,9 – Cô-lô-se 1: 10 – 2 Ti-mô-thê 3: 16-17. Xem thêm Thi thiên 119: 9,11,25,154,169.

[5]    1 Cô-rinh-tô 14: 26 – Ê-phê-sô 4: 16.

Tác giả: Hải Sa

Bài trướcVỊ TIÊN TRI TỐT BỤNG – 7/7/21
Bài tiếp theoNGƯỜI ĐẦY THIỆN TÂM – 8/7/2021