CÂY CÂN GIẢ-6/11/23

574

Kinh Thánh: Châm-ngôn 11:1

Câu gốc: “Cây cân giả lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va; Nhưng trái cân đúng được đẹp lòng Ngài?”(Châm-ngôn 11:1)

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn dùng hình ảnh cây cân và trái cân để nói lên vấn đề gì? Ngày nay, vấn đề này có thể được thực hiện như thế nào? Đức Chúa Trời có thái độ nào với vấn đề này? Bạn được nhắc nhở và cảnh cáo điều gì?

 Khi hỏi: “Điều quan trọng nhất trong kinh doanh là gì?” phần lớn câu trả lời là: Lợi nhuận. Người ta thường ví: “Thương trường như chiến trường” nên người kinh doanh cho rằng mình có thể làm mọi điều để đem lại lợi nhuận cao nhất và rủi ro thấp nhất. Nhiều người còn tìm kẽ hở của pháp luật để thu lợi hoặc để che giấu những sai phạm của mình.
Tại đây, Vua Sa-lô-môn đưa ra hình ảnh “cây cân” và “trái cân”. “Cây cân” thời bấy giờ là dụng cụ đo lường gồm hai đĩa cân treo trên hai đầu một thanh ngang đặt cân bằng trên một đầu trục. “Trái cân” trong nguyên nghĩa là “viên đá”, với những trọng lượng tiêu chuẩn được đặt lên một đĩa cân để cân bằng với món đồ muốn cân đặt ở đĩa bên kia. Để thu lợi trong kinh doanh, những người mua bán bất chính sẽ sắm hai bộ “trái cân”, một bộ nhẹ hơn và một bộ nặng hơn trọng lượng tiêu chuẩn tùy theo mục đích sử dụng để lừa đảo khách hàng. Ngày nay, chúng ta không còn dùng “cây cân” và “trái cân” giống như vậy nữa, nhưng nhiều người vẫn có nhiều hình thức kinh doanh giả dối như quảng cáo không đúng sự thật; đầu cơ tích trữ để ép giá khi hàng hóa khan hiếm; nâng giá hoặc hạ giá thành sản phẩm bằng nguyên liệu chất lượng kém; bóc lột nhân công; tìm cách trốn thuế v.v…
Vua Sa-lô-môn cảnh cáo những người kinh doanh giả dối rằng Đức Chúa Trời nhìn thấy mọi sự và Ngài ghê tởm sự gian dối, tham lam, và ích kỷ. Luật pháp của Chúa nhiều lần lên án sự gian trá trong kinh doanh (Lê-vi Ký 19:35-37; Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:13-16; A-mốt 8:5). Vậy nên khi chúng ta tìm cách đạt lợi nhuận cao nhất trong kinh doanh bất chấp đạo đức Cơ Đốc là hoàn toàn sai. Sai vì quên rằng có một Đấng đang nhìn thấy và phán xét cách sống của mỗi người theo tiêu chuẩn của Ngài. Nhiều người nói rằng kinh doanh có luật của kinh doanh, nhưng hãy nhớ tất cả chúng ta đều chịu phán xét dưới một luật duy nhất là luật đạo đức của Đức Chúa Trời. Người kinh doanh phải tuân theo đạo đức Cơ Đốc trong kinh doanh. Điều quan trọng nhất của đời người không phải là lợi nhuận hay lợi ích của mình, nhưng là sống một cuộc đời làm vinh hiển Danh Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 10:31) và quan tâm đến lợi ích người khác (Phi-líp 2:3-4).
“Nhưng trái cân đúng được đẹp lòng Ngài.” Từ “đẹp lòng” có nghĩa là có thể được chấp nhận hay làm hài lòng, tại đây nói đến mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và người ngay thẳng. Người sống đẹp lòng Chúa là người sống cuộc đời kính sợ Chúa, ngay thẳng, và yêu thương người khác.

Bạn có muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận và vui lòng không?

Lạy Chúa, nguyện xin đức tin của con đặt nơi Ngài và Lời Ngài ảnh hưởng trên mọi khía cạnh đời sống con để con sống cuộc đời đẹp lòng Chúa và yêu thương người khác.

Nguồn: httlvn.org

Bài trướcThờ phượng Chúa (CN-5-11-23)
Bài tiếp theoGIEO VÀ GẶT-7/11/23